Nhu cầu tăng
Khảo sát một số đơn vị kinh doanh vật liệu xây dựng trên địa bàn huyện Mai Sơn, Thuận Châu và Thành phố, giá cát hiện nay vẫn ở mức cao. Ngày 18/5, giá cát đổ bê tông có giá dao động từ 410.000 - trên 600.000 đồng/m³, giá cát xây 360.000 - 450.000 đồng/m³ (tùy loại cát và tùy địa bàn).
Ông Lường Văn Thanh, chủ đại lý vật liệu xây dựng Thanh Hà, phường Quyết Thắng (Thành phố), cho biết: Giá cát tăng cao nguyên nhân do ảnh hưởng giá xăng, dầu tăng nên cước vận chuyển tăng theo; nguồn cung cấp cát trên địa bàn tỉnh Sơn La giảm mạnh, có thời điểm đại lý phải nhập thêm cát từ tỉnh Hòa Bình. Giá cát xây dựng hiện tại tuy có hạ nhiệt hơn so với tháng trước, nhưng vẫn cao, tăng khoảng 20% so với thời điểm trước khi xăng, dầu tăng giá.
Giá cát tăng cao, khiến nhiều doanh nghiệp gặp khó. Ông Nguyễn Văn Thành, Phó Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng Nam Thành (Thành phố), chia sẻ: Giá sắt thép, cát xây dựng tăng cao ngoài dự tính, khiến doanh nghiệp bị động trong thi công. Đơn cử như dự án kè suối Nặm La giai đoạn 2, đơn vị ký hợp đồng trọn gói thực hiện dự án từ quý IV năm 2021. Nhưng, 5 tháng sau mới giải phóng xong mặt bằng và thi công. Lúc này, giá vật liệu xây dựng như: sắp thép, cát tăng cao. Nếu kiến nghị điều chỉnh đơn giá vật liệu xây dựng của chúng tôi không được tỉnh xem xét, hỗ trợ thì xác định là công trình "không lợi nhuận".
Cát khan hiếm và tăng giá khiến các các doanh nghiệp xây dựng đội chi phí.
Chị N.H.T, phường Tô Hiệu, thành phố Sơn La, chia sẻ: Tôi xây ngôi nhà mới, đúng thời điểm vật liệu tăng giá, sắt thép tăng 50% so với cùng kỳ năm trước, cát tăng cao và khó mua. Đặt mua trên 100 m³ cát từ cửa hàng kinh doanh vật liệu xây dựng trên địa bàn Thành phố, tôi phải chi 440.000 đồng/m³, cao hơn 50.000 đồng/m³ so với trước đây. Cộng thêm sắt thép tăng giá, ngôi nhà chi phí xây dựng tăng thêm hơn 100 triệu đồng so với dự toán.
Nguồn cung thiếu
Căn cứ kết quả tính toán, dự báo nhu cầu sử dụng cát xây dựng trên địa bàn tỉnh của Kế hoạch phát triển vật liệu xây dựng trên địa bàn tỉnh Sơn La thời kỳ 2021 - 2025, tầm nhìn đến năm 2035 (kèm theo Quyết định số 3278/QĐ-UBND ngày 29/12/2020 của UBND tỉnh) được thực hiện trên cơ sở 3 phương pháp, gồm: Vốn đầu tư, dân số và GRDP thì nhu cầu sử dụng cát trong xây dựng trên địa bàn tỉnh Sơn La thời gian tới cần khoảng 1,2 đến gần 1,3 triệu m³/năm.
Nhu cầu cát xây dựng cao nhưng hiện nay, cả tỉnh chỉ có 1 đơn vị duy nhất được cấp phép khai thác tại 9 điểm mỏ cát trên dòng sông Mã là Công ty Cổ phần Quỳnh Ngọc, với công suất 36.500 m³/năm, mới chỉ đáp ứng được 2,85 % nhu cầu thị trường. Như vậy, để đáp ứng nhu cầu vật liệu xây dựng, hiện nay các đại lý đang phải nhập thêm cát từ các tỉnh: Hòa Bình, Lai Châu…
Ông Nguyễn Tiến Dương, Phó Giám đốc Sở TN&MT, thông tin: Việc cấp phép khai thác cát trên sông Đà có vướng mắc về pháp lý. Theo đó, tại Điều 21, Điều 22, Nghị định số 114/2018/NĐ-CP có quy định hoạt động thăm dò, khai thác cát trong lòng hồ thủy điện phải có giấy phép hoạt động, thẩm quyền cấp phép là Bộ Công thương. Tuy nhiên, công trình thủy điện Hòa Bình là công trình quan trọng đặc biệt liên quan đến an ninh quốc gia, hoạt động khai thác khoáng sản bị cấm. UBND tỉnh đã có nhiều văn bản xin ý kiến Bộ Công thương, tổ chức kiểm tra thực địa, làm việc với Bộ TN&MT, Bộ Công Thương thống nhất xin ý kiến Bộ Công an để tháo gỡ vướng mắc. Ngày 12/7/2021, Bộ Công an có Công văn số 288/BCA-ANKT trả lời, theo đó các mỏ cát đã được cấp phép không nằm trong phạm vi cấm nhưng phải có giấy phép hoạt động do Bộ Công Thương cấp mới được phép hoạt động.
