>> 15,7 triệu tấn tro, xỉ/năm chưa có cách xử lý
Về vấn đề xử lý chất thải từ các nhà máy nhiệt điện đốt than, đại diện Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết, với khí thải từ các nhà máy nhiệt điện, hiện EVN đang sử dụng hệ thống lọc bụi, xử lý lưu huỳnh, ni tơ trong khói thải. Còn với nước thải, toàn bộ hệ thống nhà máy nhiệt điện của EVN đều xây dựng hệ thống xử lý nước thải công nghiệp đạt quy chuẩn quốc gia về môi trường, nước thải được tái sử dụng để phục vụ bãi xỉ, tưới ẩm kho than.
Đặc biệt, về việc tái sử dụng
tro, xỉ than, các nhà máy nhiệt điện đốt than ở miền Bắc (Phả Lại, Uông Bí, Quảng Ninh, Hải Phòng, Ninh Bình, Nghi Sơn 1) hiện đều có đơn vị tiêu thụ. Còn tại miền Nam, Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 2 đã ký hợp đồng với Công ty Mãi Xanh bao tiêu toàn bộ lượng tro xỉ trong cả đời dự án để sản xuất
vật liệu xây dựng,
gạch không nung,
kết cấu bê tông lấn biển…và xuất thành phẩm bằng đường biển qua cảng tổng hợp Vĩnh Tân. Thời gian nhận tro, xỉ sẽ bắt đầu từ ngày 1/1/2017.
Nhà máy Nhiệt điện Duyên Hải 1 cũng đã ký hợp đồng mua bán tro, xỉ với 3
doanh nghiệp, số lượng khoảng 1,62 triệu tấn/năm.
Bên cạnh đó, EVN cũng kiến nghị Bộ Xây dựng xem xét, chỉ đạo nghiên cứu, ban hành hoặc cho phép áp dụng một số tiêu chuẩn, hướng dẫn kỹ thuật đối với tro xỉ, thạch cao của các nhà máy nhiệt điện như: Yêu cầu kỹ thuật của tro, xỉ, thạch cao để sản xuất vật liệu xây dựng; yêu cầu kỹ thuật vật liệu tro, xỉ dùng cho san nền và gia cố nền; hướng dẫn kỹ thuật sử dụng tro, xỉ trong san nền công trình dân dụng và hạ tầng kỹ thuật, đường giao thông; hướng dẫn kỹ thuật sử dụng tro, xỉ và các chất kết dính phù hợp để sản xuất gạch không nung; sử dụng tro bay thay thế cho đất sét để sản xuất clinker trong sản xuất
xi măng...
PGS.TS. Trương Duy Nghĩa (Chủ tịch Hội Khoa học kỹ thuật nhiệt Việt Nam) khẳng định với khối lượng tro, xỉ thải ra rất lớn của các nhà máy nhiệt điện than thì việc tận dụng lượng chất thải này làm
VLXD là biện pháp triệt để và duy nhất. “Việt Nam không phải nước duy nhất đối mặt với việc xử lý chất thải từ các nhà máy nhiệt điện than. Ở Trung Quốc, năm 2003, Chính phủ nước này đã cấm sản xuất gạch nung và mỗi năm tiêu thụ 600 tỷ viên gạch không nung sản xuất từ tro, xỉ than. Tại Nhật Bản, 100% tro, xỉ của Nhà máy nhiệt điện đốt than được sử dụng hết. Hàn Quốc cũng tương tự”, ông Nghĩa dẫn chứng.
Ông Nguyễn Minh Hiến, nguyên Viện trưởng Viện năng lượng Việt Nam cho rằng, tro xỉ tại các nhà máy nhiệt điện có nguy cơ ô nhiễm môi trường, ảnh hướng đến đời sống người dân khu vực xung quanh các nhà máy nhiệt điện và có thể tác động đến sản xuất nông nghiệp.
Kinh nghiệm mà theo ông các nước trên thế giới áp dụng để kiểm soát chất thải từ các nhà máy nhiệt điện than là áp dụng công nghệ siêu giới hạn, một mặt công nghệ này sẽ giúp giảm xuất tiêu hao cho các nhà máy nhiệt điện đồng thời giảm lượng khí phát thải ra bên ngoài như CO2, SOX, NOX... đây là những tác nhân gây mưa axit.
"Nếu các nhà máy nhiệt điện than trong nước kiểm soát chặt chẽ được công nghệ ngay từ khi thi công thì việc phát triển các nhà máy nhiệt điện vừa đáp ứng được nhu cầu dùng điện cũng như bảo vệ môi trường", ông Hiến nói.
Về phía Bộ Công Thương, Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng khẳng định việc phát triển các nhà máy nhiệt điện than vẫn là giải pháp quan trọng và tối ưu trong tình hình hiện nay. Bởi, nhiệt điện than có chi phí thấp hơn các nguồn sản xuất điện khác (thủy điện, nhiệt điện khí, nhiệt điện dầu, điện từ năng lượng tái tạo…) và nguồn nguyên liệu cho các nhà máy này cũng dồi dào hơn, giúp Việt Nam giảm được giá thành trong sản xuất.
Để làm được việc này, cần thay đổi thói quen trong xã hội như chuyển từ sử dụng gạch nung sang gạch không nung được sản xuất từ tro, xỉ than hay sử dụng tro, xỉ để san lấp mặt bằng... Như vậy, sẽ xử lý được vấn đề môi trường mà vẫn bảo đảm được an ninh năng lượng quốc gia, Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng nói.