Thực hiện chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng tại Văn bản số 4082/VPCP-CN ngày 15/5/2019 của Văn phòng Chính phủ, theo đó giao Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với UBND tỉnh Hòa Bình và các cơ quan liên quan hướng dẫn chủ đầu tư thực hiện thủ tục đầu tư giai đoạn 2 nhà máy Xi măng Trung Sơn, tỉnh Hòa Bình, trước mắt đầu tư 1 dây chuyền xi măng với công suất khoảng 2,3 triệu tấn xi măng/năm kết hợp đốt rác thải và phát điện.
Việc đầu tư mở rộng, nâng công suất nhà máy Xi măng Trung Sơn, tỉnh Hòa Bình và vùng nguyên liệu phục vụ mở rộng nhà máy của Cty CP Tập đoàn Xây dựng và Du lịch Bình Minh đã được UBND tỉnh Hòa Bình báo cáo Thủ tướng Chính phủ tại các Văn bản số 1609/UBND-CN ngày 15/10/2010, số 135/UBND-CNXD ngày 03/02/2015, số 1619/UBND-CNXD ngày 01/12/2016 và số 2095/UBND-CNXD ngày 13/12/2018; Kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại Thông báo số 488/TB-CPCP ngày 31/12/2018 của Văn phòng Chính phủ đối với nội dung cho phép mở rộng và nâng công suất nhà máy Xi măng Trung Sơn, tỉnh Hòa Bình, giao Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với cơ quan liên quan khẩn trương xử lý theo quy định (đặc biệt lưu ý về vấn đề môi trường).
Căn cứ Điểm d, Khoản 1, Điều 59 của Luật Quy hoạch số 21/2017/QH14 ngày 24/11/2017, quy định “Các quy hoạch về đầu tư phát triển hàng hóa, dịch vụ, sản phẩm cụ thể, ấn định khối lượng, số lượng hàng hóa, dịch vụ, sản phẩm được sản xuất, tiêu thụ đã được quyết định hoặc phê duyệt hết hiệu lực chậm nhất là ngày 31/12/2018”.
Căn cứ Luật Đầu tư số 67/2014/QH13 ngày 26/11/2014, Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định chủ trương đầu tư đối với dự án theo quy định tại Điều 31; Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xem xét quyết định chủ trương đầu tư đối với dự theo quy định tại Điều 32.
Căn cứ Điều 29 Nghị định 24a/2016/NĐ-CP ngày 5/4/2016 của Chính phủ về quản lý vật liệu xây dựng, quy định: “Yêu cầu đối với dự án đầu tư sản xuất vật liệu xây dựng”.
Căn cứ Quy hoạch thăm dò, khai thác và sử dụng khoáng sản làm xi măng ở Việt Nam đến năm 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 105/2008/QĐ-TTg ngày 21/7/2008 và số 1065/QĐ-TTg ngày 9/7/2010, mỏ đá vôi Lộc Môn xã Trung Sơn, huyện Lương Sơn và xã Cao Dương, huyện Kim Bôi có trữ lượng lớn (534,961 triệu tấn), được quy hoạch cho nhu cầu sản xuất mở rộng và đầu tư mới.
Trên cơ sở các căn cứ nêu trên, Bộ Xây dựng đề nghị UBND tỉnh Hòa Bình hướng dẫn chủ đầu tư thực hiện đầu tư 1 dây chuyền xi măng với công suất khoảng 2,3 triệu tấn xi măng/năm kết hợp đốt rác thải và đầu tư hệ thống thiết bị tận dụng nhiệt thừa khí thải để phát điện; giai đoạn đầu tư và có sản phẩm từ năm 2019 - 2022; việc đầu tư dự án phải tuân thủ các quy định của pháp luật về đầu tư xây dựng, bảo vệ môi trường, dự án phải gắn với vùng nguyên liệu, lựa chọn công nghệ thiết bị tiên tiến, hiện đại, đáp ứng các tiêu chí về tiêu hao nguyên liệu, nhiên liệu, năng lượng, đáp ứng các yêu cầu về phát thải, bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật có liên quan.
VLXD.org (TH/ Xây dựng)