Kể từ ngày 1/5, tại Đồng Tháp giá xi măng tăng thêm từ 30.000 – 50.000 đồng/tấn, do chi phí nguyên liệu đầu vào như giá điện, giá than đồng loạt tăng cao khiến một loạt các doanh nghiệp xi măng điều chỉnh tăng giá.
Không chỉ ở Đồng Tháp mà Hà Tĩnh giá xi măng cũng tăng mạnh chỉ sau cát và thép. Trong vòng chưa đây 2 tháng, giá xi măng được điều chỉnh tăng hai lần, kèm theo các loại vật liệu khác tăng giá đang ảnh hưởng lớn đến hoạt động kinh doanh, xây dựng trên địa bàn Hà Tĩnh.
Từ giữa tháng 3 đến đầu tháng 5 năm nay, giá xi măng đã được điều chỉnh tăng 2 lần với tổng mức tăng từ 50.000 – 70.000 đồng/tấn tuỳ loại. Vì vậy, sau thép và cát, giá xi măng tăng là điều dự báo từ trước.
Giá xi măng tiếp tục tăng giá tại nhiều địa phương.
Theo một gia đình trên địa bàn Hà Tĩnh, khởi công xây nhà vào đúng thời điểm giá tăng khiến gia đình cân nhắc từng loại chi phí nhỏ. Cát, xi măng tăng khiến chi phí xây dựng nhà tăng cao hơn nhiều so với mức dự toán ban đầu.
Theo tìm hiểu, các dòng xi măng được người tiêu dùng Hà Tĩnh lựa chọn chủ yếu hiện nay là Hoàng Mai, Nghi Sơn, Bỉm Sơn và Duyên Hà. Thời điểm này, xi măng Vicem Hoàng Mai, Bỉm Sơn có giá gia động từ 1.400.000 – 1.500.000 đồng/tấn; xi măng Duyên Hà có giá từ là 1.200.000 – 1.250.000 đồng/tấn...
Giá xi măng biến động tăng cũng tác động không nhỏ tới hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp trong ngành. Theo Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ vận tải Viết Hải, khi hoạt động xây dựng trên địa bàn không được sôi động như các năm trước thì việc giá xi măng tăng liên tục càng khiến cho thị trường của công ty gặp khó khăn hơn. Tuy nhiên, với chiến lược “dài hơi”, hoạt động kinh doanh và nguồn hàng vẫn sẽ được đơn vị cố gắng duy trì ổn định.
Giá tăng đồng loạt khiến hoạt động của các cơ sở kinh doanh vật liệu xây dựng nhỏ lẻ cũng trở nên trầm lắng. Chủ cơ sở vật liệu xây dựng tại Khánh Lộc (Can Lộc) cho hay, giá xi măng tăng khiến cho sức mua giảm, lại thêm cước vận chuyển cũng tăng khiến doanh thu của cơ sở sụt giảm đáng kể.
Dự báo, thời gian tới giá xi măng sẽ chưa có chiều hướng “hạ nhiệt” do giá nguyên liệu đầu vào vẫn còn đứng ở mức cao. Vì vậy, các nhà thầu hay chủ đầu tư có nhu cầu mua số lượng xi măng lớn cần xem xét, tính toán kỹ để có thể chủ động được nguồn hàng cũng như đảm bảo được chi phí xây dựng khi đã lập dự toán.
Ngược lại với giá xi măng, giá gạch ở mức thấp. Theo nguồn tin từ VTV24, Vài tháng trở lại đây nhiều nhà máy gạch trên địa bàn miền Bắc điêu đứng, khốn đốn, sản xuất cầm chừng khi chi phí quản lý, chi phí khấu hao lớn dẫn đến giá thành để làm ra một viên gạch tăng từ 800 – 1.000 đồng/viên, điều đáng nói là không ít các doanh nghiệp đã phải bán với giá khoảng 600 đồng/viên, có nghĩa là đã chịu lỗ và bán dưới giá thành sản xuất nhưng vẫn không bán được hàng.
Nguyên nhân giá gạch giảm mạnh do cung vượt quá cầu, các nhà máy đua nhau giảm giá bán.
Theo Ban chấp hành Hiệp hội Gạch nung miền Bắc, thì tại miền Bắc hiện nay có khoảng 500 doanh nghiệp sản xuất gạch nung và không nung hầu hết trong tình trạng sản xuất cầm chừng.
Tại thị trường sắt thép, theo số liệu thống kê của Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) trong tháng 4/2019, sản lượng thép thô của các doanh nghiệp thành viên thuộc VSA đạt 1.277.546 tấn, tăng 28% so với cùng kỳ 2018, nhưng giảm 7% so với tháng 3/2019. Tiêu thụ thép thô đạt 1.334.454 tấn, tăng 4% so với tháng trước, nhưng giảm 13% so với cùng kỳ 2018...
