Vừa qua, Bộ Xây dựng đã có buổi làm việc với các hiệp hội và DN sản xuất VLXD để tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn cho các DN ngành này. Và những giải pháp được đưa ra là tiếp tục quản lý có hiệu quả lĩnh vực VLXD, rà soát lại quy hoạch xi măng; Kiểm soát đầu tư phát triển
VLXD, tập trung phát triển VLXD mới, chọn DN có năng lực, kinh nghiệm trong đầu tư phát triển công nghiệp hỗ trợ, cơ khí, công nghệ vật liệu mới; tiếp tục đẩy mạnh cổ phần hóa các DN nhà nước.
Số liệu thống kê cho thấy, thời gian qua, các DN
sản xuất VLXD, từ
thép,
gạch,
xi măng đến gốm sứ đều chủ động giảm công suất, nhưng lượng hàng tồn kho vẫn không hề giảm. Trong khi lượng tồn kho xi măng đã về ngưỡng an toàn với khoảng 1,5 triệu tấn, thì tồn kho của ngành thép đang ở mức báo động với gần 400 nghìn tấn.
Về phía DN, ông Đinh Quang Huy, Chủ tịch Hiệp hội Gốm sứ cho biết, năng lực sản xuất của các DN đá ốp lát đạt 10 triệu m2 sản phẩm/năm, nhưng phải cắt giảm 50% lao động, trong khi ngành gốm sứ xây dựng hiện chỉ khai thác 70% công suất thiết kế. Hiện lượng hàng tồn kho của ngành gốm sứ xây dựng đã tăng lên 20%, với trên 40 triệu m2 gạch ốp lát và trên 1 triệu sản phẩm sứ vệ sinh, tương đương khoảng trên 3.000 tỷ đồng.
Gạch bê tông khí chưng áp (AAC) cũng rơi vào tình trạng bi đát với 12 nhà máy có công suất thiết kế khoảng 1,5 triệu m3/năm, nhưng chỉ sản xuất 15% công suất và tiêu thụ chỉ đạt 15% lượng sản xuất.
Ngành kính cũng không khá hơn, cả nước có 4 nhà máy kính nổi hoạt động với 90% công suất (tương đương 273 nghìn tấn), nhưng tiêu thụ chỉ đạt 191 nghìn tấn, tương đương 70% lượng sản xuất. Lượng tồn kho vào khoảng 265 nghìn tấn, tương đương 5 tháng sản xuất. Không chỉ tiêu thụ kính nổi giảm, kính gia công như kính cường lực và kính dán an toàn cũng giảm khoảng 40 - 45%.
Trong khi đầu ra khó khăn, các DN sản xuất
vật liệu xây dựng lại phải chịu thêm gánh nặng đầu vào khi giá nhiên liệu, điện, than, xăng… đều tăng; lãi suất ngân hàng vẫn ở mức cao...
Theo nhận định của các chuyên gia, lượng tồn kho lớn, kinh doanh thua lỗ khiến nhiều DN sản xuất cầm chừng hoặc dừng sản xuất, thậm chí đứng bên bờ vực phá sản.
Các DN sản xuất xi măng đều chủ động giảm công suất
Trước những khó khăn trên, các DN đều kiến nghị Chính phủ cần có biện pháp tháo gỡ khó khăn cho thị trường
bất động sản, để khơi thông đầu ra. Ngoài ra, Chính phủ cũng cần giảm lãi suất vay, giảm thuế VAT, đồng thời có biện pháp để chống hàng nhập lậu, cũng như cho rà soát và bổ sung các hàng rào kỹ thuật để hạn chế nhập khẩu sản phẩm VLXD trong nước đang dư thừa.
Đại diện Tổng công ty Công nghiệp Xi măng Việt Nam (VICEM) kiến nghị, nên nới rộng hạn mức vay cho ngành xi măng, bởi suất đầu tư cho xi măng quá lớn. Bình quân mỗi dây chuyền xi măng công suất 1 - 1,4 triệu tấn có mức đầu tư khoảng từ 2.500 - 3.500 tỷ đồng, bằng mức đầu tư của 10 - 15 nhà máy gạch AAC. Mặc dù ngành xi măng đã tìm đủ mọi cách để khơi thông đầu ra, nhưng sản lượng tiêu thụ vẫn giảm khoảng 10%. Hiện sản xuất và tiêu thụ xi măng chỉ đạt 70 - 75% công suất thiết kế.
Ông Nguyễn Văn Thiện, Chủ tịch Hiệp hội Xi măng Việt Nam cho biết, hiệp hội có 4 kiến nghị là giảm lãi suất, giãn nợ, khoanh nợ và giảm thuế VAT xuống còn 5%, Chính phủ đã giải quyết 3 kiến nghị, còn việc giảm thuế VAT xuống còn 5% vẫn chưa được chấp nhận. Chính phủ đã quy định ngành than phải bán cho xi măng dưới 10% giá xuất khẩu, nhưng hiện giá than bán cho xi măng cao hơn giá xuất khẩu. Không riêng gì xi măng, ngành thép và kính cùng có kiến nghị giảm 5% thuế VAT.
Ông Trần Văn Huynh, Chủ tịch Hội Vật liệu xây dựng cho rằng, bên cạnh việc hạ lãi suất, Chính phủ cần khoanh nợ, giãn nợ cho các DN và phải có chính sách kích cầu mới giải quyết tận gốc vấn đề tồn kho vật liệu xây dựng. Trong đó, chủ trương xây dựng cơ sở hạ tầng bằng bê tông xi măng của Bộ Xây dựng và Bộ Giao thông Vận tải cần sớm được triển khai.
Từ những kiến nghị của các hiệp hội và DN VLXD, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam cho biết, bên cạnh những giải pháp dài hạn như xem xét lại quy hoạch, xây dựng chiến lược xuất khẩu vật liệu xây dựng… thì biện pháp trước mắt để giúp các DN VLXD vượt qua khó khăn là giảm thuế, giảm lãi vay, chống hàng lậu…
Đồng thời, với sự kết hợp của nhiều cơ quan chức năng nhằm hỗ trợ các DN sản xuất trong nước, Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định số 818/QĐ-BCT về việc điều tra áp dụng biện pháp chống bán phá giá đối với mặt hàng thép mạ nhập khẩu vào Việt Nam có xuất xứ từ Trung Quốc (bao gồm Hồng Kông) và Hàn Quốc. Quyết định này được ban hành sau khi Bộ Công Thương xem xét đơn kiện từ đại diện ngành sản xuất thép mạ trong nước.
Căn cứ Điều 16 Pháp lệnh chống bán phá giá của Việt Nam, thời hạn điều tra để áp dụng biện pháp chống bán phá giá là không quá 12 tháng kể từ ngày có quyết định điều tra. Ngày 3/3/2017, Cơ quan điều tra (Cục Quản lý cạnh tranh) đã kết thúc quá trình điều tra vụ việc AD02 và đã gửi Dự thảo kết luận cuối cùng của vụ việc đến các bên liên quan.
Tuy nhiên, trong lúc chờ đợi các giải pháp hỗ trợ từ Chính phủ, các DN VLXD cần chủ động cấu trúc lại, nâng cao hiệu quả hoạt động của DN để vượt qua những khó khăn trước mắt.