Chính phủ cần có sự vào cuộc quyết liệt hơn nữa để tạo thành một cuộc cách mạng thay đổi
thói quen trong sử dụng vật liệu xây dựng (VLXD) của người dân, sau hơn 3 năm ban hành chương trình phát triển
vật liệu xây không nung.
Không phải bây giờ chúng ta mới biết tới vật liệu xây không nung (VLXKN), mà thế hệ trước đó đã từng sử dụng để xây dựng tường rào, bếp, công trình phụ… với tên gọi gạch block hay gạch bi. Chúng được người dân sản xuất theo phương pháp thủ công với nguyên liệu chính là sỉ lò vôi, cát, đá mi, đất đồi hoặc xi măng với đá mi. Tất cả được trộn đều với nhau, đưa vào khuôn và nén bằng cách dùng lực giã hoặc ép bằng tay, sau đó đem phơi khô là dùng được. Ưu điểm của loại sản phẩm này là càng để lâu càng tốt cường độ chịu lực càng cao, thời gian thi công nhanh, nhưng kích thước chúng lại không đều nhau (do sử dụng lực tay không đều) và nặng hơn gạch nung truyền thống. Do đó, loại gạch này mới chỉ dừng lại ở những công trình nhỏ lẻ mà ít có công trình nhà ở nào sử dụng. Hoặc nếu có thì chỉ có người nghèo mới dùng nó để xây nhà vì tự mua nguyên liệu về sản xuất để tiết kiệm chi phí.
Vào những thập niên 60, 70 của thế kỷ trước, tại châu Âu và các nước phát triển ở châu Á, ngành sản xuất VLXKN đã phát triển mạnh, đến nay đã gần thay thế gạch đất sét nung. VLXKN đang chiếm thị phần ngày càng lớn do Chính phủ các quốc gia này có những chính sách hỗ trợ sớm để loại vật liệu này có thể cạnh tranh với vật liệu nung. Tại các nước phát triển, VLXKN chiếm khoảng 60% tổng VLXD, gạch đất sét nung chỉ chiếm khoảng 10 - 15%. Tại Mỹ những chương trình xây dựng xanh đang có chiều hướng tăng với tốc độ đáng kể do chính sách ưu đãi và khuyến khích của chính quyền địa phương và liên bang, có tới 1/3 các công trình xây dựng thương mại mới là các công trình xanh - công trình hoàn toàn xây dựng bởi vật liệu thân thiện với môi trường như VLXKN.
Ở Việt Nam, nhu cầu về vật liệu xây rất cao do nước ta đang trong giai đoạn phát triển. Dự báo nhu cầu năm 2020 khoảng 42 tỷ viên gạch quy chuẩn, nhưng hiện tại sản xuất VLXKN chỉ chiếm khoảng 8 - 10% tổng vật liệu xây. Để đạt được số lượng gạch trên, nếu dùng đất nung thì sẽ mất rất nhiều đất canh tác, sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến an ninh lương thực. Và phải sử dụng một lượng than hóa thạch khổng lồ, kèm theo đó là một lượng củi đốt rất lớn dẫn đến chặt phá rừng, mất cân bằng sinh thái gây ra các thảm họa của thiên tai. Nghiêm trọng hơn, khói thải của việc nung gạch còn gây ô nhiễm môi trường trầm trọng, ảnh hưởng đến sức khỏe con người, vật nuôi và cây trồng. Chính những thói quen sử dụng gạch nung đã tiếp tay “giết” chết môi trường mà hậu quả thì không thể lường trước được.
CFC - Cafeland
Ý kiến của bạn