Cá cược game - Game Thể Thao 24H

Thông báo Việc làm Hỏi đáp chuyên ngành

Kinh doanh - Đầu tư

TP.HCM: Quản lý chặt hoạt động khai thác, kinh doanh cát

30/06/2023 - 11:27 SA

Sau đại dịch Covid-19 kéo dài, kinh tế TP. Hồ Chí Minh và Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam dần hồi phục dẫn đến nhu cầu phát triển hạ tầng giao thông, hoạt động xây dựng tăng nhanh, kéo theo nhu cầu sử dụng cát san lấp, cát xây dựng rất lớn. Ðây là một trong những nguyên nhân khiến hoạt động khai thác, kinh doanh cát trái phép trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh thời gian qua diễn ra khá phức tạp.

Theo thống kê, cát xây dựng trên địa bàn thành phố đã được khảo sát, đánh giá với trữ lượng khoảng 41,4 triệu m³. Trong đó, khu vực cấm khai thác tổng trữ lượng 19,7 triệu m³ và khu vực dự trữ với tổng trữ lượng 21,7 triệu m³. Ðối với trữ lượng cát san lấp có 11 mỏ trên vùng biển Cần Giờ, huyện Cần Giờ và một khu vực trên sông Ðồng Tranh với tổng diện tích 1.142ha, trữ lượng khoảng 35,8 triệu m³. Số liệu khảo sát sơ bộ của cơ quan chức năng cho thấy, nhu cầu sử dụng cát san lấp trên địa bàn thành phố là rất lớn so với trữ lượng khoáng sản cát đã được khảo sát, thăm dò. Chỉ tính ở các địa phương: Quận 4, Quận 7, quận Bình Thạnh, huyện Củ Chi, huyện Nhà Bè, huyện Cần Giờ, từ nay đến năm 2025, nhu cầu vào khoảng 200 triệu m³ cát san lấp.

Cùng với đó, các quy định xử lý hành vi vi phạm trong lĩnh vực khoáng sản hiện hành còn nhiều bất cập, chưa đủ sức răn đe; nhiều kẽ hở pháp luật đang bị các đối tượng khai thác cát trái phép lợi dụng để đối phó cơ quan chức năng, gây khó khăn trong việc quản lý tài nguyên cát. Khai thác cát trái phép cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình hình sạt lở ở một số khu vực thuộc hai bên bờ sông Sài Gòn, sông Ðồng Tranh, sông Soài Rạp, sông Lòng Tàu…

Ðể nâng cao hiệu quả hoạt động đấu tranh ngăn chặn tình trạng khai thác cát trái phép, hoạt động vận chuyển, kinh doanh khoáng sản không có nguồn gốc hợp pháp trên địa bàn thành phố, UBND Thành phố Hồ Chí Minh vừa ban hành đề án phòng chống khai thác cát trái phép trên vùng biển Cần Giờ và vùng giáp ranh giữa thành phố với các tỉnh giai đoạn 2023 - 2026. Mục tiêu của đề án nhằm tiếp tục tăng cường công tác hoạt động quản lý nguồn gốc cát đến các dự án san lấp, xây dựng trên địa bàn thành phố; tiếp tục triển khai phối hợp, trao đổi, cung cấp thông tin trong công tác phòng chống khai thác cát trái phép trên vùng biển Cần Giờ và vùng giáp ranh giữa thành phố với các tỉnh. Ðồng thời, nâng cao vai trò của các tổ chức chính trị-xã hội trong tuyên truyền, phổ biến pháp luật về phòng chống khai thác cát trái phép và trong phát hiện, xử lý các cá nhân, tổ chức có vi phạm trong lĩnh vực khoáng sản trên địa bàn thành phố. Phạm vi thực hiện của đề án trên các tuyến sông thường xuyên xảy ra tình trạng khai thác cát trái phép như sông Sài Gòn, sông Ðồng Nai, sông Tắc, sông Ðồng Tranh, sông Soài Rạp, sông Lòng Tàu và trọng tâm là khu vực biển Cần Giờ.

Ðề án được xem là cơ sở quan trọng cho các cơ quan liên quan tiến hành đồng bộ các giải pháp ngăn chặn tình trạng khai thác, kinh doanh cát trái phép. Tuy nhiên, để bảo vệ tài nguyên cát nói riêng và tài nguyên khoáng sản nói chung hiệu quả, điều quan trọng là rà soát và kiến nghị bổ sung, thay thế các quy định chưa phù hợp so với tình hình thực tiễn; tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao vai trò kiểm tra, giám sát của các tổ chức chính trị-xã hội trong việc phát hiện, xử lý đối với các vi phạm trong lĩnh vực khoáng sản. Ðồng thời đầu tư, bổ sung các trang thiết bị phù hợp, đáp ứng đa nhiệm vụ, đa mục tiêu phục vụ công tác tuần tra, kiểm tra trên sông, trên biển; tăng cường công tác phối hợp giữa các đơn vị chức năng, nhất là sự phối hợp chặt chẽ giữa các địa phương trong khu vực.
 
VLXD.org (TH/ Nhân dân)
 

Ý kiến của bạn

Thương hiệu vật liệu xây dựng