Trung Quốc đang dần nới lỏng các biện pháp phòng dịch trong nước từ đầu tháng 12/2022 và dự kiến sẽ mở cửa hoàn toàn nền kinh tế vào quý II/2023. Theo đánh giá các nhóm ngành tại Việt Nam sẽ hưởng lợi từ lộ trình mở cửa kinh tế Trung quốc bao gồm: xi măng, thép... tuy nhiên mức độ hưởng lợi sẽ khác nhau.
Xi măng là ngành được cho là hưởng lợi lớn bởi Trung Quốc là thị trường xuất khẩu lớn nhất của xi măng Việt Nam khi chiếm tới 54% tổng sản lượng năm 2021. Việc Trung Quốc mở cửa trở lại sẽ giúp nối lại hoạt động xây dựng và đẩy mạnh đầu tư cơ sở hạ tầng, từ đó giúp nhu cầu xi măng tại quốc gia này phục hồi. Bên cạnh đó, việc kỳ vọng sản lượng xuất khẩu phục hồi cũng sẽ giúp các doanh nghiêp xi măng Việt Nam cải thiện hiệu suất vận hành nhà máy qua đó giúp tăng biên lợi nhuận gộp trong thời gian tới (nhờ giảm chi phí khấu hao/từng sản phẩm).
Trong các doanh nghiệp xi măng trên sàn, đáng chú ý có Công ty Cổ phần Xi măng Bỉm Sơn (MCK: BCC). Trung Quốc là thị trường xuất khẩu truyền thống của Xi măng Bỉm Sơn, chiếm khoảng 15 - 20% tổng sản lượng tiêu thụ hàng năm của doanh nghiệp này.
Việc Trung Quốc mở cửa trở lại sẽ giúp nối lại hoạt động xây dựng và đẩy mạnh đầu tư cơ sở hạ tầng, từ đó giúp nhu cầu thép xây dựng tại quốc gia này phục hồi. Giá bán thép cũng sẽ được kỳ vọng tăng trở lại. Nhu cầu sản xuất công nghiệp tăng tại Trung Quốc cũng sẽ giúp chuỗi cung ứng toàn cầu được khôi phục. Từ đó giúp các doanh nghiệp xuất khẩu tôn mạ được hưởng lợi gián tiếp.
Những doanh nghiệp tôn mạ hàng đầu như Công ty CP Tập đoàn Hoa Sen và Công ty CP Thép Nam Kim sẽ có cơ hội gia tăng sản lượng xuất khẩu trong bối cảnh sản xuất công nghiệp toàn cầu phục hồi. Nhờ chi phí sản xuất cạnh tranh, Công ty CP Tập đoàn Hòa Phát có khả năng xuất khẩu thép sang Trung Quốc. Trong giai đoạn 2020 - 2021, doanh nghiệp này đã bán lần lượt 1,7 - 1,2 triệu tấn phôi thép sang Trung Quốc.
VLXD.org (TH)
Ý kiến của bạn