Ảnh minh họa (Internet)
Do đó, cổ phiếu của các nhóm ngành liên quan trực tiếp hoặc gián tiếp đến tiêu dùng và chủ yếu tiêu thụ nội địa được dự báo sẽ có nhiều triển vọng khả quan hơn trong những tháng cuối năm.
Trong báo cáo chiến lược đầu tư tháng 9 và chuyên đề về “Triển vọng ngành những tháng cuối năm” mới phát hành, Công ty cổ phần Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho rằng, sự bất lợi từ thị trường tài chính toàn cầu và hạn chế cung tiền trong nước khiến VN-Index không thể chinh phục mốc 1.000 điểm đi kèm với sự suy yếu về mặt thanh khoản. Xu hướng này cũng chưa thể phá vỡ trong những tháng còn lại của năm.
Thị trường theo đó sẽ chịu ảnh hưởng của các yếu tố bên ngoài hơn là vấn đề nội tại. Những nhà đầu tư bám sát và nhạy với thị trường có thể gia tăng lợi nhuận hoặc hạ giá vốn khi thị trường dao động, nhờ việc mua thấp bán cao đối với cổ phiếu có sẵn trong danh mục. Tuy nhiên, khả năng này không dành cho số đông nhà đầu tư.
Theo VDSC, trong bối cảnh thị trường hiện nay, việc hạn chế mua đuổi và sử dụng đòn bẩy là điều cần thiết. Sức mua nên để dành cho việc tích lũy cổ phiếu có triển vọng khả quan, trong những nhịp thị trường đột ngột điều chỉnh mạnh.
Trái với nhiều biến động trong bức tranh thương mại toàn cầu, môi trường vĩ mô trong nước vẫn đảm bảo thuận lợi cho các doanh nghiệp nội địa hoạt động. Mặc dù các chỉ báo kinh tế vĩ mô không "rực rỡ" như giai đoạn 2017 - 2018 song vẫn diễn biến tích cực theo đúng mục tiêu điều hành và trong tầm kiểm soát của Chính phủ.
Do vậy, sự chững lại trong ngắn hạn của thị trường chứng khoán sẽ là cơ hội để nhà đầu tư quan sát, tìm hiểu và tích lũy cổ phiếu thuộc các nhóm ngành không phụ thuộc vào biến động bất thường của thương mại toàn cầu. Trong khi đó, VDSC đánh giá từ tốt đến khả quan đối với các nhóm ngành liên quan trực tiếp hoặc gián tiếp đến tiêu dùng như các ngành bán lẻ, hàng không, công nghệ, bảo hiểm nhân thọ và dược phẩm.
Ở chiều ngược lại, các chuyên gia phân tích của VDSC duy trì quan điểm đánh giá tiêu cực đối với các nhóm ngành hoạt động kinh doanh có yếu tố chu kỳ cao hoặc chi phí nguyên vật liệu chiếm tỷ trọng cao trong giá thành cũng như những nhóm ngành mà Việt Nam không có lợi thế về quy mô. Các nhóm ngành này bao gồm thép, xây dựng, vật liệu xây dựng, hoá chất (phân bón, nông dược và cao su tự nhiên).
Xung đột thương mại Mỹ - Trung ngày càng leo thang đang ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động xuất khẩu. Do vậy những ngành liên quan đến xuất khẩu không chỉ được hưởng lợi mà còn phải đối mặt với nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, làn sóng chuyển dịch cơ sở sản xuất ra khỏi Trung Quốc tới các nước châu Á khác đang diễn ra mạnh mẽ. Vì vậy, VDSC cũng giữ quan điểm lạc quan trong ngắn và trung hạn đối với các nhóm ngành kho vận, vận tải, cảng biển và khu công nghiệp.
Theo TTXVN