Ngày 6/12, Trưởng ban Ban quản lý Khu Kinh tế Hải Phòng Lê Trung Kiên kiểm tra việc chế biến, tiêu thụ thạch cao và công tác phòng, chống dịch Covid-19 tại Công ty Cổ phần DAP-Vinachem nằm trong Khu công nghiệp Đình Vũ, quận Hải An, Hải Phòng.
Bã thải thạch cao được xử lý thành phụ gia xi măng là một trong những giải pháp giúp giảm trữ lượng tồn tại bãi chứa trong nhiều năm qua.
Theo báo cáo nhanh của công ty, bã thải thạch cao đang được xử lý để làm phụ gia xi măng và làm nền vật liệu cốt nền đường giao thông.
Ông Nguyễn Ngọc Sơn, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần DAP-Vinachem cho biết, tiền thân của công ty là Dự án đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất phân bón Diamoni Photphat (DAP) tại Khu kinh tế Đình Vũ. Ngay từ khi mới đi vào hoạt động, công ty đã xác định bã thạch cao PG (chất thải chứa một số hóa chất độc hại thải ra từ các nhà máy sản xuất phân bón hóa chất và nhiệt điện) là nguồn tài nguyên quan trọng cần được khai thác, chế biến, sử dụng hiệu quả, đặc biệt trong bối cảnh ở Việt Nam không có mỏ thạch cao tự nhiên, phải nhập khẩu gần như 100% thạch cao từ nước ngoài về để phục vụ cho ngành sản xuất xi măng và vật liệu xây dựng trong nước.
Do đó, sau nhiều năm, Công ty đầu tư cho công tác nghiên cứu hoàn thiện công nghệ chế biến thạch cao PG thành sản phẩm hữu ích. Đến nay, thạch cao từ công ty được xử lý thành phụ gia xi măng và chế biến làm vật liệu cốt nền đường giao thông.
Đến thời điểm này, sản phẩm thạch cao từ nhà máy đang cung cấp cho 28 công ty, tập đoàn xi măng trong nước như Tập đoàn The Visai và các Công ty Xi măng Bút Sơn, Hoàng Mai, Tam Điệp, Hải Phòng…
Để tăng cường thêm giải pháp tiêu thụ thạch cao, Công ty Cổ phần DAP-Vinachem đã ký hợp đồng với Viện Vật liệu Xây dựng để thực hiện đề tài nghiên cứu chế biến bã thải thạch cao của Công ty làm vật liệu nền. Sau thời gian dài nghiên cứu, giai đoạn 1 nghiên cứu trong phòng thí nghiệm đã hoàn thành và được nghiệm thu.
Năm 2018, Công ty Cổ phần DAP-Vinachem đã cung cấp bã thạch cao PG cho Công ty Hoàng Lê thử nghiệm làm cốt móng đường giao thông nông thôn tại xã Tam Kỳ, huyện Kim Thành, Hải Dương và xã Đại Bản, huyện An Dương, Hải Phòng. Tuy nhiên, đề tài chưa được áp dụng rộng rãi do chưa có văn bản tiêu chuẩn, quy chuẩn hoặc hướng dẫn sử dụng đối với vật liệu này.
Ông Nguyễn Ngọc Sơn cho biết thêm, với phương án chế bã thạch cao làm phụ gia xi măng, khó khăn lớn nhất hiện nay là khâu tiêu thụ sản phẩm sau chế biến do chưa có cơ chế chính sách, chưa có khung pháp lý đủ mạnh để thúc đẩy sử dụng các sản phẩm sau tái chế. Với phương án chế biến thạch cao PG làm vật liệu cốt nền đường giao thông, vật liệu san nền hiện đang chờ cơ quan quản lý nhà nước ban hành tiêu chuẩn hoặc văn bản sử dụng đối với vật liệu mới này.
Công ty Cổ phần DAP-Vinachem kiến nghị với Chính phủ, các bộ, ngành hỗ trợ về cơ chế, chính sách chỉ đạo các nhà máy xi măng tích cực sử dụng thạch cao nhân tạo sản xuất trong nước, hạn chế nhập khẩu thạch cao tự nhiên từ nước ngoài, đồng thời xem xét giảm thuế VAT đối với thạch cao nhân tạo sản xuất từ bã thải về 0% và tăng thuế thu nhập thạch cao tự nhiên lên 10%. Công ty cũng đề nghị UBND thành phố Hải Phòng có ý kiến với Bộ Xây dựng về sớm ban hành quy chuẩn, tiêu chuẩn hoặc văn bản hướng dẫn thạch cao PG làm vật liệu san nền để có căn cứ pháp lý cho các đơn vị sử dụng.
Tại buổi làm việc, Trưởng ban Ban Quản lý Khu kinh tế Hải Phòng Lê Trung Kiên cho biết, Khu công nghiệp Đình Vũ đang phấn đấu trở thành khu công nghiệp sinh thái đầu tiên của thành phố cùng với Khu công nghiệp Nam Cầu Kiền. Nhu cầu sống trong điều kiện môi trường an toàn của người dân ngày càng cao. Trong khi đó, bãi thạch nằm ngay trên tuyến đường huyết mạch nối Hải Phòng với Cát Bà- nơi nhiều khách du lịch trong nước, quốc tế đi qua. Do đó việc xử lý bãi thạch cao của Công ty Cổ phần DAP-Vinachem là hết sức cần thiết để người và doanh nghiệp đến đầu tư được an toàn.
Ông Lê Trung Kiên đề nghị, các bên liên quan có phương án thống nhất để đẩy nhanh tiến độ tiêu thụ thạch cao, quan trọng nhất là đảm bảo chất lượng để thu hút các đơn vị tiêu thụ. Ngoài ra, doanh nghiệp phải phối hợp với các cơ quan chức năng đẩy nhanh tiến độ để làm vật liệu cốt nền đường giao thông. Những khó khăn vướng mắc của đơn vị nếu không trong phạm vi xử lý, Ban quản lý Khu kinh tế Hải Phòng sẽ báo cáo với lãnh đạo thành phố hoặc các bộ, ngành liên quan để có hướng giải quyết tối ưu nhất đối với khoảng 3 triệu tấn thạch cao đang tồn dư tại Công ty.
VLXD.org (TH/ TTXVN)
Ý kiến của bạn