Trong đó, nguyên nhân khách quan do nguyên liệu phục vụ sản xuất thép trong nước phụ thuộc lớn vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu (quặng, phôi thép) trong khi giá của các nguyên liệu này trên Thế giới đều tăng, cộng thêm chi phí vận chuyển, logistics đều tăng so với giai đoạn trước;
Kinh tế thế giới dần hồi phục sau dịch bệnh, nhu cầu xây dựng cơ sở hạ tầng của nhiều nước tăng trở lại dẫn đến nhu cầu thép xây dựng tăng cao;
Trung Quốc, nước sản xuất và tiêu thụ thép lớn nhất Thế giới cắt giảm sản xuất thép để bảo vệ môi trường, tăng cường nhập khẩu.
Nguyên nhân chủ quan do xuất hiện hiện tượng đầu cơ, găm hàng ở một số địa phương tạo ra hiện tượng khan hiếm giả mặc dù sản lượng sản xuất thép trong nước có xu hướng tăng, vẫn có nguồn thép nhập khẩu;
Các doanh nghiệp sản xuất
thép xây dựng trong nước chưa có giải pháp kịp thời để điều chỉnh hoạt động sản xuất kinh doanh thích ứng tình hình thực tế;
Bên cạnh đó, không thể không kể đến phản ứng chưa kịp thời và hữu hiệu của cơ quan quản lý Nhà nước đối với diễn biến giá bất thường của thị trường thép xây dựng thời điểm đầu xảy ra biến động.
Cần giải pháp quản lý
Các loại sản phẩm vật liệu khác như xi măng, cát, đá và nhựa đường đều tăng. Trong đó, mức tăng trưởng cao nhất của xi măng 6,8% do giá nguyên nhiên vật liệu đầu vào sản xuất xi măng tăng, đặc biệt là nguồn cung than đá khan hiếm;
Cát xây dựng tăng trưởng cao nhất 5,8% do chịu sự điều tiết của pháp luật kinh doanh khoáng sản làm vật liệu xây dựng;
Đá xây dựng tăng trưởng cao nhất 6,7% do nhu cầu sử dụng đá xây dựng cho các tuyến cao tốc Bắc - Nam;
Nhựa đường tăng trưởng cao nhất 14% do chịu biến động mạnh theo giá xăng dầu.
Như vậy, mặc dù mức độ biến động giá vật liệu trong năm 2021 không lớn nhưng giá của một số loại vật liệu như thép đã thiết lập mặt bằng giá cao hơn rất nhiều so với các năm trước đây (tăng khoảng 10 lần so với mức tăng trước đây), làm tăng chi phí xây dựng công trình, đặt ra vấn đề phải có giải pháp quản lý.
Viện Kinh tế xây dựng đề xuất giải pháp: thường xuyên kiểm soát, bình ổn thị trường vật liệu xây dựng; hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất, cung ứng vật liệu xây dựng để tăng năng lực sản xuất khi Nhà nước có chính sách kích cầu kinh tế, tăng đầu tư công; các địa phương tăng cường hơn trách nhiệm kiểm soát thị trường vật liệu xây dựng trong đó chú trọng cập nhật giá vật liệu xây dựng bám sát giá thị trường; Bộ Xây dựng tăng cường kiểm tra, giám sát trách nhiệm quản lý thị trường vật liệu xây dựng, công bố giá vật liệu xây dựng của các địa phương.