Loạn giá cả, chất lượng
Chuẩn bị VLXD xây nhà, anh Nguyễn Văn Nam, xã Quảng Phú (TP Thanh Hóa) băn khoăn, thị trường VLXD hiện nay rất phong phú nhưng chất lượng cũng tạp nham. Ngay từ cát xây dựng, nếu không tinh ý sẽ mua phải loại có chứa nhiều tạp chất. Sử dụng loại cát này khi trát sẽ khiến tường lồi lõm. Lo nhất là chất lượng xi măng vì đã có lần tôi mua phải xi măng rởm nhái nhãn xi măng cao cấp.
Không chỉ lo ngại về chất lượng, nhiều người còn băn khoăn về giá cả các mặt hàng này. Bởi trên thị trường có quá nhiều loại VLXD cùng thương hiệu nhưng mỗi nơi lại bán một giá. Khảo sát một vài cửa hàng chuyên kinh doanh sơn, chúng tôi thấy những băn khoăn của người tiêu dùng là có cơ sở. Cùng một loại sơn chống thấm thương hiệu MyColor cao cấp nhưng tại cửa hàng T.L. trên đường Nguyễn Trãi (TP Thanh Hóa) giá bán khoảng 1,3 triệu đồng/thùng loại 4,37 lít, còn tại một cửa hàng cũng nằm trên trục đường này lại có giá 1,4 triệu đồng/thùng cùng khối lượng.
Nhiễu loạn hơn về chất lượng và giá cả phải kể đến thị trường thiết bị vệ sinh, gạch ốp lát, bóng đèn trang trí... mặc dù được bày bán công khai nhưng hầu hết những mặt hàng này đều không hề có nhãn phụ giới thiệu xuất xứ cũng như thông tin về sản phẩm, giá cả thì mỗi nơi mỗi giá, cùng một loại gạch nhưng có đến 3 - 4 mức giá khác nhau. Chiêu thức mà các chủ cửa hàng kinh doanh đưa ra đó là chất lượng của gạch. Tuy nhiên, gạch loại ưu hay loại 1, loại 2 chỉ là thông tin xuất phát từ chủ kinh doanh chứ trên bề mặt sản phẩm thì không hề có. Chị Nguyễn Thị Oanh, ở phường An Hoạch (TP Thanh Hóa) cho biết:, vì mẫu mã đẹp nên tôi lựa chọn gạch lát Trung Quốc, tuy nhiên, khi đặt mua xong thì mới biết mình đã bị “chém ngọt” khi cùng một loại, ở cửa hàng khác bán thấp hơn đến 4 mức giá. Tôi cũng như nhiều khách hàng, không có thói quen lấy hóa đơn khi mua hàng nên cũng không kiểm chứng được chất lượng, xuất xứ sản phẩm. Hơn nữa, do chiêu thức của chủ hàng là không nhập hàng sẵn về kho mà chỉ nhập theo đơn đặt hàng nên khi bị thiếu vật liệu, việc mua bổ sung rất vất vả.
Có thể nói, người tiêu dùng hiện nay hầu hết chưa tự trang bị kỹ năng, kiến thức để mua được sản phẩm có nguồn gốc, xuất xứ. Đây cũng chính là nguyên nhân để hàng nhái, hàng kém chất lượng có cơ hội len lỏi rồi chiếm lĩnh ngày càng nhiều mặt hàng trên thị trường VLXD. Đại diện lực lượng quản lý thị trường tỉnh cũng thừa nhận thị trường VLXD hiện nay có nhiều sản phẩm bị làm nhái tinh vi. Có chủ cửa hàng bày hàng thật nhưng khi giao hàng lại tráo hàng giả khiến người tiêu dùng phải chịu thiệt. Thị trường VLXD phong phú, nhiều chủng loại và có quá nhiều cửa hàng kinh doanh nhỏ lẻ nên lực lượng quản lý thị trường khó có thể kiểm soát hết.
Siết chặt quản lý
Không thể phủ nhận, mặt hàng gạch ốp lát, vật tư ngành điện có xuất xứ từ Trung Quốc nhái các thương hiệu lớn đang chiếm lĩnh thị trường Việt. VLXD kém chất lượng tràn vào thị trường bằng con đường chính ngạch có, không chính ngạch cũng không ít. “Hàng rào” pháp lý đối với các mặt hàng “không tem” này tuy có nhưng thực hiện không phải là chuyện giản đơn. Khảo sát một vòng tại các đường Nguyễn Trãi, Đinh Công Tráng, Tống Duy Tân, Hàng Đồng (TP Thanh Hóa) và một số huyện lân cận, nhận thấy, các loại VLXD như gạch tráng men và không tráng men, gạch ốp tường, gạch lát nền (ceramic và granite); các loại sứ, thiết bị vệ sinh (bồn tắm, bồn massage, vòi nước, chậu rửa, cửa nhựa... ống nhựa PVC, đồ điện nội thất... là loại VLXD rất dễ làm giả, làm nhái. Với hình thức, kiểu dáng (hàng Trung Quốc giả hàng thật) “một chín một mười” trong khi giá cả lại vênh nhau 50/50, thậm chí, 40/60 nên một số nhà buôn hám lợi có thể trà trộn hàng thật - hàng nhái lợi dụng sự thiếu hiểu biết của khách hàng để trục lợi mà người mua không hay biết. Anh Nam, một người đang tìm kiếm sản phẩm VLXD để lắp đặt cho công trình đang xây dựng của mình tại huyện Quảng Xương cho biết, tôi rất phân vân khi phải đứng trước hàng loạt nhãn hiệu trong và ngoài nước. Cũng là bộ vòi tắm Toto, Inax, American có nơi thì “hô” 20-25 triệu đồng, song cũng có nơi chỉ bán 7 - 10 triệu đồng. Khi thắc mắc thì các chủ hiệu này lý giải các sản phẩm đó cũng tùy loại (?!).
