Trong khi
xi măng “nhẹ bước” với mức tiêu thụ đạt 15,71 triệu tấn, tăng 10% so với cùng kỳ, thì ngành thép có mức tiêu vượt bậc, đạt 1,52 triệu tấn, tăng gần 23% so với cùng kỳ.
Con số này xác lập mức tăng kỷ lục của ngành
thép trong 3 năm trở lại đây, bất chấp những tranh luận gay gắt xung quanh vấn đề “
áp thuế tự vệ tạm thời đối với phôi thép và thép dài nhập khẩu”.
Trong khi đó, nhóm ngành
gạch xây dựng, sứ vệ sinh cũng có sự phục hồi rõ nét, cho dù sản phẩm từ Trung Quốc vẫn “tràn về” như thường lệ.
Vấn đề “áp thuế tự vệ tạm thời 23% đối với phôi thép và 14,2% đối với thép dài nhập khẩu” đã làm dấy lên những tranh luận trái chiều giữa người ngoài và người trong ngành, thậm chí cả các DN “trong nhà” tố lẫn nhau trước câu hỏi “ai trục lợi”.
Khi mọi vấn đề chưa ngã ngũ thì điều duy nhất nhìn thấy rõ là người tiêu dùng thiệt thòi, từ một số chủ đầu tư đến nhà thầu xây dựng, không ít đơn vị bị thiệt hại nếu trót mua vào khi giá thép lên đỉnh. Không loại trừ cả các đại lý của ngành thép cũng nếm trái đắng với toan tính “ôm hàng” đầu cơ chờ giá tiếp tục tăng.
Tranh cãi về quy định áp thuế tự về tạm thời vẫn chưa có hồi kết khi Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công thương) đã có văn bản thông báo tổ chức phiên tham vấn công khai vụ điều tra áp dụng biện pháp tự vệ đối với một số mặt hàng phôi thép và thép dài nhập khẩu để các bên liên quan có thể trình bày các quan điểm liên quan tới vụ việc.
Phiên tham vấn dự kiến tổ chức vào ngày 5/5/2016 tới đây.
Cơn sốt thép được tạo ra bởi chính sách khiến hàng loạt DN công bố thông tin tăng lợi nhuận do “mua được thép rẻ”, hay “tích trữ hàng trước đó”. Đơn cử như Thép Tiến Lên công bố lãi quý I/2016 là 100 tỷ đồng, lý do là “có nhiều hàng tồn kho giá rẻ và do trích lập dự phòng rủi ro từ cuối năm 2015”. Đây là mức lợi nhuận “mơ ước” khi cả năm 2015, công ty này lỗ 169 tỷ đồng.
CTCP Đầu tư và Thương mại DIC cũng cho biết kết quả kinh doanh những tháng đầu năm 2016 rất khả quan do nhập được thép giá thấp chiếm tới 60% sản lượng kinh doanh dự kiến của cả năm.
Thị trường thép đã giảm nhẹ từ ngày 25/3 và đến thời điểm đầu tháng 4/2016,
giá thép trên thị trường đã trở về tương ứng với giá trước cơn sốt. Theo đó, tại Hà Nội, thép Hòa Phát giảm từ 11 triệu đồng/tấn xuống còn 10,2 - 10,5 triệu đồng/tấn; tại TP. HCM, giá thép niêm yết của Thép Miền Nam là 10,2 triệu đồng/tấn, Pomina 10,25 triệu đồng/tấn, thép Việt Nhật 10,5 triệu đồng/tấn, Việt Mỹ 9,5 triệu đồng/tấn, Việt Úc 8,45 triệu đồng/tấn. Thị trường bán lẻ cũng không còn cảnh khan hàng, cháy hàng như trước đây.
Kết thúc quý I/2016, ngành xi măng cũng đã về đích như mong đợi với sản lượng tiêu thụ tăng 10%. Trong lĩnh vực xuất khẩu, dù nhiều DN tuyên bố “chào thua” khi phải cạnh tranh với clinker giá rẻ từ Trung Quốc, nhưng sản lượng xuất khẩu cũng đạt 3,5 triệu tấn, bằng 102% so với cùng kỳ.
Ông Lê Văn Tới, Vụ trưởng Vụ Vật liệu xây dựng (Bộ Xây dựng) cho biết: “
Thị trường xi măng quý I không có biến động và chính sách của các nhà sản xuất chưa thay đổi nhiều. Nếu tình hình tiêu thụ tiếp tục ổn định như hiện tại thì con số 77 - 78 triệu tấn tiêu thụ trong năm có thể hoàn thành”.
Trên lĩnh vực
gạch ốp lát, gốm sứ vệ sinh, các DN trong nước vẫn đứng vững nhờ bảo hộ và đầu tư tốt vào công nghệ. Theo đó, thuế nhập khẩu đối với các sản phẩm gốm sứ vệ sinh được áp dụng từ 5 - 35% tùy khu vực nên đã làm giảm sức cạnh tranh của sản phẩm nhập khẩu.
Tuy nhiên, đối với sản phẩm gạch ốp lát được nhận định là có sự tăng trưởng nóng nên các DN trong nước phải giảm giá bán để cạnh tranh, cho dù tiêu thụ đã tốt hơn. Chẳng hạn như CMC được biết đến là DN sản xuất gạch ốp lát luôn đạt kết quả kinh doanh khả quan trong nhiều năm qua nhờ công nghệ tiên tiến, cho ra đời các dòng sản phẩm phù hợp thị trường nhưng cũng phải giảm giá bán vì phải cạnh tranh với hoạt động khuyến mại, giảm giá của các DN khác.
Ông Nguyễn Quang Huy, Tổng giám đốc CMC cho biết: “Tính đến hết quý I/2016, CMC tiêu thụ khoảng 2 triệu m2, lượng tiêu thụ có tăng so với cùng kỳ nhưng không đáng kể do cạnh tranh trên thị trường này đang rất dữ dội”.