Cá cược game - Game Thể Thao 24H

Thông báo Việc làm Hỏi đáp chuyên ngành

Kinh doanh - Đầu tư

Tổng hợp thông tin đầu tư các tỉnh thành phố

27/10/2021 - 03:03 CH

Cùng VLXD.org điểm lại một số thông tin đầu tư tại một số tỉnh, thành phố trên cả nước.
Thái Nguyên công bố quy hoạch cụm công nghiệp với tổng diện tích 25,6ha

UBND Phú Lương (Thái Nguyên) vừa tiến hành công bố đồ án quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 của cụm công nghiệp Yên Lạc với tổng diện tích 25,6ha. Khu đất được lập quy hoạch nằm tại xã Yên Lạc, huyện Phú Lương, Thái Nguyên. Hiện trạng khu đất lập quy hoạch chủ yếu là đất trồng lúa; đất trồng rừng sản xuất; đất trồng cây lâu năm, cây hàng năm; đất giao thông…

Dự án xây dựng cụm công nghiệp dự kiến được triển khai từ năm 2021 đến hết năm 2023 với tổng dự toán trên 225 tỷ đồng. Dự kiến sau khi hoàn thành, huyện sẽ chú trọng thu hút các doanh nghiệp đầu tư về lĩnh vực công nghiệp chế biến lâm sản, nông sản, dệt may; công nghiệp hỗ trợ, tiểu thủ công nghiệp… vào cụm công nghiệp này.

Cụm công nghiệp Yên Lạc được đầu tư xây dựng trên địa bàn sẽ góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động từ nông nghiệp sang công nghiệp; nâng cao thu nhập cho người dân; thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.

Để dự án triển khai đúng tiến độ, UBND huyện đã yêu cầu UBND xã Yên Lạc cần nhanh chóng công bố Quyết định quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 cụm công nghiệp Yên Lạc đến toàn thể nhân dân địa phương; các phòng chuyên môn, chủ đầu tư phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương thực hiện tốt công tác bồi thường giải phóng mặt bằng và tái định cư cho các hộ dân thuộc diện di dời thực hiện dự án.

Quảng Ninh tăng nguồn cung bất động sản công nghiệp

Thị trường bất động sản công nghiệp Quảng Ninh trong thời gian tới sẽ sớm ghi nhận thêm quỹ đất mới với những nhà đầu tư đến từ Nhật Bản và Hàn Quốc. Ban quản lý Khu kinh tế Quảng Ninh cho biết, theo Quy hoạch phát triển các Khu công nghiệp (KCN), Khu kinh tế (KKT) đến năm 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, trên địa bàn tỉnh được quy hoạch thành lập, phát triển 13 KCN, 3 KKT cửa khẩu và 2 KKT ven biển với tổng diện tích khoảng 388.671 ha, phân bố trên 11/13 địa phương của tỉnh Quảng Ninh.


Quảng Ninh tiếp tục hợp tác với các nhà đầu tư nước ngoài để phát triển các khu công nghiệp mới.

Trong số 13 KCN nằm trong Quy hoạch thì có đến 08 KCN thuộc địa bàn các KKT. Điều này tạo ra sức hút đối với các KCN tại Quảng Ninh nhờ những ưu đãi của KKT. Hiện đã có 10 dự án đầu tư kinh doanh hạ tầng thuộc 08 KCN được cấp có thẩm quyền quyết định, cấp Giấy Chứng nhận đăng ký đầu tư và thành lập với tổng diện tích là 4.514,69 ha.

Trong đó có 7 dự án đã được các Chủ đầu tư thực hiện đầu tư kinh doanh hạ tầng và cho nhà đầu tư thứ cấp thuê lại đất để thực hiện dự án đầu tư: KCN Cái Lân 69,28 ha, KCN Việt Hưng 301 ha, KCN Hải Yên 182,4 ha, KCN Đông Mai 167,86 ha, KCN Texhong - Hải Hà 660 ha (thuộc KCN - Cảng biển Hải Hà), KCN Nam Tiền Phong (nằm trong hệ thống KCN DEEP C) 369,8 ha (thuộc KCN - Dịch vụ Đầm Nhà Mạc); KCN Sông Khoai 714 ha. KCN Bắc Tiền Phong (nằm trong hệ thống KCN DEEP C) 1.192,9 ha (thuộc KCN - Dịch vụ Đầm Nhà Mạc) đang tiến hành san lấp, chưa thu hút nhà đầu tư thứ cấp.

Có 2 dự án chưa có quyết định thành lập, đang hoàn thiện các thủ tục pháp lý sau cấp Giấy Chứng nhận đăng ký đầu tư: KCN Hoành Bồ 681 ha; KCN Bạch Đằng 176,45 ha (thuộc KCN - Dịch vụ Đầm Nhà Mạc). Ngoài ra còn 5 dự án đầu tư hạ tầng KCN khác đang được nghiên cứu quy hoạch, lựa chọn nhà đầu tư với tổng quỹ đất khoảng 2.500 ha.