Bãi tập kết cát tại cảng Tà Hộc, huyện Mai Sơn.
Khan hiếm cát cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng khai thác, tập kết, vận chuyển cát trái phép trên địa bàn một số huyện vẫn tái diễn, chưa xử lý triệt để. Năm 2020 và 2021, Sở TN&MT đã kiểm tra, xử lý vi phạm 2 chủ Giấy phép khai thác cát tại sông Đà, sông Mã, xử phạt vi phạm hành chính hơn 300 triệu đồng, với lỗi: Chưa hoàn thiện thủ tục thuê đất, bến bãi theo quy định đã đi vào khai thác cát; sử dụng khoáng sản không đúng mục đích theo quy định (không sử dụng cho các công trình sử dụng vốn ngân sách nhà nước, giao thông và nông thôn mới theo quy định). Lực lượng chức năng các huyện: Mường La, Sông Mã, Mai Sơn, Bắc Yên qua kiểm tra, đã phát hiện, xử lý các đối tượng có hành vi khai thác cát trái phép, vận chuyển, tập kết cát không có nguồn gốc hợp pháp và lập biên bản xử phạt hành chính theo quy định.
Nguyên nhân dẫn đến tình trạng khai thác, vận chuyển, tập kết cát vẫn xảy ra, chưa xử lý hiệu quả, ông Dương chỉ ra: Hầu hết các điểm khai thác khoáng sản trái phép đều nằm xa dân cư, giao thông đi lại khó khăn. Phương thức hoạt động của các đối tượng diễn ra đa dạng, thực hiện ngoài giờ hành chính, vào ban đêm, khu vực giáp ranh giữa các huyện… Trong khi cán bộ chuyên môn quản lý nhà nước về tài nguyên khoáng sản ở cấp huyện, xã còn thiếu và kiêm nhiệm, kiến thức quản lý nhà nước về khoáng sản hạn chế.
Ông Lê Văn Kỳ, Chủ tịch UBND huyện Bắc Yên, thông tin: Ngày 28/4/2022, UBND tỉnh Sơn La đã ban hành Quyết định số 729/QĐ-UBND về việc bổ sung 5 điểm mỏ cát trên sông Đà thuộc địa bàn các huyện: Mai Sơn, Bắc Yên vào khu vực không đấu giá quyền khai thác khoáng sản thuộc thẩm quyền cấp phép của UBND tỉnh Sơn La. Nhưng hiện nay vẫn chưa có điểm mỏ cát nào được cấp phép khai thác. Để đáp ứng nhu cầu cát xây dựng, các doanh nghiệp, người dân đang phải mua cát từ Hòa Bình, Phú Thọ chi phí giá thành cao gây khó khăn cho đầu tư công, xây dựng nhà ở...
Còn tại huyện Mường La, ngày 6/8/2018, UBND tỉnh đã cấp Giấy phép khai thác khoáng sản số 1919/GP-UBND cho Công ty TNHH Tài nguyên và Khoáng sản Thăng Long, Hà Nội khai thác cát, sỏi lòng sông Đà làm vật liệu xây dựng thông thường tại thị trấn Ít Ong và xã Chiềng San, với công suất 48.000 m³/năm, thời hạn khai thác 7-8 năm. Ngày 20/1/2022, Công ty được Bộ Công Thương cấp Giấy phép số 68/GP-BCT, Giấy phép hoạt động trong phạm vi bảo vệ đập, hồ chứa thủy điện Hòa Bình. Nhưng không hiểu vì lý do gì đến nay đơn vị này vẫn chưa được khai thác?.
