Cần phát triển đa dạng VLXD cho các công trình ven biên, hải đảo.
Phát triển đa dạng VLXD cho công trình ven biển, hải đảo
Đề án 126 đề ra mục tiêu phát triển đa dạng các loại vật liệu xây dựng cơ bản đáp ứng yêu cầu xây dựng các công trình ven biển và hải đảo.
Cụ thể, phát triển đa dạng các chủng loại xi măng có tính năng chịu được trong môi trường khí hậu biển như xi măng bền sun phát, xi măng xỉ, phụ gia cho xi măng chịu nước biển...
Phát triển đa dạng các chủng loại bê tông cường độ cao (HSC), bê tông chất lượng siêu cao (UHPC), bê tông nhẹ, bê tông đóng rắn nhanh cường độ cao, bê tông geopolymer, bê tông cốt sợi..., bê tông có tính năng chịu được trong môi trường biển; đẩy mạnh sử dụng bê tông cốt sợi phi kim thay thế cốt thép; các loại phụ gia dùng cho bê tông sử dụng cát biển và nước biển.
Phát triển các loại cấu kiện xây dựng theo module lắp ghép, tấm panel, gạch bê tông cốt liệu, vật liệu không nung, cọc, ván cừ, cấu kiện chắn sóng..., đa dạng kích thước, hình dáng, bảo đảm thi công nhanh, giảm chi phí phục vụ các công trình ven biển và hải đảo.
Xây dựng các cơ sở sản xuất cấu kiện bê tông có quy mô đủ lớn, có công nghệ tiên tiến, hiện đại, đảm bảo môi trường ở vị trí ven biển, để sản xuất các sản phẩm cấu kiện bê tông, các module cấu kiện lắp ghép phù hợp với công trình xây dựng ven biển và hải đảo.
Phát triển các loại vật liệu kết cấu chịu lực chịu đựng môi trường biển và hải đảo được chế tạo bằng tiền chế tại cơ sở công nghiệp, chế tạo tại chỗ thuận tiện thi công, lắp ghép nhằm phục vụ các công trình ven biển và hải đảo.
Nghiên cứu sản xuất các loại vữa trộn sẵn (xây, trát dùng cho bê tông) và các loại phụ gia có tính năng chống môi trường xâm thực phục vụ các công trình ven biển và hải đảo.
Đầu tư sản xuất cát nghiền chịu môi trường biển để chế tạo bê tông, vữa trộn sẵn; sản xuất cấu kiện xây dựng sử dụng cát nghiền phục vụ nhu cầu xây dựng công trình ven biển và hải đảo nhằm hạn chế khai thác cát xây dựng khai thác từ sông, suối.
Đầu tư cơ sở tuyển rửa, chế biến và sử dụng nguồn cát biển, cát nhiễm mặn làm vật liệu xây dựng phục vụ nhu cầu xây dựng công trình ven biển và hải đảo; sản xuất phát triển các loại phụ gia sử dụng cát biển, nước biển nhằm thay thế cát xây dựng khai thác từ sông, suối, lòng sông.
Phát triển các loại vật liệu lợp, bao che phù hợp với môi trường thời tiết khí hậu khắc nghiệt của biển, thích hợp với các công trình ven biển và hải đảo.
Phát triển các loại vật liệu mới gồm sơn thế hệ mới chống ăn mòn cho kết cấu thép và sơn xây dựng chịu ăn mòn trong môi trường biển; cốt sợi basalt, sợi thủy tinh, sợi khoáng khác, sợi polime, vật liệu siêu bền thay thế thép chịu ăn mòn, chống xâm thực phục vụ cho các công trình xây dựng ven biển và hải đảo.
Nghiên cứu, sản xuất các loại kết cấu thép, phụ kiện kim loại không gỉ, chống ăn mòn phục vụ cho các công trình yêu cầu thi công lắp ghép nhanh các công trình ven biển và hải đảo.
Tăng cường đầu tư xử lý, sử dụng chất thải công nghiệp tro, xỉ, thạch cao của ngành công nghiệp, hóa chất, phân bón và chất thải của ngành công nghiệp khai thác làm nguyên liệu sản xuất các cấu kiện xây dựng, làm vật liệu san lấp; sử dụng vật chất thu hồi từ nạo vét từ cửa biển, cảng biển cho các công trình ven biển và hải đảo để làm vật liệu san lấp và vật liệu xây dựng tại chỗ nhằm vừa tiết kiệm tài nguyên, bảo vệ môi trường.
Đề án 126 đồng thời đề cập đến nhiệm vụ, giải pháp nhằm thực hiện các mục tiêu nói trên.