Động thái mới đây nhất của Tập đoàn Amata khi cùng 2 đối tác đến từ Nhật Bản và Hàn Quốc làm việc với lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh cho thấy, quỹ đất công nghiệp tại Quảng Ninh sẽ vẫn tiếp tục tăng mạnh trong thời gian tới. Điều này cũng đang phản ánh sức hút đối với dòng vốn FDI của Quảng Ninh ngày càng tăng.

Việc cả 2 nhà phát triển hạ tầng KCN lớn của Nhật Bản và Hàn Quốc này đều chủ động tìm về Quảng Ninh đã cho thấy những tiềm năng phát triển của mảnh đất này trong việc phát triển bất động sản công nghiệp thế hệ mới, để đón những dòng FDI chất lượng từ các hiệp định thương mại tự do lớn mà Việt Nam đang và sẽ tham gia.

Theo đánh giá của các nhà đầu tư, trong vòng 5 năm tới là thời điểm thích hợp để chào đón các nhà đầu tư thứ cấp đầu tiên vào KCN mới trên địa bàn. Vậy nên, Quảng Ninh muốn cạnh tranh trong việc hút dòng vốn đầu tư FDI, việc chuẩn bị quỹ đất công nghiệp lớn và hạ tầng tương thích là điều mà địa phương này phải làm sớm.

Điều chỉnh Quy hoạch chung TP. Hải Dương đến năm 2040 là đô thị cấp vùng, phát triển công nghiệp nhẹ

Bộ Xây dựng vừa tổ chức Hội nghị thẩm định Nhiệm vụ điều chỉnh Quy hoạch chung TP. Hải Dương, tỉnh Hải Dương đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050. TP. Hải Dương, tỉnh Hải Dương, nằm trên hành lang kinh tế Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh, gần vành đai kinh tế ven biển Bắc Bộ, được xác định là đô thị trung tâm cấp vùng, phát triển công nghiệp nhẹ, kỹ thuật cao và hỗ trợ phát triển các loại công nghiệp chế biến của vùng Nam và Đông Nam Đồng bằng Sông Hồng.

Điều chỉnh Quy hoạch chung thành phố Hải Dương đến năm 2030 đã được UBND tỉnh Hải Dương phê duyệt tại Quyết định số 1960 (ngày 04/7/2017), qua nhiều năm thực hiện đến nay đã bộc lộ một số bất cập, hạn chế cần được nghiên cứu, xem xét, điều chỉnh.

Đại diện Viện Quy hoạch Đô thị và Nông thôn quốc gia, đơn vị tư vấn về điều chỉnh Quy hoạch chung TP. Hải Dương, tỉnh Hải Dương đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050, cho biết, phạm vi khu vực lập điều chỉnh quy hoạch lần này là toàn bộ ranh giới hành chính TP. Hải Dương được điều chỉnh theo Nghị quyết số 788 (ngày 16/10/2019) của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, gồm 19 phường và 06 xã, với tổng diện tích tự nhiên là 111,64 km2.

Theo điều chỉnh quy hoạch này, TP. Hải Dương sẽ được phát triển theo hướng bền vững, khai thác hiệu quả những tiềm năng của thành phố; có hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội đồng bộ, hiện đại, có mạng lưới dịch vụ hoàn thiện, hấp dẫn nhà đầu tư, thu hút lực lượng lao động, chủ động ứng phó biến đổi khí hậu; đầu tư xây dựng hoàn thiện các tiêu chí đô thị loại I…

Nhiệm vụ nêu những yêu cầu chính về nội dung hồ sơ quy hoạch bao gồm: đánh giá hiện trạng; dự báo và đề xuất mô hình phát triển; định hướng phát triển không gian; định hướng quy hoạch sử dụng đất và phân khu chức năng theo giai đoạn quy hoạch; đề xuất định hướng phát triển kiến trúc cảnh quan và thiết kế đô thị; định hướng hệ thống hạ tầng kinh tế, xã hội; quy hoạch hệ thống hạ tầng kỹ thuật; đề xuất các chương trình, dự án ưu tiên và nguồn lực thực hiện…

Nội dung quy hoạch phải làm rõ cấu trúc đô thị, kiến trúc cảnh quan, xác định những trọng tâm mới trong xây dựng, phát triển thành phố, những yêu cầu về thiết kế đô thị, không gian cảnh quan đặc thù; đảm bảo tính kết nối giữa TP. Hải Dương và các địa bàn khác thuộc tỉnh Hải Dương và với các tỉnh lân cận; sử dụng hiệu quả tài nguyên đất…

Thành lập KCN Nam Tân Tập và 10 dự án đầu tư ở Long An

UBND tỉnh Long An vừa tổ chức trao Quyết định thành lập KCN Nam Tân Tập và trao giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho các dự án tiêu biểu trong các KCN trên địa bàn Tỉnh. Khu công nghiệp Nam Tân Tập được thành lập theo Quyết định số 9267/QĐ-UBND ngày 22/9/2021 của UBND tỉnh Long An, do Công ty TNHH Saigontel Long An, thành viên trực thuộc Công ty CP Công nghệ viễn thông Sài Gòn – Saigontel làm chủ đầu tư, toạ lạc tại xã Tân Tập, huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An, có quy mô diện tích 244.74 ha, với tổng mức đầu tư hơn 2.590 tỷ đồng. Thời gian hoạt động của dự án là 50 năm kể từ ngày quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư.

