Cá cược game - Game Thể Thao 24H

Thông báo Việc làm Hỏi đáp chuyên ngành

Kinh doanh - Đầu tư

Nguồn cung cọc bê tông ly tâm dự ứng lực vượt xa nhu cầu

18/12/2022 - 07:13 CH

Hiệp hội Doanh nghiệp Cọc Việt Nam (VIPA) cho biết, sản phẩm cọc bê tông ly tâm dự ứng lực cung (PC&PHC) đã vượt xa cầu, ảnh hưởng đến các doanh nghiệp trong Hiệp hội Doanh nghiệp Cọc Việt Nam.
Hiệp hội Doanh nghiệp Cọc Việt Nam (VPIA) cho biết công suất năng lực sản xuất của các nhà máy cọc bê tông dự ứng lực (PC&PHC) tại Việt Nam tại thời điểm này vào khoảng 60 triệu - 75 triệu mét dài/năm, bao gồm các loạt cọc ly tâm đường kính từ d300 - d1000. Với công suất sản lượng này thì cung đã vượt cầu ngay trong thời điểm thị trường xây dựng sôi động nhất. Mấy tháng gần đây, khi thị trường xây dựng trầm lắng, suy giảm thì tình trạng các nhà máy cọc hoạt động cầm chừng đã đến mức báo động.

Thị trường xây dựng suy giảm trong gần suốt năm 2022 ảnh hưởng lớn đến các doanh nghiệp trong lĩnh vực vật liệu xây dựng, trong đó có các nhà máy của Hiệp hội doanh nghiệp cọc Việt nam. Hiện tượng cung vượt cầu về nhu cầu năng lực sản xuất các nhà máy cọc bê tông đã được cảnh báo, tuy nhiên rất khó để các nhà đầu tư đánh giá, vì thông tin dữ liệu về năng lực cung cấp cọc không có thống kê đầy đủ, kịp thời. Do đó, hàng chục nhà máy cọc hoạt động cầm chừng, thậm chí đóng cửa trong suốt thời gian ảnh hưởng đến rất lớn về hiệu quả đầu tư xã hội, vì một nhà máy cọc hiện đại có mức đầu tư không dưới 250 - 400 tỷ đồng. Hàng ngàn lao động mất việc...
 

Cọc PC&PHC được sản xuất trên dây chuyền có công nghệ hiện đại.

 
Theo tính toán sơ bộ, mỗi một nhà máy nếu chạy hết công suất và mặt bằng lãi suất ổn định, kể cả lãi suất vay ưu đãi (nếu hệ số phát thải đạt chuẩn công trình Xanh) thì từ 10 - 15 năm sẽ thu hồi được vốn. Đây cũng là lý do nhiều nhà máy đã được đầu tư mà không tính trước những bất cập rủi ro xảy ra.

Về lý thuyết, sản phẩm cọc bê tông dùng trong việc gia cố nền móng nên có thể sử dụng được trong tất cả các công trình có liên quan như nhà ở cao tầng, nhà máy, cầu cảng, mố trụ cầu giao thông… nhưng trên thực tế có từ 60 - 65% sản phẩm cọc bê tông dùng cho công trình bất động sản.

Hiệp hội Môi giới Bất động sản cho biết, mức tăng bình quân của bất động sản vào khoảng 15% mỗi năm, nhưng trong 15% tăng này bao gồm cả tăng giá. Hơn nữa, con số này còn phụ thuộc vào hạch toán của các doanh nghiệp bất động sản, đơn cử như quy định hạch toán cuối cùng của dự án là khi khách hàng đã thanh toán 100%.

Thế nhưng, đa phần các dự án vẫn nợ sổ đỏ, thường thì các hợp đồng có phần nộp hết 5% khi nhận sổ nên việc hạch toán này phụ thuộc vào báo cáo của doanh nghiệp. Vì thế, con số về mức tăng trưởng chỉ là để tham khảo.

Trên thực tế, nhu cầu về cọc bê tông phải dựa trên các dự án bất động sản xây mới. Năm 2021, cả nước có 252 dự án nhà ở các loại (thương mại, nhà ở xã hội, du lịch nghỉ dưỡng) được cấp phép bằng 34% so với năm 2020. Ba quý đầu năm 2022, chỉ có 70 dự án được cấp phép, chủ yếu tập trung cho miền Bắc là 38 dự án, miền Nam 16 dự án và miền Trung 16 dự án. Tuy nhiên, trong quý III/2022 chỉ duy nhất có 2 dự án tại TP.HCM được cấp phép.

Nhìn vào biểu đồ tăng trưởng của ngành Xây dựng cho thấy: giai đoạn 2016 - 2020, tốc độ tăng trưởng của ngành Xây dựng bình quân 8,5 - 8,7%/năm, cao hơn mục tiêu đặt ra từ 8 - 8,5%, trong đó tốc độ đô thị hóa 40%. Đây là cơ sở và điều kiện tốt để ngành Cọc bê tông phát triển.

Tuy nhiên, trong và sau đại dịch Covid-19 thì tăng trưởng của ngành Xây dựng đã chậm lại. Năm 2021, tỷ lệ tăng thêm toàn ngành là 0,2 - 0,5%.

Năm 2022, ngành Xây dựng phấn đấu đạt mức tăng trưởng 5 - 5,6% nhưng diễn biến thị trường trong những tháng cuối năm với hàng loạt công trình bất động sản thi công cầm chừng hoặc ngừng thi công do tín dụng bất động sản hết room, kéo theo hàng loạt các nhóm ngành khác như xi măng, sắt thép, bê tông đúc sẵn, gạch ốp lát đều suy giảm nghiêm trọng, nhiều khả năng con số tăng trưởng khó đạt như dự kiến.

Con số đầu tư cho cao tốc cũng khá ấn tượng khi Bộ Giao thông Vận tải vừa phê duyệt tổng mức đầu tư dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2021 - 2025 là 147.000 tỷ đồng với chiều dài 700 km. Thế nhưng cũng chưa có con số nào về số lượng cọc bê tông cần sử dụng cho các dự án này.

Trước tình trạng sản xuất cầm chừng như hiện nay, nhiều nhà máy cọc bê tông của VPIA đã tìm đường xuất khẩu sang Đài Loan, Malaysia... tuy nhiên sản lượng chưa nhiều, ước đạt sản lượng được khoảng 5 - 8% công suất. Nhưng việc xuất khẩu chỉ là để giải quyết bài toán thị trường chứ không thực sự có lãi bởi vận tải chiếm chi phí lớn, rủi ro nhiều.

Trở lại với thị trường trong nước, với con số dự án bất động sản được cấp phép trong quý III/2022 như đã nêu trên thì sản lượng tiêu thụ cọc bê tông khá mờ mịt. VIPA cần có những động thái mạnh mẽ hơn để cảnh báo các hội viên khi có ý định mở rộng công suất cũng như các doanh nghiệp đang chuẩn bị đầu tư mới trong lĩnh vực này.

VLXD.org (TH)

Ý kiến của bạn

Thương hiệu vật liệu xây dựng