Với dây chuyền sản xuất hiện đại, bên cạnh chinh phục thị trường trong nước, sản phẩm gạch ốp lát của Công ty Cổ phần công nghiệp Á Mỹ chiếm tới hơn 40% tổng số gạch ốp lát của Việt Nam xuất khẩu đi Mỹ.
Thời gian qua, nhu cầu về VLXD trên thị trường tăng mạnh, giá các loại VLXD “leo thang” do ảnh hưởng bởi dịch bệnh, chiến tranh thương mại thế giới. Nhằm phát triển các sản phẩm VLXD có thế mạnh của tỉnh, đưa ngành sản xuất VLXD phát triển đúng hướng, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, đáp ứng nhu cầu của thị trường, tỉnh đã triển khai đề án phát triển VLXD với quan điểm đầu tư phát triển VLXD phù hợp với chiến lược, quy hoạch của trung ương và của tỉnh; ứng dụng thành tựu khoa học kỹ thuật trong sản xuất VLXD, đảm bảo tiết kiệm năng lượng, thân thiện với môi trường; đẩy mạnh sản xuất các chủng loại VLXD có giá trị kinh tế cao, nâng cao năng lực cạnh tranh của các sản phẩm VLXD trên thị trường.
Hiện nay, các sản phẩm VLXD của tỉnh được chia thành 12 nhóm chủ lực, được tỉnh khuyến khích đầu tư gồm gạch ốp lát, đá ốp lát, sứ vệ sinh, kính xây dựng, gạch đất sét nung, VLXD không nung, vật liệu lợp, đá xây dựng, cát xây dựng, vật liệu san lấp, bê tông và một số chủng loại VLXD khác.
Bên cạnh đặt ra mục tiêu về chất lượng, tiêu chuẩn kỹ thuật, tác động môi trường đối với từng nhóm sản phẩm, tỉnh định hướng cho doanh nghiệp về chủng loại, mẫu mã sản phẩm VLXD phù hợp với nhu cầu của thị trường, hướng tới sản xuất các sản phẩm VLXD nhân tạo, hạn chế khai thác tài nguyên khoáng sản, áp dụng triệt để thành tựu KHKT vào sản xuất, tạo ra sản phẩm chất lượng.
Là DN sản xuất gạch ốp lát tiêu biểu của tỉnh, mặc dù đi vào sản xuất chưa lâu, đến nay, thương hiệu gạch ốp lát của Công ty Cổ phần công nghiệp Á Mỹ (AMY), KCN Thái Hòa – Liễn Sơn – Liên Hòa đã có chỗ đứng nhất định trên thị trường. Năm 2020, sản phẩm gạch ốp lát của AMY chiếm hơn 40% thị phần gạch ốp lát của Việt Nam xuất khẩu đi Mỹ. Năm 2021, doanh thu nội địa và tổng thu ngoại tệ xuất khẩu hàng hóa của công ty đạt khoảng 1.800 tỷ đồng và 30 triệu USD.
Nhờ hợp tác với các nhà cung cấp thiết bị, nguyên liệu, công nghệ hiện đại hàng đầu thế giới như: CMF Italy, Toreced Tây Ban Nha, Yaskawa Robot Nhật Bản… sản phẩm gạch ốp lát của công ty được đánh giá cao về cường độ xương, độ bóng vượt trội, chống thấm và chống trơn trượt.
Ngoài ra, để mở rộng thị trường, công ty phân phối thêm các sản phẩm sàn gỗ, thiết bị phòng tắm, nhà bếp… Hiện nay, công ty đã hoàn thiện 6 dây chuyền sản xuất gạch hiện đại với công suất 17 triệu m2 gạch/năm, tạo việc làm cho khoảng 1.400 lao động với thu nhập trung bình hơn 8 triệu đồng/người/tháng.
Để phát triển VLXD, tỉnh đề ra 7 nhóm giải pháp chính. Trước tiên, về cơ chế chính sách, tỉnh chỉ đạo đơn giản hóa công tác thẩm định, thủ tục đầu tư đối với DN; đồng thời, khuyến khích các cá nhân, tổ chức nghiên cứu, ứng dụng công nghệ vào sản xuất VLXD theo hướng tiết kiệm tài nguyên, thân thiện với môi trường.
Về thị trường tiêu thụ, đẩy mạnh xúc tiến thương mại, khuyến khích doanh nghiệp mở rộng mạng lưới hoạt động, phát triển thị trường nội địa. Tăng cường công tác điều tra cơ bản đối với chủng loại khoáng sản làm VLXD, yêu cầu doanh nghiệp sử dụng tài nguyên, khoáng sản tiết kiệm, áp dụng công nghệ khai thác, nâng cao tối đa hệ số thu hồi khoáng sản và giá trị sản phẩm khoáng sản.
Đẩy mạnh nghiên cứu phát triển sản phẩm mới, sử dụng phế thải làm nguyên liệu, nhiên liệu thay thế, ứng dụng cơ giới hóa, tự động hóa trong sản xuất giúp tiết kiệm năng lượng, tăng năng suất, giảm giá thành sản phẩm.
Đa dạng hóa, mở rộng các hình thức hợp tác trong đào tạo nguồn nhân lực theo hướng gắn kết giữa cơ sở đào tạo và doanh nghiệp, ưu tiên xã hội hóa trong công tác đào tạo nghề, chú trọng đào tạo nghề cho người lao động ngay tại cơ sở sản xuất.
Thực hiện giám sát, tăng cường thanh, kiểm tra việc thực hiện cam kết trong đánh giá tác động môi trường tại các doanh nghiệp, đơn vị sản xuất VLXD. Nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về phát triển VLXD trên địa bàn, thường xuyên cập nhật, thông báo giá VLXD, đánh giá đầy đủ trữ lượng, chất lượng các mỏ giúp nhà đầu tư lựa chọn phương án và giải pháp công nghệ phù hợp.
UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành, địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, khuyến khích và hướng dẫn các nhà đầu tư triển khai đề án phát triển VLXD; tăng cường quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa VLXD trong sản xuất và lưu thông, đưa sản phẩm vào sử dụng trong các công trình xây dựng của tỉnh theo quy định.
Rà soát quy hoạch khoáng sản đã được UBND tỉnh phê duyệt, xây dựng phương án bảo vệ khai thác, sử dụng khoáng sản, kiểm soát chặt chẽ phương án cải tạo, phục hồi môi trường sau khi khai thác mỏ.
Hỗ trợ, định hướng cho doanh nghiệp thực hiện đổi mới công nghệ, hệ thống quản lý, đồng thời, tạo điều kiện đối với các hoạt động xúc tiến thương mại, giúp doanh nghiệp sản xuất VLXD mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm.
VLXD.org (TH/ Báo Vĩnh Phúc)