Cá cược game - Game Thể Thao 24H

Thông báo Việc làm Hỏi đáp chuyên ngành

Kinh doanh - Đầu tư

Cao Bằng: Giải bài toán thiếu vật liệu xây dựng cho các dự án, công trình trọng điểm

22/06/2023 - 10:00 SA

Giai đoạn 2022 - 2025, các địa phương trên địa bàn tỉnh Cao Bằng đồng loạt triển khai nhiều dự án, công trình hạ tầng thuộc các chương trình mục tiêu quốc gia phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Song, tình trạng khan hiếm vật liệu xây dựng thông thường như hiện nay khiến nhiều công trình chậm tiến độ, không đạt kế hoạch đề ra, ảnh hưởng đến kết quả giải ngân vốn đầu tư công. Trong bối cảnh cấp bách, các cơ quan, ban ngành tỉnh cần quyết liệt vào cuộc, kịp thời đề ra nhiều giải pháp giải bài toán thiếu vật liệu xây dựng thông thường.
Hiện nay, thực tế nhu cầu sử dụng đá xây dựng của tỉnh khoảng 1,2 - 1,5 triệu m³/năm; cát, sỏi khoảng 700.000 - 800.000 m³/năm. Tuy nhiên, theo thống kê của Sở Tài nguyên và Môi trường, hiện Cao Bằng có 36 giấy phép khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường còn hiệu lực, gồm: 25 mỏ đá trữ lượng cấp phép trên 12,9 triệu m³, công suất khai thác 820.678 m³/năm (đạt 40% nhu cầu); 9 mỏ cát, sỏi trữ lượng cấp phép trên 3,7 triệu m³, công suất khai thác 331.655 m³/năm (đạt dưới 40% nhu cầu); 2 mỏ đất sét trữ lượng cấp phép trên 3,1 triệu m³, công suất khai thác 85.000 m³/năm. Do đó, công suất khai thác vật liệu xây dựng thông thường hiện nay chỉ đáp ứng dưới 40% nhu cầu sử dụng vật liệu của tỉnh.

Do thiếu vật liệu xây dựng, nhiều doanh nghiệp khai thác cát trên địa bàn tỉnh Cao Bằng đã xin nâng công suất khai thác nhằm đáp ứng nhu cầu sử dụng vật liệu ngày càng tăng cao.
 
Để thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, giai đoạn 2022 - 2025 với khoảng 2.000 dự án lớn, nhỏ khác nhau, tổng kinh phí thực hiện hơn 56.000 tỷ đồng thì vấn đề thiếu vật liệu xây dựng thông thường lại càng trở nên cấp bách hơn bao giờ hết. Tại huyện Bảo Lâm, năm 2023, huyện đầu tư xây dựng 138 công trình, dự án thuộc các chương trình mục tiêu quốc gia. Giai đoạn 2022 - 2025, nhu cầu sử dụng vật liệu tại chỗ trên địa bàn huyện ước tính sẽ lên đến trên 16.000 m³ đá, 9.000 m³ cát. Song trên thực tế, huyện không có mỏ đá, mỏ cát nào có giấy phép hoạt động. Từ năm 2020 đến nay, toàn bộ vật liệu cát, đá xây dựng chủ yếu lấy tại thành phố Hà Giang, cách trung tâm huyện 85 km. Do đó, giá vật liệu cát tăng cao, chi phí vận chuyển đến chân các công trình trên địa bàn khoảng 700.000 - 800.000 đồng/m³ đối với các xã gần trung tâm thị trấn. Đối với các xã xa như Đức Hạnh, Nam Cao giá lên đến 1 - 1,2 triệu đồng/m³. Giá vật liệu bị đội lên gấp nhiều lần nhưng nguồn cung từ tỉnh Hà Giang cũng hạn chế, do đó huyện không có đủ vật liệu xây dựng thông thường để xây dựng công trình theo kế hoạch... 

