Từ năm 2022 đến nay, Trung tâm Kiểm định Chất lượng Công trình Xây dựng tỉnh Cao Bằng đã thẩm tra được gần 140 hồ sơ các công trình; tư vấn lập hồ sơ mời thầu và lựa chọn nhà thầu 376 công trình; thí nghiệm kiểm định đối chứng 120 công trình; khảo sát đánh giá hiện trạng địa chất, thí nghiệm vật liệu xây dựng, tư vấn giám sát, quản lý và nghiệm thu dự án gần 100 công trình. Ngoài ra, đơn vị còn thực hiện dịch vụ tư vấn, lập dự án đầu tư, thiết kế kỹ thuật, thiết kế bản vẽ thi công, thẩm tra, đấu thầu và lựa chọn nhà thầu theo yêu cầu của đối tác.
Để thực hiện tốt công tác quản lý chất lượng các công trình xây dựng, Trung tâm tham mưu cho Sở Xây dựng ban hành nhiều văn bản quản lý; không ngừng đổi mới, ứng dụng sáng tạo tiến bộ khoa học kỹ thuật vào công tác chuyên môn, phục vụ quá trình đánh giá, kiểm định chất lượng công trình xây dựng bằng hệ thống máy móc hiện đại, như: máy kéo thép, máy nén, khoan rút lõi bê tông, súng bật nẩy điện tử, máy siêu âm bê tông, máy xác định vị trí cốt thép và một số máy móc thiết bị khác. Nhờ đó, chất lượng các công trình xây dựng từng bước được nâng lên, tăng tính ổn định và bền vững.
Riêng sản phẩm bê tông tươi, hiện toàn tỉnh hiện có 6 cơ sở sản xuất cơ bản đáp ứng yêu cầu phục vụ cho xây dựng. Đây là sản phẩm có nhiều ưu điểm so với bê tông thường như công nghệ trộn bằng máy và quản lý nguyên liệu với tỷ lệ đảm bảo, thời gian đổ bê tông được rút ngắn, chất lượng đồng đều, không bị mất diện tích mặt bằng để tập kết nguyên liệu, giảm được lao động thủ công trong quá trình trộn. Thời gian thi công được rút ngắn do việc sản xuất đã được tự động bằng máy móc và quản lý cốt liệu từ khâu đầu vào. Bên cạnh đó, việc sử dụng bê tông tươi còn giúp tiết kiệm chi phí nhân công.
Mác bê tông hiện có nhiều loại khác nhau, nhưng phổ biến vẫn là các loại mác 100, 150, 200, 250, 300, 450. Để quản lý tốt sản phẩm bê tông tươi và các nguyên vật liệu phục vụ công trình xây dựng, Trung tâm Kiểm định chất lượng công trình xây dựng đã từng bước nâng cao năng lực hiệu quả hoạt động, đầu tư trang thiết bị máy móc đáp ứng với yêu cầu thực tế.
Để khắc phục hạn chế trong quản lý đầu tư công, nhất là đối với các khâu khảo sát, thiết kế, giám sát chất lượng các công trình cũng như các yếu tố về kỹ thuật, mỹ thuật, công năng sử dụng, đảm bảo về cảnh quan không gian kiến trúc, các cơ quan chức năng cần tăng cường kiểm tra, giám sát, kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý những vi phạm trong hoạt động xây dựng; tăng cường phổ biến các văn bản pháp luật liên quan đến công tác xây dựng, quản lý chất lượng công trình; thực hiện tốt công tác quản lý dự án xây dựng, đảm bảo yêu cầu về tiến độ, chất lượng, chi phí, an toàn và bảo vệ môi trường; lựa chọn nhà thầu có đủ năng lực tham gia các dự án, đặc biệt là các dự án trọng điểm của tỉnh; tiếp tục nâng cao năng lực chuyên môn cho cán bộ, đầu tư máy móc thiết bị hiện đại phục vụ quá trình đánh giá, kiểm định chất lượng công trình xây dựng.
Quản lý chất lượng công trình xây dựng là hoạt động quan trọng bảo đảm tính bền vững của mỗi công trình và hiệu quả nguồn vốn đầu tư. Vì vậy, cùng với sự nỗ lực của các ngành chức năng, chủ đầu tư, cần có sự tham gia giám sát của cộng đồng trong quá trình quản lý chất lượng công trình xây dựng, góp phần chống lãng phí, thất thoát và nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư xây dựng cơ bản trên địa bàn tỉnh.
VLXD.org (TH/ TH Cao Bằng)