Chất xúc tác giúp thu hút dòng tiền
Theo kế hoạch, riêng năm 2020, Bộ Giao thông Vận tải cần giải ngân 9.368 tỷ đồng (8.743 tỷ đồng kế hoạch năm, 625 tỷ đồng kế hoạch kéo dài); đến nay đã giải ngân 4.806 tỷ đồng (đạt 51,3%), số vốn còn lại 4.562 tỷ đồng, lãnh đạo Bộ cam kết sẽ giải ngân hết trong các tháng cuối năm.
Theo Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), với việc làn sóng thứ hai của dịch bệnh Covid-19 bùng phát, khả năng hồi phục của nền kinh tế từ nay đến cuối năm sẽ khó khăn hơn so với kỳ vọng trước đây, khi tiêu dùng nội địa phục hồi chậm, sự lây lan của dịch bệnh đang tác động trên cả 2 phương diện cầu tiêu dùng và tần suất di chuyển của người dân.
Bên cạnh đó, kinh tế thế giới suy thoái và Việt Nam vẫn là một nước phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu, nên sẽ chịu tác động từ việc đơn đặt hàng giảm, từ đó ảnh hưởng trực tiếp tới hoạt động sản xuất trong nước.
Tuy nhiên, trong bối cảnh khó khăn vẫn có những yếu tố hỗ trợ cho nền kinh tế, nổi bật nhất chính là động thái đẩy mạnh đầu tư công từ Chính phủ.
VDSC cho rằng, dòng tiền trong nước dồi dào trong bối cảnh lãi suất tiết kiệm thấp, nhưng thị trường chứng khoán giảm không đủ sâu để tạo tâm lý “tham lam” cho dòng tiền này. Do đó, thị trường không có nhiều động lực để bật mạnh như giai đoạn trước.
Cộng thêm sự khó lường của tình hình vĩ mô trong nước, trong ngắn hạn, nhà đầu tư nên tiếp tục để dành sức mua và chỉ giải ngân vào những ngành/công ty có triển vọng rõ ràng. Ngành vật liệu xây dựng (đá, sắt thép, nhựa đường) được cho là hưởng lợi mạnh mẽ từ làn sóng đầu tư công.
Dù có ý kiến quan ngại, hoạt động giải ngân đầu tư công trong thời gian tới có thể chậm trễ, nhưng kết quả kinh doanh các doanh nghiệp trong ngành đã phản ánh phần nào thực tế giải ngân thời gian qua.
Diễn biến cổ phiếu ngành khai thác đá xây dựng gần đây rất tích cực, cổ phiếu KSB của Công ty CP Khoáng sản và Xây dựng Bình Dương tăng hơn 16% chỉ trong 1 tuần (tính đến 7/8/2020); hai cổ phiếu đang có sở hữu chéo là C32 của Công ty cổ phần CIC39 và DHA của Công ty CP Hóa An lần lượt tăng hơn 21% và 12%. Các doanh nghiệp đều có báo cáo kết quả kinh doanh quý II/2020 khả quan.
Ðợt sóng cổ phiếu lần này đối với các doanh nghiệp đá xây dựng còn được trợ lực từ hoạt động đẩy mạnh giải ngân đầu tư công. Ðây là chất xúc tác quan trọng để dòng tiền đầu tư chú ý.
Trong khi đó, với ngành đặc thù là khai thác đá xây dựng, rào cản gia nhập ngành lớn, trữ lượng có giới hạn, trong khi nhu cầu tăng trưởng qua các năm nhờ các đại dự án về hạ tầng giao thông, các dự án bất động sản vẫn phát triển.
Các doanh nghiệp đẩy mạnh M&A mỏ đá
Năm 2020, mỏ Tân Ðông Hiệp bước vào giai đoạn cải tạo, phục hồi môi trường để đóng cửa theo giấy phép khai thác, do đó, KSB và C32 sẽ gần như không còn nguồn thu từ mỏ này kể từ năm 2021.
Ðể đảm bảo sản lượng, KSB thực hiện các thương vụ mua bán - sáp nhập (M&A) doanh nghiệp sở hữu mỏ đá.
Ðiển hình là thương vụ được KSB theo đuổi vài năm nay đối với một công ty vật liệu xây dựng tại Ðồng Nai, có trữ lượng mỏ đá và chất lượng tốt, nằm ở vị trí chiến lược. Tính đến cuối tháng 6/2020, KSB ủy thác đầu tư với giá trị 1.311 tỷ đồng để mua cổ phần công ty này, hiện sở hữu khoảng 41%.
Quy mô trữ lượng của công ty mục tiêu vào khoảng 150 triệu m
3 đá, gấp nhiều lần trữ lượng hiện tại của KSB. Nếu thành công, thương vụ sẽ tạo nền tảng tăng trưởng cho KSB trong trung và dài hạn.
Kết thúc 6 tháng đầu năm, KSB ghi nhận doanh thu thuần 694 tỷ đồng, tăng 18%; lợi nhuận sau thuế 159 tỷ đồng, tăng 4% so với cùng kỳ năm ngoái.
Ðối với DHA, kết quả kinh doanh tích cực đến từ hoạt động kinh doanh cốt lõi là khai thác đá xây dựng.
