Theo Tổng cục Thống kê, sản lượng gỗ khai thác từ rừng trồng tăng liên tục tăng qua các năm, từ 3,01 triệu m
3 năm 2006 lên 19,5 triệu m
3 năm 2019; ước tính năm 2020 đạt 20,5 triệu m
3 và cơ bản đạt mục tiêu đặt ra trong Chiến lược phát triển Lâm nghiệp Việt Nam giai đoạn 2006 - 2020 là 20 - 24 triệu m
3/năm.
Trong 2 tháng đầu năm 2021, sản lượng gỗ khai thác đạt 1,85 triệu m
3, tăng 3,5% so với cùng kỳ năm trước; sản lượng củi khai thác và thu nhặt đạt 2,73 triệu ste, bằng 98,9%.
Hiện Việt Nam đã trở thành trung tâm chế biến gỗ của châu Á. Do nguồn cung nguyên liệu trong nước không đủ để chế biến phục vụ tiêu dùng trong nước và xuất khẩu, hàng năm nước ta phải nhập một lượng gỗ nguyên liệu rất lớn từ nước ngoài. Trong hoạt động xuất khẩu, mở rộng xuất khẩu gỗ và các sản phẩm gỗ của Việt Nam có vai trò rất lớn của nguồn nguyên liệu gỗ nhập khẩu.
Mặc dù phải đối mặt với nhiều khó khăn, cạnh tranh, yêu cầu về đảm bảo nguồn gốc gỗ hợp pháp tại nhiều thị trường nhưng xuất khẩu gỗ vẫn tiếp tục đạt được những kết quả tích cực.
Kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ trong thời gian qua có tốc độ tăng nhanh. Trong năm 2020 đạt 12,3 tỷ USD, chiếm 4,4% tổng kim ngạch xuất khẩu và gấp 1,8 lần kim ngạch xuất khẩu gỗ năm 2015; trong 2 tháng đầu năm 2021 đạt 2,4 tỷ USD, tăng 51% so với cùng kỳ năm trước.
Theo nhận định của Tổng cục Thống kê, tốc độ tăng trưởng nhanh của ngành gỗ Việt Nam trong thời gian qua, có đóng góp lớn từ sự thông thoáng của hệ thống pháp luật kinh doanh trong nước.
Đồng thời, các Hiệp định Thương mại tự do thế hệ mới được ký kết như Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định thương mại tự do Việt Nam và EU (EVFTA), Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) là nhân tố quan trong để xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ bứt phá.
VLXD.org (TH/ CafeLand)