Hoạt động khai thác đá phục vụ sản xuất xi măng tại mỏ của Công ty Cổ phần Xi măng Sông Lam.
Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp (Cục ATMT) - Bộ Công Thương có công văn 520/ATMT-ATKV (ngày 14/4/2022) về việc giám sát các bãi nổ mìn thí nghiệm và phê duyệt phương án nổ mìn khai thác mỏ đá vôi làm nguyên liệu xi măng tại xã Bài Sơn và xã Hồng Sơn, huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An. Công văn của Cục ATMT được ban hành dựa trên căn cứ Báo cáo kết quả giám sát ảnh hưởng nổ mìn thí nghiệm tại khai trường mỏ đá vôi Bài Sơn ngày 05 tháng 4 năm 2022 của Công ty TNHH Môi trường và Tài nguyên khoáng sản - MTK (Công ty MTK), quy định tại điểm d khoản 2 Điều 41 Luật Quản lý vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ số 14/2017/QH14; điểm d khoản 7 Điều 5 và Bảng 1 Quy chuẩn số QCVN 01:2019/BCT.
Trước đó, ngày 22/3/2022, Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp - Bộ Công Thương cùng với Sở Công Thương, các cơ quan chức năng của tỉnh Nghệ An, đại diện UBND huyện Yên Thành, UBND xã Thịnh Thành, đại diện các hộ dân xóm Hồng Thịnh, xã Thịnh Thành, Công ty Cổ phần Xi măng Sông Lam và Công ty TNHH Môi trường và Tài nguyên khoáng sản - MTK cùng thực hiện giám sát ảnh hưởng nổ mìn của 04 bãi nổ mìn thử nghiệm tại khai trường mỏ đá Bài Sơn của Công ty Cổ phần Xi măng Sông Lam. Các đại diện tham gia giám sát đã thống nhất vị trí đặt các máy đo chấn động, cách thức giám sát khi thực hiện đặt máy đo và tiến hành giám sát công tác nổ mìn đảm bảo khách quan, trung thực.
Các bên liên quan thông báo biên bản giám sát với Công ty Cổ phần Xi măng Sông Lam.
Các bên liên quan đã sử dụng 05 thiết bị đo giám sát, bao gồm: 03 thiết bị đo hãng Nomis do Mỹ sản xuất và 02 thiết bị đo Blastmate III do Canada sản xuất (có thông số kỹ thuật đáp ứng tại Quy chuẩn số QCVN 01:2019/BCT) để xác định mức độ ảnh hưởng của công tác nổ mìn đến các khu vực khảo sát nổ thí nghiệm.
Qua giám sát, Cục ATMT cùng với Sở Công Thương có Biên bản số 01/BB-GSNMXMSL (ngày 22/3/2022) đánh giá ảnh hưởng của nổ mìn về chấn động, sóng không khí và đá văng đến công trình của các hộ nhân dân có phản ánh và thông qua kết quả đo giám sát ảnh hưởng nổ mìn làm cơ sở xác định được sự phụ thuộc của ảnh hưởng nổ mìn vào các yếu tố điều kiện địa chất, địa hình cụ thể tại khai trường nổ mìn để lựa chọn quy mô và phương pháp nổ cũng như các các biện pháp nổ để đảm bảo tuyệt đối an toàn cho công trình xung quanh.
Biên bản nêu trên của Cục ATMT có xác nhận của Sở Công Thương, Sở Tài nguyên & Môi trường, Công an tỉnh, Công an huyện Yên Thành, UBND huyện Yên Thành, UBND xã Thịnh Thành, đại diện hộ dân xóm Hồng Thịnh, xã Thịnh Thành (Yên Thành)… cũng xác định: “Khi nổ các bãi mìn hộ chiếu nổ số 77/03/2022/HCNM, số 78/03/2022/HCNM, số 79/03/2022/HCNM, số 80/032022/HCNM 05 máy ghi dược 11 tín hiệu và các kết quả đều nằm dưới ngưỡng quy định tại Điều 41 Quy chuẩn số QCVN 01:2019 (khoảng cách từ bãi mìn đến công trình từ 0 đến 91,4 m, vận tốc dao động cực trị cho phép 31,75 mm/s; khoảng cách từ bãi mìn đến công trình từ 92m đến 1.524 m, vận tốc giao động cực trị cho phép 25,4 mm/s; khoảng cách từ bãi mìn đến công trình lớn hơn 1.524 m, vận tốc giao động cực trị cho phép 19 mm/s). Có 02 máy đặt các vị trí gần phía nhà dân xóm Hồng Thịnh, xã Thịnh Thành không ghi được kết quả do khoảng cách quá xa. 04 bãi nổ có đá văng không lớn hơn 30m, không có bụi. Như vậy, 04 bãi nổ thử nghiệm đảm bảo tuyệt đối an toàn cho các công trình, đối tượng cần bảo vệ”.
Trên cơ sở đó, công văn 520/ATMT-ATKV (ngày 14/4/2022) của Cục ATMT cũng phê duyệt phương án nổ mìn khai thác mỏ đá vôi làm nguyên liệu xi măng tại xã Bài Sơn và xã Hồng Sơn, huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An. Việc tiến hành nổ mìn khai thác mỏ đá vôi làm nguyên liệu xi măng phải chấp hành theo quy định pháp luật cũng như các phương án đã phê duyệt, đảm bảo an toàn, hiệu quả; đồng thời tuân thủ các quy định về an toàn trong bảo quản, vận chuyển, sử dụng và tiêu hủy VLNCN quy định tại Quy chuẩn số QCVN 01:2019/BCT, các quy định của pháp luật về VLNCN, các quy định về khai thác khoáng sản và bảo vệ môi trường có liên quan.
VLXD.org (TH/ Báo Nghệ An)