Theo Công ty CP Tập đoàn xây dựng và Du lịch Bình Minh (chủ đầu tư dự án), Công ty sẽ đầu tư mở rộng Dự án giai đoạn 2 gồm dây chuyền 2 và 3, có công suất 1 dây chuyền là 2,3 triệu tấn xi măng/năm. Giai đoạn đầu tư và có sản phẩm dây chuyền 2 dự kiến năm 2019 - 2022, dây chuyền 3 dự kiến sau năm 2025.
Đây là dự án 3 trong 1 vừa đầu tư đồng bộ hệ thống thiết bị tận dụng nhiệt khí thải để phát điện, nhằm tự túc được từ 20 - 30% tổng lượng điện sử dụng của nhà máy; đồng thời xây dựng hệ thống đốt rác phát điện nhằm tiết kiệm tài nguyên và năng lượng trong sản xuất, giảm phát thải khí nhà kính, bảo vệ môi trường. Ngoài ra, Công ty cam kết sẽ giảm giá thành xử lý rác tối thiểu 10% đơn giá TP Hà Nội và tỉnh Hòa Bình đang áp dụng tại thời điểm và các năm về sau, góp phần giảm thiểu tác hại môi trường.
Theo Quy hoạch thăm dò, khai thác và sử dụng khoáng sản làm xi măng ở Việt Nam đến năm 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 105/2008/QĐ-TTg ngày 21/7/2008 và số 1065/QĐ-TTg ngày 09/7/2010, thì dự án xi măng Trung Sơn được quy hoạch: 36 triệu tấn đá vôi tại mỏ Lộc Môn, xã Trung Sơn, huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình; 9 triệu tấn sét tại mỏ sét Viễn Phương, xã Tân Thành, huyện Kim Bôi, tỉnh Hòa Bình và 5 triệu tấn phụ gia. Mặt khác cũng theo Quy hoạch nêu trên, mỏ đá vôi Lộc Môn xã Trung Sơn, huyện Lương Sơn và xã Cao Dương, huyện Kim Bôi có trữ lượng lớn (534,961 triệu tấn), được quy hoạch cho nhu cầu sản xuất mở rộng và đầu tư mới; dự kiến cho dự án xi măng Trung Sơn mở rộng.
Việc đầu tư mở rộng, nâng công suất nhà máy Xi măng Trung Sơn, tỉnh Hòa Bình từ 0,91 triệu tấn xi măng/năm lên thành 5,5 triệu tấn xi măng/năm và khu vực mỏ đá vôi Lộc Môn, xã Trung Sơn làm nguyên liệu phục vụ cho việc mở rộng giai đoạn 2 của nhà máy đã được UBND tỉnh Hòa Bình báo cáo Thủ tướng Chính phủ tại các Văn bản số 1609/UBND-CN ngày 15/10/2010, số 135/UBND-CNXD ngày 03/02/2015 và số 1619/UBND-CNXD ngày 01/12/2016.
Đồng thời được Bộ Xây dựng lập Quy hoạch phát triển công nghiệp xi măng Việt Nam giai đoạn 2017 - 2025, định hướng đến năm 2035 trình Thủ tướng Chính phủ tại Tờ trình số 69/TTr-BXD ngày 28/12/2017, theo đó có dự án Xi măng Trung Sơn 2 với tổng công suất là 4,6 triệu tấn xi măng/năm dự kiến đi vào vận hành giai đoạn 2021 - 2025.
Trên cơ sở phân tích quá trình đầu tư các dự án xi măng, tình hình sản xuất và tiêu thụ xi măng trong giai đoạn 2011 - 2018 và dự báo cân đối cung cầu đến năm 2030 của cả nước; định hướng về đầu tư phát triển sản phẩm xi măng; năng lực sản xuất, kinh doanh của Công ty; đồng thời sử dụng hiệu quả nguồn nguyên liệu đá vôi, đất sét chất lượng cao tại tỉnh Hòa Bình; đặc biệt là việc đầu tư sản xuất xi măng kết hợp xử lý rác thải của vùng Thủ đô Hà Nội là rất cần thiết. Bộ Xây dựng thống nhất với đề xuất của UBND tỉnh Hòa Bình và Công ty CP Tập đoàn xây dựng và Du lịch Bình Minh, đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét chấp thuận chủ trương đầu tư giai đoạn 2 dự án nhà máy Xi măng Trung Sơn, tỉnh Hòa Bình kết hợp đốt rác, phát điện “3 trong 1” với tổng công suất 2 dây chuyền 4,6 triệu tấn xi măng/năm (dây chuyền 2 và 3, mỗi dây chuyền có công suất là 2,3 triệu tấn xi măng/năm); thời gian đầu tư và có sản phẩm dây chuyền 2 dự kiến năm 2019 - 2022, dây chuyền 3 dự kiến sau năm 2025.
VLXD.org (TH/ Xây dựng)