Tính chung 4 tháng đầu năm 2019, sản xuất thép thô của các thành viên Hiệp hội đạt 5.066.045 tấn, tăng 37% so với cùng kỳ 2018 và tiêu thụ 4.964.236 tấn, tăng 29% so với cùng kỳ năm trước.
Trong khi đó, các doanh nghiệp thành viên của VSA sản xuất được 948.397 tấn thép xây dựng trong tháng 4/2019, tăng 14% so với cùng kỳ 2018, nhưng giảm nhẹ 3,64% so với tháng 3/2019. Tiêu thụ thép xây dựng đạt 923.590 tấn, tăng so với cùng kỳ là 9,6%, nhưng giảm 7,1% so với tháng 3/2019.
Tính chung cả 4 tháng năm 2019, các doanh nghiệp thành viên của VSA đã sản xuất được 3.505.390 tấn thép xây dựng, tăng 9,7% so với cùng kỳ năm 2018. Bán hàng đạt 3.635.590 tấn, tăng 17,7% so với cùng kỳ năm trước.
Tham khảo giá thép tháng 5/2019
Về hoạt động thương mại, theo số liệu thống kê sơ bộ từ TCHQ, xuất khẩu clanker và xi măng trong nửa đầu tháng 5/2019 đạt 1,17 triệu tấn, trị giá 52 triệu USD, lũy kế từ đầu năm đến 15/5/2019 đạt 12,51 triệu tấn, trị giá 533,5 triệu USD.
Đối với mặt hàng sắt thép, nửa đầu tháng 5/2019 đã xuất khẩu 245,5 nghìn tấn, trị giá 155,64 triệu USD, lũy kế từ đầu năm đến 15/5 đã xuất khẩu 2,57 triệu tấn, trị giá 1,65 tỷ USD.
Sản phẩm sắt thép xuất khẩu cũng thu về trên 1,14 tỷ USD tính từ đầu năm đến 15/5, riêng nửa đẩu tháng 5/2019 cũng đã đạt 123,45 triệu USD.
Về nhập khẩu, nửa đầu tháng 5/2019 cả nước đã nhập khẩu 687,8 nghìn tấn sắt thép các loại, trị giá 467,43 triệu USD, lũy kế từ đầu năm đến ngày 15/5 đã nhập khẩu 5,35 triệu tấn sắt thép các loại, trị giá 3,59 tỷ USD. Trong đó, mặt hàng phôi thép nửa đầu tháng 5/2019 đạt trên 10 nghìn tấn, trị giá 4,7 triệu USD, lũy kế từ đầu năm đến 15/5 đã nhập 102,1 nghìn tấn phôi thép, trị giá 47,99 triệu USD. Ngoài ra, sản phẩm từ sắt thép nửa đầu tháng 5/2019 cũng đã nhập tới 181,96 triệu USD, lũy kế từ đầu năm đến 15/5 đã nhập 1,42 tỷ USD.
Để bảo vệ sản xuất trong nước trước những nguy cơ phá giá từ các doanh nghiệp nước ngoài…, vừa qua Bộ Công Thương đã chính thức ban hành Quyết định số 1230 về việc áp dụng biện pháp chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại đối với các sản phẩm thép dây, thép cuộn nhập khẩu vào Việt Nam.
Trước đó, Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định số 2622/QĐ-BCT về việc tiến hành điều tra áp dụng biện pháp chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại đối với sản phẩm thép cuộn, thép dây nhập khẩu vào Việt Nam.
Sau gần 1 năm điều tra, Bộ Công Thương đã chính thức áp dụng biện pháp phòng vệ bảo vệ sản xuất trong nước.
Hàng hóa bị áp dụng biện pháp chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại là các sản phẩm thép cuộn, thép dây nhập khẩu có các mã HS: 7213.91.90, 7217.10.10, 7217.10.29, 7229.90.99, 9839.10.00.
Biện pháp chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại được áp dụng dưới hình thức thuế nhập khẩu bổ sung với mức thuế là 10,9% kể từ ngày 28/5/2019 đến hết ngày 21/3/2020 (nếu biện pháp tự vệ ban đầu không gia hạn).
Tổ chức, cá nhân nhập khẩu các mặt hàng thép nêu trên nếu cho rằng hàng hoá nhập khẩu của mình khác biệt với hàng hoá sản xuất trong nước có thể nộp Hồ sơ đề nghị miễn trừ áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại.
Trước đó, Cục quản lý cạnh tranh (Bộ Công Thương) cho biết đã quyết định áp dụng biện pháp chống bán phá giá chính thức đối với mặt hàng thép chữ H nhập khẩu, mức thuế áp từ 20,48 đến 29,4% đối với hàng từ Trung Quốc, Hàn Quốc.
VLXD.org (TH/ Vinanet)