Được biết, thời gian qua, Cục Quản lý thị trường tỉnh đã tăng cường quản lý mặt hàng này với việc tập trung kiểm tra đăng ký kinh doanh, nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa, về quyền sở hữu công nghiệp, các quy định về công bố tiêu chuẩn sản phẩm, việc ghi nhãn sản phẩm, niêm yết giá và bán hàng theo giá niêm yết. Tuy nhiên, đối với thị trường nhỏ lẻ, việc xử lý vi phạm hành chính đối với hàng giả, hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, hàng hóa nhập lậu không phải dễ dàng.
Hiện nay, chịu trách nhiệm kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm trong lĩnh vực này chủ yếu do 2 đơn vị Cục Quản lý thị trường và Sở Xây dựng phụ trách. Trong khi Sở Xây dựng chỉ chủ yếu kiểm tra, đánh giá chất lượng vật liệu sau khi nghiệm thu công trình thì đơn vị quản lý thị trường lại kiểm tra, xử lý hoạt động kinh doanh. Tuy nhiên, số lượng các vụ việc được phát hiện, xử lý chỉ là số ít bởi để “bắt quả tang” những hành vi vi phạm này không hề đơn giản. Sở Xây dựng chỉ lập biên bản xử lý các nhà thầu trong các trường hợp vi phạm về chất lượng các loại vật liệu như cát, đá, xi măng, gạch ốp lát, thiết bị điện, nước... Còn nếu muốn kiểm tra, xử lý “từ phần ngọn” thì phải thành lập đội liên ngành, trong khi đó, người kinh doanh lại có nhiều “mánh khóe” để che đậy hành vi. Hơn nữa, các văn bản quy định mức xử phạt thấp lại có nhiều “lỗ hổng” để người kinh doanh lợi dụng.
Chất lượng VLXD tại các nhà máy được thể hiện qua các chứng nhận hợp chuẩn, hợp quy. Tuy nhiên, những quy chuẩn này lại do doanh nghiệp tự công bố. Nếu doanh nghiệp nghiêm túc thuê đơn vị kiểm định uy tín để đánh giá thì loại VLXD đó cơ bản có chất lượng bảo đảm. Song nếu doanh nghiệp có ý định làm cho xong thủ tục để lấy chứng nhận thì chưa chắc sản phẩm đó đã đạt chất lượng theo yêu cầu. Việc mua phải VLXD kém chất lượng phần lớn xảy ra ở các công trình xây dựng dân dụng bởi người dân tự mua. Các công trình dân dụng gần như không thuê đơn vị tư vấn hay giám sát chất lượng. Khi mua VLXD, đa phần người dân chưa chú ý đến cam kết về chất lượng sản phẩm hoặc làm hợp đồng cam kết bảo đảm chất lượng sản phẩm như các công trình lớn. Điều này vô tình đã tiếp tay cho VLXD kém chất lượng tồn tại.
Việc hàng giả, hàng nhái có thể tồn tại được trong thời gian dài không chỉ là trách nhiệm của các cơ quan chức năng mà còn có nguyên nhân từ chính các chủ đầu tư, chủ nhà. Để kiểm soát tốt thị trường VLXD, thiết nghĩ, các cơ quan chức năng, ngoài tăng nặng mức xử phạt cần phải quản lý chặt từ gốc. Các cơ sở sản xuất VLXD trong nước phải được các cơ quan chức năng thuộc ngành xây dựng giám sát, lấy mẫu kiểm định để công bố hợp quy. Đối với những sản phẩm nhập khẩu cần kiểm soát chặt ngay từ khâu làm thủ tục hải quan, ngăn chặn hàng nhập lậu từ cửa khẩu. Đặc biệt, người tiêu dùng khi mua các sản phẩm VLXD, nên tìm hiểu nguồn gốc xuất xứ, chế độ bảo hành của cửa hàng.
Bên cạnh đó, cần chú ý đến các linh kiện kèm theo đề phòng linh kiện đi kèm không đúng chủng loại, không đồng bộ. Các cơ quan chức năng cần thắt chặt hơn nữa vấn đề quản lý, thanh tra, kiểm tra các cơ sở kinh doanh, nhập khẩu các loại VLXD trên thị trường, kịp thời phát hiện, xử lý vi phạm.
VLXD.org (TH/ Báo Thanh Hóa)