Những tháng đầu năm, Sở Xây dựng tiếp tục tăng cường công tác quản lý Nhà nước về VLXD. Trong đó, kịp thời hướng dẫn, triển khai các cơ chế chính sách hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn đối với sản phẩm hàng hóa VLXD được sản xuất trên địa bàn. Đồng thời, phối hợp với các ngành, các địa phương, chủ đầu tư xây dựng và đơn vị có liên quan tăng cường công tác quản lý, giám sát chặt chẽ chất lượng VLXD được sản xuất, lưu thông, sử dụng trong công trình xây dựng trên địa bàn tỉnh.
Theo đánh giá của Sở Xây dựng, việc đổi mới công nghệ, đưa công nghệ tiên tiến thân thiện với môi trường vào sản xuất để nâng cao chất lượng, sản lượng các loại VLXD nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của thị trường. Sở Xây dựng tham mưu cho UBND tỉnh phê duyệt các dự án sản xuất VLXD căn cứ trên các quy hoạch đã được phê duyệt, như: dự án thăm dò, khai thác đá, cát, đất làm VLXD; các dự án sản xuất, kinh doanh VLXD, như: gạch không nung, gạch nung tuynel, gạch ốp lát, xi măng..., cát nghiền.
Công nhân nhà máy Xi măng Long Sơn trong ca sản xuất.
Thời gian qua, sở cũng đã kịp thời tham mưu cho UBND tỉnh rà soát, bổ sung quy hoạch thăm dò, khai thác khoáng sản làm VLXD thông thường trên địa bàn tỉnh... 8 tháng đầu năm, trên địa bàn tỉnh có 4 đơn vị sản xuất xi măng đạt sản lượng hơn 9,91 triệu tấn, tăng 3,4% so với cùng kỳ; 90 đơn vị sản xuất gạch xây, đạt 957,4 triệu viên, tăng 2,1%; 2 đơn vị sản xuất gạch ốp lát vicenza 3,455 triệu m
2, bằng 89,6%; 131 đơn vị sản xuất đá ốp lát 17,189 triệu m
2, tăng 8,7%; 1 đơn vị sản xuất vôi công nghiệp 5,923 nghìn tấn, tăng 3,3%; 221 đơn vị sản xuất đá xây dựng 7,032 triệu m
2, tăng 4,2%; 44 đơn vị khai thác và sản xuất cát xây dựng 5,129 triệu m
3, tăng 9%.
Từ đầu năm 2020, do tình hình dịch bệnh Covid-19 đã ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội, việc thực hiện đầu tư xây dựng tại các địa phương trên địa bàn tỉnh có xu hướng chậm, dẫn đến hoạt động sản xuất VLXD trên địa bàn tỉnh đạt thấp hơn kế hoạch đề ra (từ 10% trở lên). Nhu cầu tiêu thụ nguyên vật liệu đòi hỏi ngày càng cao về số lượng cũng như chất lượng; các doanh nghiệp sản xuất VLXD phải đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh... Số lượng các sản phẩm VLXD đã đáp ứng đủ nhu cầu vật liệu cho các công trình xây dựng trên địa bàn tỉnh...
Theo Quy hoạch thăm dò, khai thác và sử dụng khoáng sản cát, sỏi làm VLXD tỉnh Thanh Hóa đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030, được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 5368/QĐ-UBND ngày 28/12/2018; trong đó, quy hoạch 99 mỏ cát làm vật liệu công trình với trữ lượng khoảng 10 triệu m
3; trữ lượng bồi lắng hàng năm khoảng 8 - 10%. Theo tính toán của Sở Xây dựng, nhu cầu sử dụng cát công trình (cát bê tông và vữa) hàng năm khoảng 3 triệu m
3, vì vậy nếu chỉ khai thác cát tự nhiên thì trong vòng 4 - 6 năm nữa sẽ cạn kiệt. Căn cứ Quyết định số 567/QĐ-TTg ngày 28/4/2010 của Thủ tướng Chính phủ về Chương trình phát triển vật liệu xây không nung đến năm 2020, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch 104/KH-UBND ngày 26/8/2014 về Chương trình phát triển vật liệu xây không nung đến năm 2020 và lộ trình xóa bỏ các lò gạch thủ công trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa. Cát nghiền từ đá, trên cơ sở đề tài “Nghiên cứu, sử dụng vật liệu thay thế cát tự nhiên cho công trình xây dựng trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa” do Sở Xây dựng thực hiện. Tiếp tục phát triển sản xuất cát nghiền thay thế cát tự nhiên; tuyển rửa, chế biến cát biển, cát nhiễm mặn làm cát công trình.
Đại diện lãnh đạo Sở Xây dựng cho biết: Phát triển VLXD trên địa bàn tỉnh phải bảo đảm tính bền vững, sử dụng hợp lý và tiết kiệm nguồn tài nguyên thiên nhiên gắn với bảo vệ môi trường. Tập trung phát triển một số chủng loại VLXD của tỉnh có lợi thế cạnh tranh về nguyên liệu, thị trường tiêu thụ. Đầu tư chiều sâu, đổi mới công nghệ, từng bước loại bỏ cơ sở sản xuất có công nghệ lạc hậu, gây ô nhiễm môi trường và hiệu quả kinh tế thấp. Thu hút nguồn lực, khuyến khích các thành phần kinh tế, doanh nghiệp, cá nhân đầu tư sản xuất VLXD. Sắp xếp các cơ sở sản xuất thủ công, hình thành các cơ sở sản xuất quy mô công nghiệp để có điều kiện đầu tư chuyển đổi công nghệ sản xuất, thiết bị tiên tiến, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm VLXD và giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Ưu tiên cho việc đầu tư nghiên cứu các loại chất thải làm nguyên liệu, nhiên liệu phục vụ sản xuất VLXD. Khuyến khích phát triển các vật liệu mới, sử dụng các nguồn phế thải công nghiệp, thân thiện với môi trường. Đồng thời, áp dụng các công nghệ mới nhằm nâng cao hiệu quả khai thác, sử dụng tài nguyên khoáng sản, nâng cao chất lượng, giảm giá thành sản phẩm. Đi đôi với đó, Sở Xây dựng khuyến cáo sở, ngành, đơn vị có liên quan của tỉnh, các địa phương, tiếp tục rà soát, áp dụng chính sách khuyến khích phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và thương mại tỉnh Thanh Hóa, chương trình khuyến công quốc gia để hỗ trợ đối với các sản phẩm VLXD mới, VLXD thân thiện với môi trường, như: gạch không nung, cát nghiền từ đá...
VLXD.org (TH/ Báo Thanh Hóa)