Doanh thu và lợi nhuận sau thuế quý II/2020 đạt 102 tỷ đồng và 26,3 tỷ đồng, tăng lần lượt 23% và 46%. Lũy kế 6 tháng, DHA có doanh thu thuần 173 tỷ đồng, tăng 11% và lợi nhuận sau thuế 42 tỷ đồng, tăng 21% so với cùng kỳ, hoàn thành 71% kế hoạch lợi nhuận năm.
Hiện DHA sở hữu 3 mỏ đá (Núi Gió, Tân Cang 3, Thanh Phú 2) có vị trí thuận lợi, thời hạn khai thác dài, đặc biệt là mỏ Tân Cang 3 có vị trí thuận lợi nhất để cung cấp cho Dự án Sân bay Long Thành, thay thế cho hai mỏ Tân Ðông Hiệp và Núi Nhỏ.
Tuy nhiên, xét cơ cấu doanh thu, chiếm tỷ trọng lớn nhất là mỏ Thạnh Phú 2 nhờ thuận lợi về vị trí, điều kiện khai thác, sản xuất và tiêu thụ.
Theo DHA, mỏ đá Núi Gió có tổng diện tích được cấp phép khai thác 18,52 ha, công suất khai thác hiện hành 300.000 m
3/năm; mỏ đá Tân Cang 3 có tổng diện tích được cấp phép khai thác 21,74 ha, công suất khai thác được cấp phép hiện tại 490.000 m
3/năm.
Còn mỏ đá Thạnh Phú 2 có tổng diện tích được cấp phép khai thác 20 ha, công suất khai thác đã được cấp phép là 818.000 m
3/năm
Trong cơ cấu cổ đông lớn DHA, Tổng Công ty Vật liệu xây dựng số 1 - Công ty Cổ phần (FICO) sở hữu 3.758.343 cổ phiếu, chiếm tỷ lệ 25,52%; Công ty Cổ phần Ðầu tư Xây dựng 3-2 sở hữu 1.991.550 cổ phiếu, chiếm tỷ lệ 13,52%.
C32 cũng là doanh nghiệp khai thác đá xây dựng (mỏ Tân Ðông Hiệp) và sản xuất - kinh doanh cấu kiện bê tông đúc sẵn.
Trong cơ cấu cổ đông C32, ngoài 3 tổ chức nước ngoài thì cổ đông lớn còn lại là DHA nắm 11,877% vốn.
Công ty có kế hoạch tăng sở hữu tại DHA từ nhiều năm trước, nhưng vẫn chưa thành công bởi giá cổ phiếu tăng cao và không chỉ có C32 muốn mua lại cổ phần DHA.
Tại Ðại hội đồng cổ đông năm 2017, lãnh đạo C32 chia sẻ, Công ty có ý định nâng tỷ lệ sở hữu tại DHA, nhưng khi có cổ đông lớn muốn nâng tỷ lệ sở hữu, nhiều người quan tâm dẫn đến giá cổ phiếu tăng, nếu đầu tư sẽ không hiệu quả. Do đó, Công ty sẽ dừng lại ở mức độ là cổ đông lớn.
Hiện nay, mỏ Tân Ðông Hiệp không còn được gia hạn, đồng nghĩa C32 buộc phải M&A các doanh nghiệp có mỏ đá khác, đồng thời đẩy mạnh mảng bê tông đúc sẵn để duy trì đà tăng trưởng.
Trong năm 2019, C32 đã đẩy mạnh thị trường tiêu thụ sản phẩm đá xây dựng, cống bê tông, kinh doanh vật liệu, phủ khắp trên địa bàn tỉnh Bình Dương và ngày càng thâm nhập sâu rộng vào thị trường các tỉnh lân cận như TP.HCM, Tây Ninh, cũng như thị trường các tỉnh miền Ðông Nam Bộ.
Ðược biết, C32 đã triển khai đầu tư mở rộng nhà máy sản xuất cấu kiện bê tông giai đoạn 2 tại xưởng Thạnh Phước, đồng thời đầu tư mới dây chuyền sản xuất cống bê tông sử dụng công nghệ rung ép, đưa vào sản xuất năm 2019 và đầu tư máy sản xuất gạch không nung (gạch ống, gạch đinh…).
Ðối với lĩnh vực đá xây dựng, C32 cho biết, Công ty đang tăng cường năng lực ở lĩnh vực này thông qua việc đầu tư liên kết và tham gia vào Ban điều hành Công ty Cổ phần Miền Ðông (MDG), với trữ lượng mỏ đá khác thác 60 ha ở xã Tân Mỹ - huyện Bắc Tân Uyên, tỉnh Bình Dương (hiện đang khai thác 39 ha); đầu tư mua khoảng 10% cổ phần và đang tiến tới liên kết với DHA khi trữ lượng 3 mỏ đá khai thác lên tới 60 ha tại khu vực Biên Hòa và Bình Phước.
Mặt khác, C32 triển khai góp vốn thành lập Công ty trong lĩnh vực khoáng sản, tham gia đấu thầu khai thác mỏ đá Tân Lập, huyện Ðồng Phú, tỉnh Bình Phước, với diện tích khoảng 106 ha, nhằm ổn định sản xuất trong những năm tiếp theo.
Kế hoạch M&A để gia tăng mỏ đá của các doanh nghiệp là một trong những yếu tố chính giúp cổ phiếu thu hút dòng tiền đầu tư.
VLXD.org (TH/ TNCK)