Đẩy nhanh tiến độ cấp phép khai thác cát
Ông Nguyễn Tiến Dương, Phó Giám đốc Sở TN&MT, thông tin: Toàn tỉnh có 30 điểm mỏ cát được cấp phép và đầu giá thành công theo quy định của Luật Khoáng sản 2010. Đến ngày 31/12/2020, có 7 điểm mỏ hết hạn. Hiện nay, 9 điểm mỏ đang hoàn thiện thủ tục thăm dò khoáng sản; 5 điểm mỏ đang chuẩn bị cấp giấy phép khai thác. Việc cấp phép giấy phép khai thác khoáng sản, trong đó có Giấy phép khai thác cát vẫn còn nhiều bước. Cụ thể, để cấp một giấy phép khai thác khoáng sản cần phải thực hiện quy trình của nhiều luật khác nhau như: Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật Môi trường, Luật Xây dựng, Luật Khoáng sản, Luật Đất đai... Mỗi luật có một quy định riêng, trình tự thủ tục riêng như: Bổ sung quy hoạch khoáng sản, đấu giá quyền khai thác khoáng sản, chấp thuận chủ trương đầu tư, thiết kế cơ sở, thăm dò, đánh giá trữ lượng, đánh giá tác động môi trường, thuê đất, ngoài ra đối với các mỏ cát trên sông Đà cần có giấy phép hoạt động của Bộ Công thương.
Gỡ tình trạng "khan hiếm" cát xây dựng, ông Dương cho rằng: UBND các huyện và Sở Xây dựng cần triển khai các giải pháp của kế hoạch phát triển vật liệu xây dựng trên địa bàn để thu hút đầu tư, đề xuất với cơ quan có thẩm quyền tổ chức đấu giá các điểm mỏ phù hợp quy định của Luật Khoáng sản. Sở TN&MT sẽ rà soát, cắt giảm 30% thời gian thực hiện thủ tục cấp phép hoạt động khoáng sản cho các tổ chức, cá nhân. Về lâu dài, Sở TN&MT đang tham mưu cho UBND tỉnh áp dụng Khoản 2, Điều 64 Luật Khoáng sản 2010, cho phép tổ chức, cá nhân, hộ gia đình được khai thác cát với mục đích không kinh doanh, mà sử dụng cho mục đích xây dựng công trình của chính tổ chức, cá nhân, hộ gia đình. Tham mưu cho UBND tỉnh chấp thuận doanh nghiệp trong quá trình thi công công trình được khai thác cát, đá trong phạm vi diện tích đất của dự án để phục vụ công trình đó, tuy nhiên phải thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ tài chính có liên quan, mang lại nguồn thu cho ngân sách, đảm bảo an ninh trật tự.
Ông Hà Ngọc Chung, Giám đốc Sở Xây dựng, thông tin thêm: Sở Xây dựng đã và đang tập trung rà soát, điều chỉnh, bổ sung hoặc đưa ra khỏi quy hoạch các mỏ vật liệu xây dựng thông thường (trong đó có các điểm mỏ khai thác cát), làm cơ sở tổ chức quản lý, cấp phép, đấu giá đem lại nguồn thu ngân sách, góp phần bảo vệ môi trường, phù hợp với định hướng phát triển kinh tế xã hội của tỉnh. Công bố định kỳ, kịp thời giá vật liệu xây dựng, đảm bảo tiêu chuẩn xây dựng và sát với giá thị trường tại trung tâm các huyện, thành phố. Năm 2021, Sở Xây dựng đã tham mưu tổ chức lập định mức cấp phối vật liệu sử dụng cát nghiền nhân tạo. Thường xuyên bám sát, theo dõi, chủ động liên hệ và làm việc với Cục Kinh tế số, Bộ Xây dựng để đẩy nhanh tiến trình xin ký kiến Bộ Xây dựng về định mức cấp phối vật liệu sử dụng cát nghiền trên địa bàn tỉnh. Sau khi có ý kiến chấp thuận, Sở Xây dựng sẽ tham mưu cho UBND tỉnh ban hành định mức. Đây sẽ là cơ sở để tiến tới sử dụng cát nghiền nhân tạo dần thay thế cát tự nhiện trong hoạt động xây dựng, hướng tới mục tiêu tiết kiệm ít nhất 30% giá thành xây dựng.
Những giải pháp các sở, ngành chức năng đưa ra để tham mưu với UBND tỉnh giải quyết tình trạng khan hiếm cát xây dựng rất thiết thực. Theo đó, cùng với việc tăng cường kiểm tra, giám sát, các sở, ban, ngành chức năng của tỉnh cần đẩy nhanh tiến độ cấp giấy phép khai thác cát cho các điểm mỏ đảm bảo đủ điều kiện theo quy định vào khai thác. Với điểm mỏ đã được cấp phép khai thác giao cho chủ đầu tư thăm dò và hướng dẫn đẩy nhanh tiến độ thủ tục cấp phép. Những điểm mỏ tiềm năng, đã xác định được trữ lượng cần thực hiện quy trình đấu giá theo quy định của Luật Khoáng sản, góp phần bình ổn giá cát, tăng thu ngân sách Nhà nước, đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn.
VLXD.org (TH/ Báo Sơn La)