Nhu cầu về các sản phẩm gốm sứ ngày càng tăng do sự gia tăng các dự án khu dân cư và các tòa nhà. Thu nhập khả dụng tăng khiến người tiêu dùng tăng chi tiêu cho các sản phẩm gốm sứ là một trong những yếu tố chính làm tăng nhu cầu đối với gốm sứ xây dựng trong thời gian tới.
Trong những năm tới, khi tình hình dịch COVID-19 kiểm soát tốt hoạt động kinh tế phục hồi trở lại, các tòa nhà thương mại, các khu vực nghỉ dưỡng và nhà ở hoạt động mạnh trở lại thúc đẩy nhu cầu tiêu thụ các sản phẩm gốm sứ xây dựng tăng mạnh.
Nhu cầu nhập khẩu hàng
gốm sứ xây dựng trên thị trường Thế giới tăng trưởng khả quan trong 5 năm qua, nhờ thị trường bất động sản và xây dựng tại các thị trường nhập khẩu chính hoạt động mạnh mẽ.
Theo ITC, nhập khẩu hàng gốm sứ xây dựng tăng trưởng đều trong giai đoạn 2016 - 2020, với tốc độ tăng trưởng bình quân 7,6%/năm.
Tính riêng, trong năm 2020, nhập khẩu mặt hàng này trên toàn cầu giảm 4,9% so với năm 2019, đạt 36,3 tỷ USD, do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 hoạt động sản xuất và xuất khẩu bị gián đoạn tại thị trường tiêu thụ và thị trường cung cấp.
Trong cơ cấu thị trường nhập khẩu hàng gốm sứ xây dựng, EU là thị trường nhập khẩu lớn nhất trên thế giới giai đoạn 2016 - 2020, với tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 14,1%/năm. Tỷ trọng nhập khẩu gốm sứ xây dựng tăng dần qua các năm, chiếm 27,3% trong năm 2016, tới năm 2020 chiếm 29% tổng trị giá nhập khẩu gốm sứ xây dựng trên toàn cầu.
Tuy nhiên, EU cũng chịu ảnh hưởng lớn bởi đại dịch COVID-19 nên nhu cầu nhập khẩu mặt hàng này trong năm 2020 đạt 10,5 tỷ USD, giảm 0,9% so với năm 2019.
Trong khối EU, nhu cầu nhập khẩu từ các thị trường không đồng đều, trong khi Đức, Pháp, Bỉ giảm nhập khẩu gốm sứ xây dựng trong năm 2020, thì Ba Lan và Hà Lan tăng mạnh nhập khẩu mặt hàng này. Tiếp theo là thị trường Mỹ, Anh, Hàn Quốc, Trung Quốc…
Trong cơ cấu các thị trường nhập khẩu hàng gốm sứ xây dựng trên toàn cầu, các thị trường có hoạt động mạnh trong lĩnh vực xây dựng đều tăng mạnh nhập khẩu hàng gốm sứ trong giai đoạn 2016 - 2020 như: Trung Quốc, Ả Rập Xê Út, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Xê Út và Nga.
Tất cả những yếu tố này sẽ là cơ hội để ngành gốm sứ xây dựng Việt Nam tăng cường xuất khẩu sang các nước trong tương lai.
ITC nhận định, để đẩy mạnh và phát triển ngành công nghiệp gốm sứ xây dựng, Việt Nam cần xây dựng, hình thành các trung tâm xử lý và chuẩn hóa nguyên liệu ngành gốm đồng bộ đối với ngành gốm sứ. Đây là động lực để ổn định sản xuất và là tiền đề để phát triển các sản phẩm gốm sứ có giá trị gia tăng cao.
Cùng với đó, quy hoạch các vùng sản xuất gốm tập trung để bảo tồn các trung tâm sản xuất gốm sứ và giảm thiểu tác động của sản xuất gốm sứ đến môi trường. Hỗ trợ doanh nghiệp cải thiện điều kiện sản xuất để đáp ứng được các nhu cầu hợp chuẩn của thế giới.
Tận dụng các ưu đãi thuế quan từ các Hiệp định đã ký kết để nhập khẩu các sản phẩm máy móc công nghệ hiện đại từ các nước phát triển, sản xuất các sản phẩm gốm sứ xây dựng phù hợp với nhu cầu tiêu dùng trong và ngoài nước, nâng cao giá trị giá sản phẩm, tăng sức cạnh tranh và mở rộng thị phần trên thị trường Thế giới.