Chủ tịch UBND huyện Bảo Lâm Mã Gia Hãnh cho biết, mặc dù giá vật liệu xây dựng thông thường của tỉnh Cao Bằng tăng cao, gấp 3 - 4 lần nhưng nhiều doanh nghiệp của huyện vẫn không mua được do khan hiếm nguồn cung. Để huyện chủ động có vật liệu xây dựng các công trình, thực hiện công tác giải ngân vốn xây dựng cơ bản năm 2023 theo tiến độ cam kết, huyện đề xuất UBND tỉnh có cơ chế đặc thù riêng đối với huyện trong việc khai thác vật liệu xây dựng thông thường tại chỗ. Được chấp thuận, huyện dự kiến đăng ký khai thác điểm đá xóm Tổng Phườn, xã Nam Quang phục vụ các công trình trên địa bàn xã Nam Quang, Nam Cao; điểm đá khu I, Nà Tăng, thị trấn Pác Miầu phục vụ công trình trên địa bàn các xã: Mông Ân, Thái Học, Vĩnh Quang, Yên Thổ, Thái Sơn, thị trấn Pác Miầu. Đăng ký khai thác cát, sỏi lòng sông Gâm đoạn xã Nam Quang, thị trấn Pác Miầu phục vụ công trình trên địa bàn các xã Nam Quang, Nam Cao, Vĩnh Phong; lòng suối Khu I, thị trấn Pác Miầu phục vụ xã Mông Ân và thị trấn Pác Miầu. Lòng sông Gâm xóm Pác Pha, Bản Báng, Tổng Ác, xã Lý Bôn phục vụ công trình trên địa bàn các xã Lý Bôn, Vĩnh Quang, Đức Hạnh. Suối Pác Nhủng, xã Thái Học phục vụ công trình trên địa bàn các xã Thái Học, Thái Sơn, Yên Thổ; suối Thạch Lâm, Quảng Lâm phục vụ các công trình trên địa bàn xã Quảng Lâm, Thạch Lâm.

Tương tự như Bảo Lâm, huyện Bảo Lạc hiện mới có 1 mỏ đá được cấp phép nhưng công suất chỉ khoảng 15.000 - 20.000 m³/năm và chưa có mỏ cát tại chỗ nên việc thiếu vật liệu xây dựng thông thường khá trầm trọng. Theo ông Đào Tuyên Huấn, Giám đốc Công ty TNHH Nam Hải, doanh nghiệp được cấp phép khai thác khoáng sản tại mỏ đá Phia Bo, xã Kim Cúc với trữ lượng khai thác 10.000 m³/năm. Mỏ đá hiện cung cấp vật liệu cho toàn bộ các công trình, dự án trên địa bàn huyện, trong giai đoạn hiện nay, khi nhiều công trình, dự án đồng thời thực hiện thì với công suất được phép khai thác thấp, không đảm bảo, dẫn đến tình trạng thiếu nguồn cung vật liệu xây dựng thông thường. Chúng tôi mong muốn ngành chức năng chấp thuận cho nâng công suất lên để đáp ứng cung cấp được nguồn vật liệu cho thị trường. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất hiện nay vẫn là thủ tục hành chính, vì vậy doanh nghiệp đang tìm cách tháo gỡ. 

Trước tình trạng thiếu nguồn cung vật liệu, tỉnh tổ chức 5 cuộc đấu giá quyền khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường tại 20 mỏ. Đến nay, cấp phép khai thác 6 mỏ, 14 mỏ đã được cấp phép thăm dò, phê duyệt trữ lượng khoáng sản, đang thực hiện các bước cấp chủ trương đầu tư. UBND tỉnh thành lập các tổ công tác kiểm tra, nắm tình hình thực tế tại các địa phương, tổ chức Hội nghị gặp gỡ chuyên đề với lãnh đạo các huyện, Thành phố và doanh nghiệp khai thác khoáng sản trên địa bàn nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về nguồn vật liệu xây dựng thông thường phục vụ các công trình, dự án xây dựng cơ bản... 

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Trung Thảo cho biết, tỉnh nhất trí với đề xuất của các địa phương và doanh nghiệp về việc nâng công suất các mỏ khoáng sản đang có giấy phép khai thác còn hiệu lực. Yêu cầu các sở, ngành liên quan, các địa phương, doanh nghiệp cần nêu cao tinh thần trách nhiệm, trao đổi thường xuyên, phối hợp nhịp nhàng với mục tiêu cùng đồng hành, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc. Đẩy nhanh việc thực hiện điều chỉnh giấy phép nâng công suất khai thác khoáng sản và tiến độ hoàn thành thủ tục cấp phép khai thác đối với các mỏ đã trúng đấu giá quyền khai thác khoáng sản; thực hiện quyết liệt trên nguyên tắc vừa đảm bảo theo đúng trình tự thủ tục, không trái với quy định của pháp luật vừa rút ngắn thời gian thực hiện, sớm đáp ứng nhu cầu sử dụng vật liệu ngày càng tăng cao như hiện nay, góp phần thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội và tiến độ giải ngân vốn đầu tư công của tỉnh trong năm 2023.
 
VLXD.org (TH/ Báo Cao Bằng)
 

Ý kiến của bạn

Thương hiệu vật liệu xây dựng