Bộ Giao thông Vận tải đang phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường khảo sát mỏ cát biển.
Tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn Quốc hội sáng 9/6, vấn đề được các đại biểu quan tâm chất vấn đối với Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể là việc thiếu vật liệu gây ảnh hưởng đến tiến độ các công trình giao thông trọng điểm.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết hiện tất cả các dự án giao thông ở miền Trung đều lập hồ sơ mỏ vật liệu và yêu cầu tư vấn điều tra khảo sát để có đủ vật liệu cho các dự án.
Đối với các dự án ở Đồng bằng sông Cửu Long, Bộ sẽ báo cáo với Chính phủ có mỏ cát tốt hỗ trợ các dự án ở khu vực này.
Hiện, Bộ đang phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường khảo sát mỏ cát biển; đồng thời tập trung đánh giá tác động môi trường để và có thể dùng cát biển trải phía dưới công trình, lớp mặt dùng cát sông.
Bộ cũng sẽ phối hợp với các địa phương và theo dõi diễn biến tại các công trường, kiểm tra nhật ký nghiệm thu cơ sở thường xuyên để có thể nắm được thực trạng về vật liệu bổ sung kịp thời cho các dự án.
Trước đó, thông tin về tình hình triển khai dự án đường bộ cao tốc Bắc-Nam giai đoạn 2017 - 2020, Cục Quản lý Xây dựng và Chất lượng công trình giao thông (Bộ Giao thông Vận tải) cho biết, tính đến hết tháng 5/2022, tổng khối lượng xây lắp hoàn thành dự án đạt gần 22.700 tỷ đồng, tương đương 40% giá trị hợp đồng.
Bốn dự án kế hoạch hoàn thành năm 2022 (gồm Mai Sơn - Quốc lộ 45; Cam Lộ - La Sơn; Vĩnh Hảo - Phan Thiết và Phan Thiết - Dầu Giây) sản lượng trung bình đạt 58,3% giá trị hợp đồng.
Các dự án kế hoạch hoàn thành năm 2023 gồm 4 dự án: Quốc lộ 45 - Nghi Sơn; Nghi Sơn - Diễn Châu; Nha Trang - Cam Lâm và dự án cầu Mỹ Thuận 2) sản lượng trung bình đạt 37,6% giá trị hợp đồng.
Có 2 dự án kế hoạch năm 2024 gồm Diễn Châu - Bãi Vọt và Cam Lâm - Vĩnh Hảo sản lượng trung bình đạt 9,2% giá trị hợp đồng.
Tuy nhiên, lãnh đạo Cục Quản lý Xây dựng và Chất lượng công trình giao thông cho hay, thời điểm hiện tại, việc thi công một số dự án thành phần vẫn thiếu khoảng 3,2 triệu m³ chưa hoàn thành hồ sơ cấp giấy phép khai thác.
Cụ thể, đoạn Mai Sơn - Quốc lộ 45 (địa bàn tỉnh Ninh Bình) chưa cấp phép khai thác khoảng 0,4 triệu m³. Đoạn Nha Trang - Cam Lâm (địa bàn tỉnh Khánh Hòa) chưa cấp phép khai thác khoảng 0,8 triệu m³. Đoạn Cam Lâm - Vĩnh Hảo (địa bàn tỉnh Ninh Thuận) chưa cấp phép khai thác khoảng 2 triệu m³.
Lãnh đạo Cục Quản lý Xây dựng và Chất lượng công trình giao thông cũng cho hay, ngoài ra, trên địa bàn tỉnh Bình Thuận (đoạn Vĩnh Hảo - Phan Thiết) còn 1 mỏ đất với trữ lượng 0,11 triệu m³ đã được cấp phép ngày 4/4/2022 nhưng chưa được khai thác do nhà thầu đang thực hiện các thủ tục thuê đất, nộp các khoản thuế, phí và thực hiện bồi thường nhà cửa, vật kiến trúc, cây cối, hoa màu trên đất…
Dự án đầu tư xây dựng cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020 dài 654 km, được chia thành 11 dự án thành phần gồm 8 dự án đầu tư công và 3 dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP).
11 dự án thành phần đi qua 13 tỉnh gồm Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, Đồng Nai, Tiền Giang và Vĩnh Long.
Dự án có tổng mức đầu tư khoảng 100.000 tỷ đồng; trong đó, kinh phí đền bù giải phóng mặt bằng của dự án khoảng 12.401 tỷ đồng. Hiện, đã hoàn thành và đưa vào khai thác một dự án vào đầu năm 2022 là đoạn Cao Bồ - Mai Sơn (nối Nam Định với Ninh Bình).
Còn Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Duy Lâm cho hay, Chính phủ đang triển khai hàng loạt các dự án công trình giao thông trọng điểm tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long; trong đó, có các tuyến cao tốc nên nhu cầu sử dụng vật liệu là rất lớn.
Chẳng hạn tại An Giang đang triển khai dự án tuyến nối Quốc lộ 91 và tuyến tránh Long Xuyên dự kiến sẽ hoàn thành vào tháng 8/2023. Bộ đang tập trung chỉ đạo nhà thầu, Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận quyết tâm triển khai thực hiện dự án đảm bảo tiến độ đề ra, Thứ trưởng Nguyễn Duy Lâm thông tin.
Theo Thứ trưởng Nguyễn Duy Lâm, kế hoạch năm 2023, Bộ Giao thông Vận tải sẽ khởi công 12 dự án thành phần thuộc tuyến cao tốc Bắc - Nam; trong đó, tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long có dự án thành phần cao tốc Cần Thơ - Cà Mau nên nhu cầu vật liệu cho dự án là rất lớn khoảng 18 triệu m³.
Dự kiến, Quốc hội sẽ xem xét thông qua 3 dự án cao tốc trục ngang; trong đó có dự án cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng với chiều dài 188 km. Vì vậy, nhu cầu sử dụng vật liệu cát cho các dự án này là rất lớn nên An Giang nâng công suất khai thác các mỏ cát lên 50% để hỗ trợ, cung cấp nguồn vật liệu này cho các dự án trọng điểm của vùng.
VLXD.org (TH/ TTXVN)