UBND tỉnh Long An cũng đã tổ chức trao giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 10 dự án tiêu biểu trong các khu công nghiệp trên địa bàn Tỉnh, gồm 4 dự án có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) có tổng vốn đăng ký đầu tư trên 68,3 triệu USD và 6 dự án có vốn đầu tư trong nước có tổng vốn đăng ký trên 4.426 tỷ đồng.

Các dự án FDI gồm: Dự án DH Logistics Network Việt Nam của Công ty TNHH DH Logistics Network Việt Nam, thuộc Tập đoàn Daiwahouse (Nhật Bản), có tổng vốn đầu tư đăng ký 29.921.500 USD; dự án Đầu tư sản xuất sợi và dệt vải của Công ty TNHH Allmed Medical Textile (Việt Nam) – Trung Quốc, có tổng vốn đầu tư 20.000.000 USD; dự án SLP Park Xuyên Á của Công ty TNHH Sea Fund I Investment 5PTE- Singapore, có tổng vốn đầu tư 10.800.000 USD; dự án Nhà máy sản xuất màng nhựa các loại của Công ty TNHH Kinfilm Vina- Singapore, tổng vốn đầu tư 7.600.000 USD.

Các dự án có vốn đầu tư trong nước gồm: Dự án kho xưởng cho thuê của Công ty CP Khu công nghiệp Tân An Thạnh - Long An, có tổng vốn đầu tư 1.106,96 tỷ đồng; dự án Nhà máy sản xuất vải may mặc Thái Tuấn của Công ty CP Tập đoàn Thái Tuấn, tổng vốn đầu tư 1.799,64 tỷ đồng; dự án Nhà máy may công nghệ cao Thái Tuấn của Công ty CP Del Tech, tổng vốn đầu tư 580 tỷ đồng; dự án Nhà máy sản xuất thép của Công ty CP Asiasteel, tổng vốn đầu tư 500 tỷ đồng; dự án Nhà máy CP HLDI của Công ty CP HLDI, tổng vốn đầu tư 240 tỷ đồng và dự án Nhà xưởng sản xuất găng tay y tế của Công ty CP găng tay Amy LA, tổng vốn đầu tư 200 tỷ đồng.

Quảng Ngãi: 21.000 tỷ đồng đầu tư kết cấu hạ tầng giai đoạn 2021 - 2025

HĐND tỉnh Quảng Ngãi đã thông qua Đề án Đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại tạo động lực cho phát triển, giai đoạn 2021- 2025, tổng vốn đầu tư 21 nghìn tỷ đồng. Theo Đề án, Quảng Ngãi sẽ đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng giao thông đồng bộ, bảo đảm kết nối tỉnh Quảng Ngãi với các tỉnh trong khu vực; kết nối trung tâm của tỉnh tới trung tâm các huyện; khu kinh tế, các khu công nghiệp; phấn đấu đến năm 2025 nhựa hóa, cứng hóa 100% đường huyện và 90% đường xã.

Đồng thời, đẩy mạnh huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đô thị từng bước đồng bộ, hiện đại; đồng thời, dành quỹ đất cho giao thông theo quy định khi xây dựng các khu đô thị mới để cải thiện nhu cầu giao thông trong giai đoạn trước mắt và lâu dài; Phát triển đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng khu công nghiệp, khu kinh tế.

Thay đổi phương thức đầu tư hạ tầng kỹ thuật khu công nghiệp, cụm công nghiệp từ chủ yếu sử dụng ngân sách nhà nước sang khuyến khích doanh nghiệp đầu tư, kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp, cụm công nghiệp theo hình thức đối tác công tư (PPP).

Tổng nhu cầu vốn đầu tư để thực hiện Đề án đến năm 2025 là trên 21.000 tỷ đồng. Dự án đầu tiên mà HĐND tỉnh Quảng Ngãi thông qua chủ trương đầu tư trong kế hoạch Đề án là dự án đường Hoàng Sa - Dốc Sỏi, với quy mô chiều dài tuyến khoảng 28,22km, tổng vốn đầu tư dự án khoảng 3.500 tỷ đồng. Đây là dự án giao thông quan trọng của tỉnh, kết nối nhanh, thuận lợi từ sân bay Chu Lai, KKT Dung Quất đến thành phố Quảng Ngãi và các địa phương phía Nam trong tương lai

VLXD.org (TH)
 

Ý kiến của bạn

Thương hiệu vật liệu xây dựng