Khu nhà lắp ghép bê tông tấm lớn xây dựng tại khu tập thể Văn Chương (trước năm 1970).
Công nghệ xây dựng từ các cấu kiện tấm lớn lắp ghép đã được Việt Nam nghiên cứu và áp dụng từ cuối những năm 1960, sau đó phát triển mạnh trong những năm 1970 của thế kỷ trước. Ban đầu là hệ kết cấu khung dầm gác các tấm sàn đúc sẵn, sau đó công nghệ lắp ghép tấm lớn đã trở nên phổ biến, với việc ứng dụng tại các khu tập thể lớn như Giảng Võ, Thành Công, Kim Liên, Văn Chương, Thanh Xuân, Nghĩa Đô… (Hà Nội) và một số khu nhà ở tại TP. Hải Phòng, Việt Trì, Thanh Hóa, Nghệ An…
Theo các nhà chuyên môn, ưu điểm của bê tông lắp ghép tấm lớn là giúp giảm giá thành công trình, giảm chi phí quản lý và phát sinh trong quá trình sản xuất, quan trọng nhất là tiến độ thi công nhanh chóng. Công nghệ này có thể được tiếp tục sử dụng trong tương lai, tuy nhiên cần lưu ý kiểm soát về chất lượng xây dựng tốt hơn và công tác bảo trì công trình.
Theo TS. Trần Bá Việt, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bê tông Việt Nam, việc xây dựng các công trình nhà ở xã hội hiện nay cần những loại vật liệu xây dựng có tính năng cao và hiệu suất cao để giảm nhẹ tải trọng cho công trình, đẩy nhanh tiến độ thi công, từ đó giúp tiết kiệm thời gian và chi phí.
Sử dụng bê tông lắp ghép tấm lớn trong xây dựng nhà ở xã hội giúp tiết kiệm thời gian và chi phí.
Công nghệ bê tông siêu tính năng (UHPC) đã mở ra một trang mới trong xây dựng cầu cạn từ năm 2022, tiếp đến là ứng dụng cho xây dựng đường trên cao và hệ thống đường cao tốc. Bên cạnh đó, UHPC ngày càng được phổ biến rộng rãi tại Việt Nam, thậm chí còn được kỳ vọng sẽ góp phần quan trọng thực hiện mục tiêu "Xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội giai đoạn 2021 - 2030".
UHPC có nhiều ưu điểm vượt trội so với bê tông cốt thép thông thường như: Nâng cao khả năng chống nứt, độ dai va đập, phá hoại nhớt, khả năng chống hao mòn, giảm độ rỗng. Đặc biệt, UHPC còn có khả năng giảm co ngót, từ biến, có thể không cần sử dụng cốt thép; có khả năng sử dụng các giải pháp hiệu quả hơn về công nghệ (ví dụ, các kết cấu thành mỏng, kết cấu không có cốt thép phân bố, cốt thép gián tiếp hoặc cốt thép ngang); giảm chi phí lao động cho công tác cốt thép, đồng thời tăng mức độ cơ giới hóa và tự động hóa sản xuất kết cấu; thi công xây dựng nhanh, có thể sản xuất hàng loạt; kết cấu UHPC có tuổi thọ lâu dài, chi phí bảo trì thấp; giảm sử dụng tài nguyên, giảm phát thải carbon...
KTS. Phạm Thanh Tùng, Chánh Văn phòng Hội Kiến trúc sư Việt Nam cho rằng, sử dụng vật liệu xây dựng xanh cho tòa nhà nói chung, nhà ở xã hội nói riêng sẽ giúp giảm thiểu sự tác động đối với môi trường tự nhiên, giảm phát sinh lượng rác thải. Những vật liệu xanh (kể cả rơm, rạ) cũng kích thích KTS sáng tạo, tìm ra các giải pháp mới hữu ích, thân thiện với môi trường, với con người, thúc đẩy chuyển đổi sang một cách sống, cách làm việc an toàn hơn, hạnh phúc hơn… trong đó việc ứng dụng công nghệ lắp ghép bê tông tấm lớn cần được quan tâm và phát triển.
Cũng theo KTS. Phạm Thanh Tùng, qua thời gian, bê tông lắp ghép tấm lớn càng khẳng định được tính ưu việt của sản phẩm. Việc phát triển và ứng dụng bê tông lắp ghép tấm lớn trong công trình nhà ở xã hội cũng phù hợp với chủ trương của Chính phủ là phát triển nhà ở xã hội với giá thành rẻ và chất lượng cao để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao về nhà ở cho người lao động có thu nhập thấp trên cả nước.
VLXD.org (TH/ TC Xây dựng)