Nhiệm vụ cấp thiết, cấp bách
Lý giải về sự cấp thiết Đề án 126, Vụ trưởng Vụ VLXD Nguyễn Văn Bắc cho biết: Việc triển khai thực hiện Đề án 126 phát triển VLXD phục vụ các công trình ven biển và hải đảo đến năm 2025 là nhiệm vụ rất cần thiết trong việc thực hiện Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Theo ông Bắc, việc phát triển ngành VLXD phục vụ các công trình ven biển và hải đảo có ý nghĩa đặc biệt quan trọng và đi trước một bước để đóng góp vào mục tiêu chung của Đảng và Nhà nước, nguyên vọng của nhân dân trong việc xây dựng cơ sở vật chất, phát triển kinh tế biển đảo, gắn với giữ gìn và bảo vệ độc lập chủ quyền lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc và nhất là để triển khai thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 22/10/2018 của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045,
Hơn nữa, Việt Nam chưa có chính sách đặc thủ để phát triển VLXD sử dụng cho các công trình biển và hải đảo.
Chiếm trên 50% sản lượng VLXD nói chung nhưng VLXD cho các công trình ven biển và hải đảo chưa được phủ kín hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn kỹ thuật, do đó việc sản xuất và sử dụng VLXD chưa phù hợp với việc ăn mòn, xâm thực, điệu kiện tác động môi trường biển là còn khá phổ biến.
Còn theo TS. Đinh Quốc Dân (Phó Viện trưởng Viện Khoa học công nghệ Xây dựng), Việt Nam đã có nhiều công trình nghiên cứu trong nước về lĩnh vực vật liệu chồng ăn mòn xâm thực, kết cấu giải pháp vật liệu biển đảo, công trình kết cấu vật liệu trong môi trường ven biển vào đảo… nhưng chưa được hệ thống hóa để kế thừa nghiên cứu, tra cứu, sử dụng, xem xét toàn diện việc triển khai trong thực tế, nhằm đinh hướng cho việc phát triển VLXD cho biển đảo.
Hơn nữa, cũng chưa có tài liệu tổng hợp các công trình nghiên cứu về VLXD biển đảo ở nước ngoài một cách hệ thống, từ đó giúp các nhà khoa học, đơn vị nghiên cứu, các nhà quản lý trong nước có thể tiếp cận và kế thừa sử dụng, phát triển, bổ sung về giải pháp, kiến trúc, vật liệu, tiêu chuẩn, chính sách quản lý Nhà nước cho phát triển VLXD phụ vụ cho biển đảo phù hợp thực tế tại Việt Nam.
Trong khi đó, Việt Nam là một trong số quốc gia chịu ảnh hưởng của việc biến đổi khí hậu, thời tiết, mưa, gió bão tần suất ngày càng nhiều và cường độ ngày càng tăng, sức phá hủy các kết cấu công trình xây dựng, công trình hạ tầng kỹ thuật… ngày càng lớn, gây thiệt hại về kinh tế cho các khu vực biển đảo.
Do đó, Việt Nam cần chú trọng phát triển VLXD cho công trình biển và hải đảo đáp ứng việc biến đổi khí hậu gia tăng và nhất là cần có chủ trương, chính sách, cơ chế để khuyến khích phát triển sản xuất và sử dụng VLXD phục vụ cho các công trình biển đảo
Việc phát triển các loại VLXD có những tính năng vượt trội, khác biệt có thể thích ứng được với môi trường xâm thực, khắc nghiệt của biển phục vụ xây dựng hạ tầng kỹ thuật, thủy lợi, giao thông vận tải và các công trình dân dụng, công nghiệp ở các vùng ven biển và hải đảo, đảm bảo hiệu quả kinh tế, kỹ thuật… là vô cùng quan trọng và cấp bách.
PGS.TS Lương Đức Long, nguyên Viện trưởng Viện VLXD thì cho rằng: Trong thời gian tới, cần hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn đối với công trình biển đảo và ban hành quy chuẩn tương ứng. Khi đã có đủ tiêu chuẩn, quy chuẩn, cần có biện pháp giám sát và chế tài xử lý đối với việc không chấp hành các quy chuẩn xây dựng trong vùng khí hậu biển.
Sau hơn 2 năm triển khai Đề án 126, nhiều dự án, đề tài nghiên cứu có giá trị thực tiễn cao đã và đang được thực hiện như dự án sự nghiệp kinh tế Điều tra khảo sát hiện trạng tình hình sử dụng VLXD các công trình ven biển, hải đảo và dự báo nhu cầu về các chủng loại VLXD đến năm 2025; đề tài “Nghiên cứu sử dụng tro bay nhiệt điện kết hợp với cát mặn, nước mặn và cốt sợi thuỷ tinh FRP trong công trình hạ tầng ven biển và hải đảo” do Trường Đại học Xây dựng là tổ chức chủ trì thực hiện, dự kiến nghiệm thu trong năm 2021.
Mới đây nhất, trong chương trình hợp tác giữa Bộ Xây dựng và Bộ Khoa học và Công nghệ, một trong những nội dung 2 Bộ đã thống nhất là tiếp tục hợp tác trong nghiên cứu chế tạo vật liệu xây dựng phục vụ công trình ven biển và hải đảo...
Một số địa phương đã mạnh dạn ứng dụng thử nghiệm vật liệu mới cho các công trình ven biển, hải đảo…
VLXD.org (Theo Báo Xây dựng)