Toàn thế giới đang trong giai đoạn khủng hoảng thừa đối với ngành
sản xuất thép. Lượng
thép sản xuất ra không tiêu thụ hết, đặc biệt là Trung Quốc, do đó các nước thừa thép tìm cách nhập khẩu vào các thị trường dễ tính, không yêu cầu các tiêu chuẩn kỹ thuật cao, trong đó Việt Nam là một thị trường hấp dẫn. Trong năm 2015, Trung Quốc xuất khẩu vào Việt Nam hơn 8,4 triệu tấn thép, giá trị hơn 3,7 tỷ USD và chiếm tỷ trọng khoảng hơn 60% và con số này tiếp tục gia tăng, đặc biệt trong năm 2016 dự báo
thép Trung Quốc ồ ạt vào Việt Nam mạnh mẽ hơn.
Việc Trung Quốc
xuất khẩu thép vào Việt Nam ồ ạt đã khiến nhiều
doanh nghiệp Việt lao đao, nhiều công ty bị thua lỗ.
Đơn cử như thép Bắc Việt (BVG). Báo cáo tài chính của công ty này cho biết, quý 1 năm 2015 BVG thua lỗ 8,6 tỷ, Quý 2 năm 2015 thua lỗ 3,1 tỷ. Hiện công ty chưa có báo cáo quý 3 và quý 4 của năm 2015 nhưng nhìn sang năm 2014, thép Bắc Việt có một năm kinh doanh ảm đạm, lỗ triền miên.
Thép Việt Ý (VIS) cũng có một bức tranh màu xám. Quý 4 năm 2015 thép Việt Ý lỗ 26,2 tỷ, trước đó Quý 1 của 2015 công ty này lỗ 39,5 tỷ. Cả năm 2015 là một năm “đen” của thép Việt Ý khi thị trường không có nhiều khả quan và gặp sự cạnh tranh khốc liệt trong tiêu thụ thép nội địa với các công ty nhập khẩu thép Trung Quốc.
Công ty Thép Pomina cũng không đứng ngoài cuộc trong bối cảnh này. Liên tiếp hai quý 3 và 4 năm 2014 POM lỗ triền miên, sang Quý 1 năm 2015, POM lỗ 33 tỷ phải sang quý 2 và quý 3 POM mới vực dậy phục hồi với con số khả quan, đạt lợi nhuận sau thuế hơn 34,4 tỷ vào quý 3.
Câu chuyện cạnh tranh với thép Trung Quốc có từ chục năm nay, nhưng kể từ năm 2014 trở lại đây việc nước này xuất khẩu thép ồ ạt vào Việt Nam làm cho toàn thị trường bị xáo trộn, ảnh hưởng nặng nề, thậm chí một số doanh nghiệp đứng trên bờ vực phá sản.
Cục phó Cục Quản lý Cạnh tranh (Bộ Công Thương) Nguyễn Phương Nam cho biết kinh tế Trung Quốc có tình trạng sản xuất thừa, hàng hóa trong nước cung vượt cầu, doanh nghiệp buộc phải tìm cách tiêu thụ sản phẩm ở thị trường ngoài nước. Đi cùng với tình trạng dư thừa hàng hóa ấy là chính sách giảm thuế xuất khẩu của Trung Quốc khiến doanh nghiệp có lợi trong xuất khẩu ra thế giới.