Ông Lê Văn Tới - Vụ trưởng Vật liệu Xây dựng (Bộ
Xây dựng) cho biết, trong những năm qua, Bộ Xây dựng đã có những biện
pháp chỉ đạo và kiểm soát chặt chẽ các cơ sở sản xuất tấm lợp AC và buộc
phải có những giải pháp cải tiến kỹ thuật nhằm hạn chế tác hại của
amiăng đối với và đặc biệt với sức khỏe của người lao động.
Theo
thống kê, tấm lợp AC chiếm tỷ trọng khoảng 30% thị phần tấm lợp tại
Việt Nam. Với ưu thế về giá thành, phù hợp với người dân nghèo, không dễ
có dòng sản phẩm nào có thể thay thế ngay tấm lợp AC nếu dừng sản xuất
sản phẩm này. Do vậy, cần xây dựng một lộ trình phù hợp để giảm dần việc
sản xuất, sử dụng và có thể tiến tới dừng sản xuất tấm lợp AC.
Theo
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam, nếu thị phần của tấm lợp AC nhỏ
thì có thể tiến hành loại bỏ ngay, tuy nhiên với con số 30% thị phần
tấm lợp nên cần nghiên cứu, xây dựng những bước đi thích hợp. Bộ Xây
dựng đã tổ chức các đoàn khảo sát, đánh giá môi trường tại một số nhà
máy đang sản xuất tấm lợp AC. Cùng với kết quả đánh giá của các nhà khoa
học, Bộ Xây dựng sẽ tổng hợp nghiên cứu trình Thủ tướng hướng đi cho
dòng sản phẩm AC với mục tiêu bảo đảm hài hòa lợi ích của các bên, ưu
tiên sức khỏe của người sử dụng. Hiện nay, nhiều
doanh nghiệp
đã đầu tư khá lớn cho công tác bảo đảm môi trường, an toàn sức khỏe
người lao động. Vì vậy, nếu dừng sản xuất cũng phải đưa ra được lộ trình
phù hợp, phải tính toán đến khả năng thay thế của các loại
vật liệu khác, phù hợp nhu cầu và sức mua của người dân...
Sản xuất tấm lợp amiăng
Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu
dùng Việt Nam Nguyễn Mạnh Hùng cho biết: Nhận thức của người sử dụng lao
động và người lao động về amiăng còn nhiều hạn chế. Hầu hết người sử
dụng lao động đều có thông tin về tính nguy hại của amiăng, song không
coi trọng việc đề phòng bụi amiăng cho người lao động khi tham gia sản
xuất. Mức độ hiểu biết về amiăng của người lao động còn rất sơ sài do
chưa được các cơ sở sản xuất có sử dụng amiăng tập huấn về các biện pháp
phòng hộ cá nhân và tác hại của nó đối với sức khỏe...
Tiến sĩ
Phạm Văn Hải, Hội Khoa học kỹ thuật An toàn vệ sinh lao động Việt Nam
cho rằng: Dù sớm hay muộn, dù muốn hay không chắc chắn Việt Nam cũng
phải theo xu thế chung của thế giới là tiến tới không sử dụng amiăng
trong sản xuất. Điều chúng ta quan tâm nhất hiện nay, đó là vấn đề sức
khỏe của người lao động và hậu quả do amiăng gây ra sau này. Chính vì
vậy, cần xây dựng, ban hành tiêu chuẩn cụ thể về trình độ, năng lực và
cấp giấy phép, chứng chỉ hành nghề cho các tổ chức, cá nhân thực hiện
các công việc chuyên môn liên quan đến AMA; thực hiện các biện pháp
phòng ngừa các bệnh có liên quan đến amiăng bằng việc lập kế hoạch về
việc loại bỏ các bệnh có liên quan đến amiăng.
Amiăng là một loại bụi khoáng chứa hợp chất si-li-cat kép ma-giê, có
dạng hình sợi, có tính cách nhiệt, cách điện và chống mòn cao. Amiăng
được sử dụng rộng rãi trong xây dựng, nhất là sản xuất tấm lợp AC, ống
dẫn nước, nồi hơi, các vật liệu cách nhiệt, cách điện... Trong khi đó,
amiăng xâm nhập vào cơ thể chủ yếu qua đường hô hấp, đường tiêu hóa và
đâm xuyên qua da gây nên một số bệnh như bệnh bụi phổi, ung thư đường hô
hấp, ung thư trung biểu mô, dày màng phổi hoặc vôi hóa màng phổi...
Theo ước tính của WHO năm 2014, gánh nặng bệnh tật toàn cầu do amiăng
lên đến 107 nghìn người chết mỗi năm; 1,5 triệu người phải sống với
khuyết tật do amiăng gây ra và chi phí cho công tác điều trị, đền bù cho
người bệnh lên đến hàng trăm tỷ USD. Với gánh nặng bệnh tật, gánh nặng
tài chính do các bệnh liên quan đến amiăng gây ra, mà cả WHO và ILO đều
khuyến nghị cấm hoàn toàn mọi dạng AMA, là cách hiệu quả nhất để loại bỏ
các bệnh liên quan.
Kết quả nghiên cứu về các bệnh liên quan đến AMA do Bộ Y tế thực hiện
giai đoạn 2009 -2011, tại sáu bệnh viện cho thấy: Trong thời gian này đã
ghi nhận 447 trường hợp người bệnh nghi ngờ liên quan đến AMA vào nhập
viện, trong đó có 46 trường hợp được chẩn đoán là ung thư trung biểu mô
màng phổi; 6/46 trường hợp có thông tin và tiền sử tiếp xúc liên quan
đến AMA. Trong 39 mẫu bệnh phẩm gửi sang Bệnh viện Hi-rô-si-ma (Nhật
Bản), có tám trường hợp được xác định là ung thư trung biểu mô (chiếm
20,51%). Kết quả nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, không chỉ những người lao
động thường xuyên tiếp xúc, hít phải bụi AMA trong quá trình nghiền,
đóng bao, vận chuyển bột AMA mà ngay cả những người sống trong môi
trường gần nơi sản xuất hoặc ở trong nhà lợp mái AC đều có nguy cơ cao
mắc bệnh ung thư. Sau hơn 40 năm nghiên cứu tất cả các loại AMA, từ năm
1972 của Cơ quan Nghiên cứu Ung thư Quốc tế (IARC) thuộc WHO có đủ bằng
chứng trên người và thực nghiệm để xếp tất cả các loại AMA vào nhóm một
là các chất gây ung thư ở người.
|