Khu bến cảng biển Đông Hồi, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An được Bộ Giao thông Vận tải phê duyệt Quy hoạch chi tiết tại Quyết định số 838/QĐ-BGTVT ngày 28/4/2011 với chức năng nhiệm vụ là cảng chuyên dùng phục vụ nhu cầu xuất nhập hàng hóa cho nhà máy nhiệt điện, nhà máy thép, vật liệu xây dựng trong Khu công nghiệp Đông Hồi và vùng lân cận.
Tổng diện tích đất quy hoạch là 1.096,7ha, trong đó, phạm vi quy hoạch vùng đất là 540,4ha; phạm vi quy hoạch vùng nước là 556,3ha. Phân khu chức năng bao gồm:
Bến cảng xi măng và vật liệu xây dựng gồm 11 bến đáp ứng cho tầu từ 20.000DWT - 50.000DWT, chiều dài tuyến bến là 2.850m. Giai đoạn đến năm 2015 có 06 bến, chiều dài tuyến bến 1.500m, mức độ khai thác hạn chế. Các khu chức năng khác gồm có: Khu đất hậu phương cảng 166,8ha; khu nước, luồng tầu và công trình bảo vệ: 556,3ha; khu đất dự phòng phát triển: 221,5ha.
8 bến cảng còn lại phục vụ cho nhà máy thép và nhà máy nhiệt điện.
Theo dự kiến đến năm 2020, cảng sẽ tiếp nhận được tàu từ 30.000 - 50.000DWT với tổng vốn đầu tư dự kiến là 16.555 tỷ đồng, trong đó đầu tư đến năm 2015 khoảng 10.574 tỷ đồng. Thế nhưng, đến nay sau hơn 11 năm hầu hết các hạng mục chưa triển khai xây dựng.
Dự án Cảng Vicem Đông Hồi do Tổng Công ty Xi măng Việt Nam làm chủ đầu tư đã được UBND tỉnh Nghệ An cho phép lựa chọn địa điểm lập dự án đầu tư xây dựng tại Quyết định số 3279/QĐ-UBND.CN ngày 30/7/2013.
Theo đó, Tổng Công Xi măng Việt Nam đăng ký đầu tư xây dựng Cảng Vicem Đông Hồi với 10 bến phục vụ xuất nhập khẩu xi măng. Tổng diện tích nghiên cứu khảo sát là 120ha trong đó phạm vi trên cạn khoảng 45ha, dưới nước 75ha.
Dự án Cảng Vicem Đông Hồi chủ yếu để phục vụ nhu cầu vận chuyển hàng hóa cho nhà máy Xi măng Hoàng Mai I và nhà máy Xi măng Hoàng Mai II. Tuy nhiên, do dự án nhà máy Xi măng Hoàng Mai II chưa hoàn thành hồ sơ chấp thuận chủ trương đầu tư nên các bến cảng phục vụ nhà máy chưa được triển khai thực hiện.
Dự án bến cảng nhà máy Nhiệt điện Quỳnh Lập 1, bến cảng nhà máy nhiệt điện Quỳnh Lập 2 và dự án Bến cảng Thanh Thành Đạt cũng rơi vào tình cảnh tương tự.
Ông Đinh Sơn Minh, Phó phòng Quy hoạch xây dựng, BQL Khu kinh tế Đông Nam Nghệ An cho biết, các dự án đầu tư các bến cảng đều gặp khó khăn trong việc triển khai đầu tư xây dựng do chưa có nhà đầu tư hệ thống hạ tầng kỹ thuật dùng chung cho cả khu bến cảng như đê chắn sóng và luồng tàu vào cảng. Trong những năm vừa qua việc bố trí nguồn vốn cho dự án là rất khó khăn do dự án đê chắn sóng và luồng tàu vào cảng Đông Hồi không nằm trong danh mục dự án ưu tiên đầu tư. Mặt khác, việc kêu gọi thu hút các nhà đầu tư cho dự án nêu trên còn gặp nhiều khó khăn do nguồn vốn để thực hiện là rất lớn.
VLXD.org (TH)