Ghi nhận tại một số "chợ" vật liệu xây dựng (VLXD) trên địa bàn TP.HCM cho thấy nhiều đại lý kinh doanh VLXD luôn trong cảnh chợ chiều thời gian gần đây, doanh thu không đủ trang trải chi phí, khách mua đã ít trong khi khách mua nợ (thiếu) lại tăng, một số đại lý thậm chí phải giảm đến 50% giá bán để đẩy hàng tồn kho nhưng cũng không tiêu thụ được.
Thời gian gần đây, tại "thủ phủ" VLXD của TP.HCM trên con đường Tô Hiến Thành (quận 10), hàng chục cửa hàng trưng bày VLXD luôn trong tình trạng thưa vắng khách, thậm chí cả một buổi sáng nhưng có cửa hàng không một bóng khách ra vào. Những người bán hàng nơi đây đều cho rằng thị trường VLXD đang rơi vào giai đoạn trầm lắng dù đang vào mùa xây dựng cuối năm.
Tương tự, ghi nhận tại một số cửa hàng VLXD trên quốc lộ 22, quận 12, nhiều cửa hàng sắt, thép, xi măng, gạch ốp lát, thiết bị sứ vệ sinh… cũng vắng khách, xe cộ ra vào. Bà Nguyễn Thị Thủy, đại lý cấp 1 các loại VLXD trên đường Hà Huy Giáp (quận 12), cho hay chưa năm nào giá sản phẩm giảm nhiều nhưng ế ẩm như năm nay.
Từ cuối tháng 7 đến giờ thép đã giảm giá bán trên chục lần nhưng sản lượng bán ra vẫn chậm. Các tỉnh miền Trung bước vào cao điểm mùa mưa nên ít có các công trình xây dựng nhưng tại TP.HCM cũng không khá hơn. Tôi bỏ hàng cho dự án ở TP Thủ Đức, dự án không giải ngân vì ngân hàng siết tín dụng, bà Thủy nói.
Giá thép giảm là tin vui đối với ngành xây dựng, vì thép chiếm khoảng 20 - 30% chi phí công trình nhưng khác với mọi năm, các cửa hàng nhỏ lẻ hay đại lý lớn VLXD không dám "ôm" hàng.
Theo anh Long, chủ cửa hàng ở phường Thạnh Xuân (quận 12), sức tiêu thụ chỉ bằng khoảng 10% so với cùng thời điểm này mọi năm dù giá thép đã giảm sâu. Nhiều công trình xây dựng bị chậm tiến độ, thậm chí dừng thi công do thiếu vốn nên tôi không dám nhập hàng nhiều, anh Long nói.
Chợ vật liệu xây dựng (quận 5, TP.HCM) trong tình trạng vắng khách.
Kinh doanh tôn tại chợ VLXD này đã 30 năm, ông Hải (chủ cửa hàng Đại Hưng) cho biết trừ đợt dịch phải đóng cửa hoàn toàn, đây có lẽ là thời gian mà thị trường VLXD ế ẩm nhất trong nhiều năm trở lại đây. Theo ông Hải, tổng các loại chi phí để một cửa hàng hoạt động rơi vào khoảng 15 triệu đồng/tháng gồm các phí như phí thuê mặt bằng, phí quản lý, thuế má… mà doanh thu chỉ vừa chi trả phí trên thêm chút phí sinh hoạt. So với thời kỳ hoàng kim khoảng năm 2018, lượng mua chỉ bằng 40%. Tiền lãi không đủ sống, nhiều khi tôi còn ăn vào cả tiền vốn nhập hàng, ông Hải nói.
Tương tự, chị Trần Mẫn Nhi, nhân viên một cửa hàng chuyên bán các dây cáp thép, đồ sắt, đồ mài… trên đường Trịnh Hoài Đức (quận 5) cho biết lượng khách mua hàng đợt này giảm 30% so với năm ngoái. Theo chị Nhi, nguyên nhân là do nhiều công trình phải hoãn xây dựng nên các nhà thầu thi công gặp khó. Bên cạnh đó, đợt lũ lụt miền Tây vừa rồi cũng ảnh hưởng nhiều đến vận chuyển, xây dựng, lưu kho vật liệu nên khách cũng giảm.
