Một gian hàng vật liệu xây dựng tại triển lãm Vietbuild 2014 sáng 18-6 tại TPHCM.
TS Trần Văn Huynh, Chủ tịch Hội Vật liệu xây dựng Việt Nam, cho biết sau ba năm khủng hoảng và gặp nhiều khó khăn trong tiêu thụ sản phẩm, thị trường vật liệu xây dựng trong những tháng đầu năm 2014 đã dần ổn định, tuy vậy vẫn chưa thể lạc quan.
Những năm qua, khi bất động sản “đóng băng” thì sức tiêu thụ của vật liệu xây dựng cũng bị giảm sút. Ngoài ra, các doanh nghiệp vật liệu xây dựng trong nước cũng bị canh tranh khắc nghiệt với vật liệu xây dựng nhập ngoại.
Theo ghi nhận tại triển lãm, nhiều doanh nghiệp vật liệu xây dựng cỡ vừa và nhỏ trong nước cho biết, sức tiêu thụ sản phẩm của họ đã bị giảm 30-40% so với cùng kỳ những tháng đầu năm 2013.
Ông Lều Văn Nghĩa, Phó giám đốc Công ty Cổ phần sản xuất nhôm Nam Long (quận 12, TPHCM), cho biết tình hình buôn bán của công ty ông cũng bị ảnh hưởng khá lớn do các công trình xây dựng nhà ở hiện đang hạn chế. Tuy nhiên, ông Nghĩa cho biết, doanh nghiệp ông đang tìm lối ra bằng những đơn đặt hàng nhỏ lẻ, tăng cường hệ thống phân phối.
Còn ông Antonio Gigirey Vieiro, Giám đốc Công ty TNHH Taicera Keraben (liên doanh với Tây Ban Nha) chuyên sản xuất gạch ceramic, nhận định rằng sự trì trệ của bất động sản đã kéo theo sự trì trệ của vật liệu xây dựng.
Những dự án nhà ở đang trong quá trình hoàn thiện trên thị trường không nhiều, trong khi, đây chính là nơi tiêu thụ sản phẩm của các doanh nghiệp vật liệu xây dựng.
Ông Chu Văn Minh, Phó tổng giám đốc Tổng Công ty Vật liệu xây dựng số 1 (Bộ Xây dựng), cho rằng khi thị trường bất động sản trở về đúng giá trị của nó cũng sẽ giúp vật liệu xây dựng định hình được vị trí của mình trên thị trường.
Theo ông Minh, bất động sản cần tập trung cho các dự án nhà ở bình dân cho người lao động, từ đó, ngành vật liệu xây dựng cũng sẽ tham gia vào các dự án này theo một chuỗi cung ứng và đó cũng là một lối thoát cho cả hai ngành hiện nay.
Ông Trần Văn Huynh thì không hy vọng tình hình thị trường vật liệu sẽ tăng trưởng mạnh mà chỉ mong thị trường này ổn định và không bị sụt giảm như trước đây.
Theo ông Huynh, các doanh nghiệp của ngành này cần hợp tác với nhau, tập trung nâng cao chất lượng sản phẩm, cải tiến kỹ thuật thì mới đủ sức cạnh tranh với hàng ngoại nhập.
Ngoài ra, ông Huynh cho rằng Nhà nước cần có những chính sách ưu tiên để các doanh nghiệp vật liệu xây dựng trong nước có thể tham gia nhiều hơn vào các dự án lớn trong nước.
Theo thông tin từ ban tổ chức, Vietbuild 2014 thu hút được sự tham gia của 800 doanh nghiệp trong và ngoài nước với hơn 2.300 gian hàng. Trong đó, có 461 doanh nghiệp trong nước, 231 doanh nghiệp liên doanh và 108 doanh nghiệp đến từ 18 quốc gia và vùng lãnh thổ như Thái Lan, Malaysia, Singapore, Hàn Quốc, Canada, Ý, Hoa Kỳ, Đức…
Theo ghi nhận tại triển lãm diễn ra sáng nay, ngoài các gian hàng về vật liệu xây dựng chiếm một phần đáng kể còn có các gian hàng về nội thất, vật liệu trang trí và một số dự án bất động sản.
QN - SaigonTimes