Giá vật liệu xây dựng liên tục tăng trong những tháng đầu năm 2014
Giá nhích, tiêu thụ tăng
Thị trường VLXD có nhu cầu tăng đột biến, nguồn cung không đáp ứng kịp cầu đã khiến các loại sản phẩm như: Xi măng, sắt, thép và một số vật liệu nội thất cũng tăng theo. Sức mua tăng, lượng tiêu thụ hàng cũng đã tăng mạnh so cùng kỳ năm trước.
Cụ thể, lượng sắt thép xuất khẩu trong 4 tháng đầu năm cũng đạt 874 ngàn tấn với giá trị xuất khẩu 651 triệu USD, tăng gần 20% về lượng và tăng 8,6% về giá trị xuất khẩu so với cùng kỳ năm 2013. Đây là tháng thứ 2 liên tiếp trong năm 2014 sản lượng thép tiêu thụ đạt cao hơn mức bình quân các năm trước (năm 2013 bình quân 380.000 tấn/tháng và năm 2012 là 370.000 tấn/tháng).
Bên cạnh đó, các mặt hàng ống thép, tôn mạ kim loại vẫn giữ được sự ổn định trong sản xuất và tiêu thụ.Ngoài ra, trong tháng 5 cũng ghi nhận các sản phẩm gạch ốp lát và sứ vệ sinh có mức điều chỉnh giá tăng thêm khoảng 15 - 20%.
Về sản phẩm chủ đạo vật liệu xây dựng là xi măng thì báo cáo của Bộ Xây dựng, trong 4 tháng đầu năm, lượng xi măng tiêu thụ trên cả nước tăng vọt. Tồn kho xi măng cả nước tháng 3 giảm đến 96,96% so với tháng 2, xi măng tiêu thụ tháng 4 đã đạt 111% so với cùng kỳ năm ngoái.
Vụ Vật liệu xây dựng cho hay nếu tính cả 4 tháng đầu năm, tiêu thụ xi măng đạt 21,05 triệu tấn, bằng 120,3% so với cùng kỳ năm 2013 và đạt 34% kế hoạch năm 2014. Riêng tại thị trường nội địa, tiêu thụ đạt 107,5% so với cùng kỳ.
Khởi sắc vẫn lo ế hàng
Tuy nhiên, đánh giá tổng thể thì các mặt hàng vật liệu xây dựng như sắt, thép, xi măng, gạch ốp tăng giá mạnh trong những tháng đầu năm, vụ VLXD lý giải nguyên nhân nằm ở giá cước vận tải đã tăng cao do Bộ Giao thông vận tải siết tải trọng.
Cụ thể, ngay từ khi Bộ Giao thông siết tải trọng đường bộ thì vào trung tuần tháng 4, Hiệp hội Gốm sứ xây dựng Việt Nam đã ngay lập tức tổ chức cuộc họp với các doanh nghiệp nhằm thống nhất việc triển khai tới các doanh nghiệp sản xuất, các cửa hàng và tất cả các đại lý của từng doanh nghiệp về mức nâng giá đồng loạt trên toàn quốc.
Còn về xi măng, theo ông Lê Văn Tới, Vụ trưởng Vụ VLXD mặc dù có những tăng trưởng ấn tượng trong đầu năm nhưng về lâu dài thì ngành này vẫn chưa hết khó khăn.
“Thậm chí đến năm 2015, khi các nhà máy mới được đưa vào khai khác, tổng công suất thiết kế của cả nước có thể đạt đến 85 triệu tấn, một con số rất lớn so với mức tiêu thụ trong nước được dự báo chỉ vào khoảng 59,7 triệu tấn”, ông Tới nói.
Cùng quan điểm, ông Trương Phú Cường, Chủ tịch Hiệp hội Xây dựng và Vật liệu Xây dựng TP.HCM nhận định rằng trong tương lai gần thì Việt Nam sẽ bị thiếu xi măng.
Ông Cường cho biết thời gian qua do áp lực tồn kho, phần lớn các nhà máy xi măng đã phải cắt giảm tối đa công suất hoạt động. Nhiều nhà máy chỉ sản xuất cầm chừng 30-40% công suất, thậm chí chấp nhận bán lỗ để đẩy hàng đi.
Trên thực tế, những khó khăn mà ngành xi măng phải đối mặt vẫn rất lớn. Thậm chí tháng 4 năm ngoái, Hiệp hội Xi măng Việt Nam đã đưa ra dự báo trong dài hạn, trong đó có những con số nhìn nhận thực trạng bi quan như chỉ khoảng 50% doanh nghiệp xi măng có thể trụ được, 30% doanh nghiệp khó khăn và 20% hết sức khó khăn và có nguy cơ phá sản.
“Một số doanh nghiệp nhỏ bị thua lỗ nặng nề và có nguy cơ chuyển hướng hoạt động, trong khi một số khác phải chuyển nhượng một phần vốn, tài sản cho nhà đầu tư nước ngoài như Xi măng Chinfon, Thăng Long…”, Hiệp hội Xi măng cho biết thực trạng.
NH (Theo Lao động)