Nếu những năm trước, con đường Trịnh Hoài Đức nhộn nhịp quanh năm, giờ các tiểu thương chỉ trông bán hàng theo vụ. Tầm giờ mọi năm đường Hải Thượng Lãn Ông nhộn nhịp khách mua bóng đèn, dây điện, đồ trang trí Noel mà giờ cũng lác đác, vắng hoe, chị Nhi nói.
Theo nhân viên tại cửa hàng Thanh Huy (chuyên bán các loại tấm lót sàn, ván sàn, ván ép, mái tôn), từ quý 2 trở lại đây, cửa hàng ế ẩm, không chỉ khách mua hàng ít mà khách nợ còn tăng.
Dọc các con đường chuyên bán VLXD lâu đời tại TP.HCM như đường Võ Văn Kiệt (quận 5), tình trạng kinh doanh cũng ảm đạm tương tự. Chủ một cửa hàng chuyên bán gạch lát sàn trên đường Võ Văn Kiệt cho biết lượng khách từ đầu năm đến giờ cứ giảm dần đều, đến giờ giảm tới 50% so với cuối năm ngoái.
Anh Hồng Thạnh Phước, Giám đốc Công ty TNHH Taika (quận 12), chuyên bán gạch ốp lát và thiết bị vệ sinh cũng cho biết đang "khóc ròng" vì hàng tồn kho với gần 500 thiết bị bồn vệ sinh, hơn 1.000m² gạch chưa có dự án nào "sờ" đến do các công trình xây dựng giảm mạnh. Bình thường kho hết là hàng về, hàng đi là kho hết, cứ thế luân phiên lấy hàng, bán hàng. Còn hiện nay, hàng… giậm chân tại chỗ, anh Phước lắc đầu nói.
Theo bà Trần Thị Tuyết Nhung, Giám đốc Công ty Hoa nhựa có nhà máy ở tỉnh Bình Dương, hơn 80% sản phẩm của Công ty dành cho xuất khẩu, chỉ tiêu thụ trong nước khoảng 20% nhưng chưa năm nào mà mặt hàng trang trí hoa nhựa lại ế ẩm như hiện nay. Như Công ty chúng tôi, mặt hàng này giảm 50% về sản lượng, giá trị. Tuy không cắt giảm lao động nhưng cắt bớt thời gian sản xuất đó là một ngày trong tuần. Sản lượng giảm, giá trị giảm, năm nay hoạt động kinh doanh giảm sút quá lớn, bà Nhung nói.
Anh Trần Văn Công, chủ cửa hàng đèn trang trí Hưng Thịnh Phát (đường Tô Hiến Thành, quận 10), lắc đầu khi nói về tình hình bán buôn bởi có khi ba ngày liền không một bóng khách. Bình thường một tháng bán khoảng 300 triệu đồng, nhưng một tháng nay ế ẩm. Nếu 10 khách vào cũng bán được một khách, đằng này cả ngày không có khách vào mua thì bán cho ai? Dự án chung cư tạm dừng, công trình nhà phố ngưng trệ, làm chúng tôi cũng điêu đứng, anh Công than.
Theo ông Phan Thanh Vũ, chủ một Công ty chuyên nhận trọn gói xây nhà, thiết kế nội thất ở quận Tân Phú, hợp đồng xây nhà phố hay hoàn thiện nội thất chung cư rất ít do khách không vay được vốn, mà có vay được thì lãi rất cao nên đi thuê ở tạm, hoãn kế hoạch xây sửa. Chủ thầu nào cũng tiếc vì VLXD giảm mà không có công trình, chứ không phải kiếm lời được như người ta nghĩ, ông Vũ giải thích.
Ông Lê Viết Hải, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình, đồng thời là chủ tịch Hiệp hội Xây dựng và VLXD TP.HCM thừa nhận, VLXD đang bị ảnh hưởng chung của bất động sản. Nhiều dự án đang thi công phải tạm ngưng, sản lượng sản xuất ra không cung cấp được theo đúng kế hoạch, doanh nghiệp giảm doanh thu nhiều và rất khó nên nhu cầu sử dụng VLXD giảm mạnh là điều không thể tránh khỏi, ông Hải nói.
VLXD.org (TH/ TTO)