Báo cáo về tiến độ thực hiện dự án, tại Hội nghị giao ban Ban Chỉ đạo thực hiện Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô bàn giải pháp tháo gỡ vướng mắc về mỏ vật liệu cho dự án chiều 12/9, Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông thành phố Hà Nội Nguyễn Chí Cường cho biết:
Tính đến ngày 8/9, toàn thành phố đã phê duyệt và thu hồi được 706,22/793,80 ha đất, đạt 87,93% tiến độ; di chuyển là 6.332/10.059 ngôi mộ, đạt 62,95% tiến độ. Đến nay, Ban Quản lý đã tiếp nhận 638,35ha đất đã thu hồi, phần còn lại sẽ thực hiện bàn giao trong tháng 9/2023; 7 khu tái định cư đã được khởi công và thực hiện tại các huyện: Mê Linh, Đan Phượng, Thanh Oai và Thường Tín.
Về tiến độ dự án thành phần 1.1 (di chuyển tuyến đường dây điện cao thế từ 110kV đến 500kV), Ban Quản lý dự án và đơn vị tư vấn đã hoàn chỉnh hồ sơ thiết kế kỹ thuật, Sở Công Thương đang thẩm định và dự kiến hoàn thành trong tháng 9/2023, phê duyệt hồ sơ thiết kế kỹ thuật, dự toán trong tháng 10/2023; phê duyệt và đấu thầu, ký hợp đồng trong tháng 11/2023.
Hướng tuyến đường Vành đai 4.
Đối với dự án thành phần 2.1, trên toàn tuyến đường song hành, các nhà thầu đã tổ chức 11 mũi thi công; trong đó, đã bóc đất hữu cơ lên khuôn đường khoảng 10km, đắp nền K95 khoảng 1,5km, đang triển khai thi công rải vải địa kỹ thuật, cắm bấc thấm xử lý nền đất yếu; đồng thời, đang làm thủ tục cấp phép triển khai thi công 16 cầu vượt sông, kênh mương trên tuyến...
Tuy nhiên, khó khăn chủ yếu ảnh hưởng đến tình hình thi công dự án đường Vành đai 4 là nguồn vật liệu đất, cát.
Theo kế hoạch, dự án cần 9,656 triệu m3 đất đắp K98, K95, đất đắp bao; 7,5 triệu m3 cát đắp K95, cát xử lý nền đất yếu. Trong đó, nhu cầu vật liệu phục vụ Dự án thành phần 2.1 và Dự án thành phần 3 trên địa phận Hà Nội gồm 1,872 triệu m3 đất đắp K98, đắp bao và 5,532 triệu m3 cát đắp nền K95, cát xử lý đất yếu.
Hiện trên địa bàn thành phố Hà Nội có 24 mỏ cát và chưa có mỏ đất nào có giấy phép cấp cho các dự án xây dựng và chưa có mỏ vật liệu nào được thực hiện theo cơ chế đặc thù theo Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ. Trong khi đó, nguồn vật liệu cho đường Vành đai 4 trên địa bàn thành phố đang gặp khó khăn, nguồn vật liệu thương mại lại có giá cao hơn rất nhiều so với đơn giá Nhà nước.
Trước tình hình này, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng giao Ban Cán sự Đảng UBND thành phố Hà Nội chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường, Ban Quản lý Dự án thành phố nhanh chóng lập danh mục các mỏ vật liệu đất, cát đắp trên địa bàn Thành phố bao gồm các mỏ đã có, đã giao và các mỏ mới bảo đảm trữ lượng, áp dụng cơ chế đặc thù cho phép chỉ định khai thác theo Nghị quyết của Quốc hội và Chính phủ.
Bí thư Thành ủy yêu cầu, đối với các mỏ đất, cát cần điều chỉnh quy hoạch khoáng sản để đưa khai thác, UBND Thành phố rà soát ngay để kịp trình Thường trực HĐND Thành phố hoặc Kỳ họp HĐND Thành phố, trong tháng 9 này. Đồng thời phải tính toán trữ lượng vật liệu đủ cung cấp cho toàn tuyến, bảo đảm giá thành hợp lý.
Giao Công an Thành phố kiểm tra, kiểm soát thường xuyên việc thực hiện pháp luật về khai thác khoáng sản tại các mỏ cát, mỏ đất trên địa bàn.
Các cấp, các ngành, các quận, huyện tập trung đền bù, hỗ trợ, giải phóng mặt bằng và tái định cư dự án; sẵn sàng hỗ trợ cho các hộ tạm cư. Ban Quản lý Dự án phối hợp với các quận, huyện, các nhà thầu thi công, lực lượng chức năng nhanh chóng bàn giao, quản lý chặt chẽ phần diện tích đã giải phóng mặt bằng. Các nhà thầu thi công luôn trong trạng thái sẵn sàng ngay khi được tháo gỡ về thủ tục và nguồn cung vật liệu.
VLXD.org (TH)