Áp dụng cơ giới hóa để khai thác than
Từ năm 2002, mỏ than Khe Chàm đã sử dụng máy khấu com-bai kết hợp giá thủy lực di động và năm 2005 đưa vào thử nghiệm lò chợ cơ giới hóa đồng bộ sử dụng máy khấu com-bai kết hợp giàn chống tự hành. Sau đó, Công ty than Vàng Danh cũng triển khai áp dụng thử nghiệm công nghệ cơ giới hóa khai thác bằng máy com-bai khấu than và giàn chống tự hành Vinaalta. Cùng với việc cơ giới hóa trong khai thác, thời gian qua, các mỏ hầm lò cũng áp dụng cơ giới hóa đào lò bằng máy com-bai AM-45 và AM-50Z, phục vụ mở rộng diện sản xuất, cải thiện điều kiện lao động, giảm thiểu tác động xấu đến môi trường. Ngoài ra, nhiều giải pháp công nghệ chống lò tiên tiến cũng được triển khai áp dụng vào sản xuất như công nghệ chống lò bằng vì neo, neo chất dẻo cốt thép, bê-tông phun, bê-tông cốt liệu nhẹ.
Để đẩy mạnh cơ giới hóa, Vinacomin đang quyết liệt chỉ đạo các đơn vị tiếp tục áp dụng các công nghệ phù hợp với điều kiện địa chất mỏ như: giá thủy lực di động dạng khung, xích; giá XDY; cột thủy lực đơn; giảm dần công nghệ buồng, cột; đào lò lấy than; loại bỏ công nghệ lò chợ chống gỗ (trừ các lò chợ phá hỏa ban đầu). Đồng thời, tích cực hoàn thiện các công nghệ cơ giới hóa đồng bộ đã đầu tư tại Vàng Danh, Nam Mẫu, Khe Chàm, Uông Bí, Mạo Khê, hoàn thiện một số công nghệ đang áp dụng và chuẩn bị áp dụng thử nghiệm một số mô hình cơ giới hóa trong giai đoạn 2013 – 2015 như giàn chống tự hành kết hợp máy khấu áp dụng cho điều kiện vỉa dày, dốc thoải đến nghiêng tại Than Thống Nhất, Hà Lầm, Dương Huy. Công nghệ khai thác cơ giới hóa đồng bộ khấu hết chiều dày vỉa sử dụng dàn chống tự hành kết hợp với máy khấu cho điều kiện vỉa có chiều dày 2,0-3,5m, dốc thoải đến nghiêng tại Dương Huy hoặc Khe Chàm. Công nghệ khai thác cơ giới hóa đồng bộ khấu hết chiều dày vỉa sử dụng dàn chống tự hành kết hợp với máy khấu cho điều kiện vỉa dày < 2,0m, dốc thoải đến nghiêng tại Quang Hanh hoặc Nam Khe Tam …
So với đào lò thủ công, tốc độ đào lò cơ giới hóa tăng 2-3 lần, số công nhân giảm từ 1,5 - 2 lần, năng suất lao động tăng 1,5 - 2,5 lần, các chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật cao hơn hẳn lò chợ thủ công. Tuy nhiên, việc áp dụng cơ giới hóa vẫn còn nhiều khó khăn do điều kiện địa chất phức tạp, chiều dài khai thác không lớn, nước chảy vào lò chợ nhiều ảnh hưởng đến công suất khai thác cũng như hiệu quả đào lò. Các thiết bị cơ giới hóa chủ yếu được nhập khẩu từ nước ngoài cho nên chưa chủ động được về thiết bị. Mặt khác, trình độ tiếp cận kỹ thuật cao của cán bộ, công nhân còn nhiều hạn chế, dẫn đến công suất và năng suất lao động trong giai đoạn đầu áp dụng thử nghiệm chưa cao.
Để đáp ứng yêu cầu tăng sản lượng khai thác, bảo đảm phát triển bền vững ngành than, việc tiếp tục đẩy mạnh công tác cơ giới hóa khai thác và đào lò tại những khu vực có điều kiện địa chất kỹ thuật mỏ phù hợp là rất cần thiết. Trên cơ sở điều kiện địa chất và hiện trạng khai thác, cần tiếp tục triển khai lò chợ cơ giới hóa tại các đơn vị như Nam Mẫu, Khe Chàm, Vàng Danh và thực hiện nghiên cứu triển khai đưa cơ giới hóa khai thác vào một số khu vực có khả năng áp dụng tại các mỏ như: Hà Lầm, Thống Nhất, Dương Huy.
Nhà nước cần có sự đầu tư thích đáng cả về nguồn lực và cơ sở vật chất trong nghiên cứu thiết kế, nội địa hóa chế tạo các sản phẩm cơ khí và trang thiết bị cơ giới hóa. Thực hiện xã hội hóa các dự án cơ giới hóa khai thác và đào lò, tăng cường gắn kết giữa tập đoàn, đơn vị tư vấn với các doanh nghiệp khai thác hầm lò trong đầu tư và áp dụng cơ giới hóa.
Theo ximang.vn