Thời gian vừa qua, Bộ Công thương đã có nhiều động thái để bảo vệ thép Việt trước những thiệt hại do thép nhập khẩu gây ra.
Ngành thép vẫn phải xoay xở với sự cạnh tranh khố liệt của thép nhập khẩu.
Trong năm 2021, ngành thép Việt Nam được kỳ vọng có bước tiến về tăng trưởng sản xuất, xuất khẩu, nhất là ra các thị trường mới có FTA.
Bên cạnh đó, tại thị trường nội địa, dự báo ngành thép sẽ bứt phá nhờ hưởng lợi từ việc đẩy mạnh đầu tư công và thị trường bất động sản "ấm" trở lại sau thời gian đóng băng vì đại dịch.
Tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia, ngành thép vẫn phải xoay xở với cuộc khủng hoảng thừa cũng như sự cạnh tranh khốc liệt của thép nhập khẩu. Trước tình hình đó, nước ta đã có nhiều hoạch định, chiến lược hỗ trợ doanh nghiệp ngành thép và các động thái để bảo vệ nền sản xuất thép nước nhà.
Hiện trong số các vụ việc bị nước ngoài điều tra chống lẩn tránh thuế, gian lận xuất xứ, sản phẩm thép bị khởi kiện nhiều nhất, chiếm tỉ lệ hơn 30%. Trong khi thép là một trong những sản phẩm xuất khẩu có nhiều chủng loại với kim ngạch hằng năm khoảng 4,2 tỷ USD.
Đơn cử, mới đây, Bộ Công thương đã ban hành Quyết định số 1162/QĐ-BCT áp dụng biện pháp chống bán phá giá (CBPG) tạm thời đối với một số sản phẩm thép hình chữ H có xuất xứ từ Malaysia. Theo đó, mức thuế CBPG tạm thời được áp dụng cho các doanh nghiệp xuất khẩu của Malaysia là 10,2%.
Bộ Công thương cho biết, lượng nhập khẩu sản phẩm thép hình chữ H tăng mạnh và gây thiệt hại đáng kể cho ngành sản xuất thép hình chữ H trong nước. Cụ thể, sản lượng sản xuất, lượng bán hàng, doanh thu, lợi nhuận, thị phần, hàng tồn kho có nhiều biến động trong giai đoạn điều tra, các chỉ số này đều cho thấy xu hướng suy giảm rõ rệt.
Theo Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công thương), trong thời gian tới, để đưa ra kết luận cuối cùng về vụ việc, Bộ Công thương sẽ tiếp tục làm việc với các bên liên quan để xác định các sản phẩm có yếu tố đặc biệt cần được loại trừ, miễn trừ, đồng thời đánh giá tác động toàn diện của vụ việc đến các bên liên quan, bao gồm cả người tiêu dùng cuối cùng. Vụ việc dự kiến sẽ kết thúc điều tra vào quý II/2021.
Trước đó, cuối năm 2020, Bộ Công thương đã ban hành Quyết định số 3390/QĐ-BCT về việc áp dụng thuế chống bán phá giá đối với một số sản phẩm thép cán nguội (ép nguội) dạng cuộn hoặc tấm có xuất xứ từ nước Trung Quốc.
VLXD.org (TH/ TBTC)
Ý kiến của bạn