Cá cược game - Game Thể Thao 24H

Thông báo Việc làm Hỏi đáp chuyên ngành

Sản xuất xanh

Vĩnh Phúc phát triển bền vững ngành sản xuất VLXD

18/01/2022 - 11:10 SA

Trong những năm qua, ngành sản xuất vật liệu xây dựng trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc tăng trưởng mạnh mẽ, không chỉ đáp ứng tốt nhu cầu thị trường trong và ngoài tỉnh mà còn xuất khẩu, đóng góp quan trọng cho ngân sách Nhà nước. Song để phát triển bền vững, yêu cầu đặt ra với ngành sản xuất vật liệu xây dựng thời gian tới đòi hỏi những giải pháp căn cơ, bền vững về năng lực cạnh tranh, công nghệ, khai thác, sử dụng, quản lý tài nguyên cũng như đáp ứng tốt các yêu cầu về bảo vệ môi trường.
Vĩnh Phúc là địa phương có điều kiện thuận lợi cho phát triển ngành sản xuất vật liệu xây dựng do có một số lợi thế về nguồn tài nguyên khoáng sản với 55 mỏ, điểm mỏ với một trữ lượng được các nhà khoa học dự báo còn rất lớn. Trong đó, sét gạch ngói có 17 mỏ, trữ lượng khoảng 106 triệu m³; cao lanh có 5 mỏ, trữ lượng trên 11 triệu tấn; cát, cuội sỏi xây dựng có 7 mỏ, trữ lượng khoảng 67 triệu m³...

Hiện toàn tỉnh có 67 doanh nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng và khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng, với các sản phẩm chính là sản xuất gạch đất sét nung, vật liệu xây không nung, gạch gốm ốp lát, khai thác đất san lấp, sản xuất bê tông thương phẩm, bê tông cấu kiện...

Tiêu biểu có thể kể đến Công ty TNHH Vitto, Công ty Cổ phần Prime Vĩnh Phúc; Công ty Cổ phần Công nghiệp Á Mỹ, Công ty Cổ phần Bê tông Vĩnh Phúc…

Cùng với sự phát triển của kinh tế thị trường và sự hội nhập kinh tế sâu rộng của các ngành sản xuất vật liệu xây dựng trên địa bàn tỉnh nên có nhiều sự thay đổi về công nghệ sản xuất cũng như về quy mô sản xuất, theo hướng tiên tiến, hiện đại. Nhiều nhà máy mới, hiện đại đã được đầu tư xây dựng như các nhà máy sản xuất gạch gốm ốp lát.


Công nhân Công ty Cổ phần Công nghiệp Á Mỹ, thị trấn Hoa Sơn, huyện Lập Thạch, vận hành dây chuyền sản xuất gạch gốm ốp lát.

Các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường đã được xóa bỏ như các cơ sở sản xuất gạch thủ công, thủ công liên hoàn, thay vào đó là công nghệ mới như lò tuynel di động với năng suất chất lượng cao.

Công tác bảo vệ môi trường trong sản xuất vật liệu xây dựng tại Vĩnh Phúc trong thời gian qua đã có nhiều chuyển biến tích cực trong việc cải thiện môi trường làm việc ở một số doanh nghiệp để tăng cường bảo vệ sức khoẻ cho công nhân và giảm ô nhiễm môi trường xung quanh.

Điển hình là Công ty TNHH Vitto, KCN Tam Dương II (Tam Dương). Nhờ đầu tư trang thiết bị hiện đại của Sacmi Italia, Vitto đã tạo ra bước đột phá trong công nghệ nung, tạo hình, công nghệ men, in… Nhờ đó các sản phẩm gạch ốp lát có độ tinh xảo, thẩm mỹ cao, hiệu ứng tinh tế…

Qua đó khẳng định được thương hiệu, uy tín là doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực vật liệu xây dựng. Hiện mỗi năm Vitto cung ứng ra thị trường trong nước và xuất khẩu trên 11 triệu m² gạch, doanh thu hàng năm đạt trên 1.200 tỷ đồng.

Bên cạnh sự tăng trưởng, phát triển mạnh mẽ, ngành sản xuất vật liệu xây dựng vẫn tồn tại nhiều hạn chế, yếu kém như: các hoạt động khai thác cát và sản xuất vật liệu vẫn có tác động tiêu cực không nhỏ, cần được đánh giá để có các biện pháp xử lý, hạn chế những tác động xấu đến môi trường như các cơ sở sản xuất gạch đất sét nung theo công nghệ lò hoffman, cát xây dựng...

Trình độ cơ giới hoá thấp đã gây nên tình trạng lãng phí tài nguyên. Do không làm tốt công tác phục hồi môi trường sinh thái ở những nơi đã khai thác cũng gây ảnh hưởng xấu đến môi sinh, môi trường và cảnh quan thiên nhiên trong khu vực.

Theo dự báo, nhu cầu tiêu thụ các chủng loại vật liệu xây dựng sẽ tiếp tục tăng đối với thị trường nội tỉnh, tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng tiêu thụ của từng chủng loại vật liệu xây dựng sẽ khác nhau do có sự cạnh tranh của các sản phẩm cùng loại được luân chuyển từ các tỉnh thành khác vào thị trường nội tỉnh.

Vì vậy, ngành vật liệu xây dựng trên địa bàn tỉnh sẽ phải tập trung hơn nữa vào việc nâng cao năng lực cạnh tranh, sử dụng hiệu quả tài nguyên khoáng sản, tiết kiệm nguyên nhiên liệu, năng lượng và bảo vệ môi trường hơn là chỉ tập trung vào tăng quy mô công suất như các năm trước đây.

Để phát triển bền vững ngành sản xuất vật liệu xây dựng, trong giai đoạn tiếp theo, nhất là 2021 - 2030, tỉnh ta ưu tiên đầu tư các dự án sản xuất vật liệu xây dựng mới, các dự án công suất lớn ở các vùng có điều kiện thuận lợi về phát triển công nghiệp, hạ tầng giao thông và gần thị trường tiêu thụ; các dự án đầu tư mở rộng; các dự án sản xuất vật liệu xây dựng sử dụng lượng lớn chất thải từ các ngành công nghiệp, nông nghiệp và rác thải sinh hoạt; các cơ sở chuyên chế biến nguyên liệu theo hướng tập trung, quy mô lớn.

Không đầu tư các dự án sản xuất vật liệu xây dựng ở các vùng ảnh hưởng đến an toàn hành lang đê điều, di sản văn hóa, phát triển du lịch, an ninh quốc phòng; các dự án sản xuất vật liệu xây dựng có công nghệ lạc hậu, tiêu tốn nguyên liệu, nhiên liệu, năng lượng, gây ô nhiễm môi trường.

Các dự án sản xuất vật liệu xây dựng phải được đầu tư đồng bộ hệ thống xử lý các chất thải trước khi thải ra môi trường; tăng cường kiểm soát chặt chẽ nồng độ khí thải, nồng độ bụi, chất thải rắn, nước thải ra môi trường trong quá trình sản xuất; lắp đặt hệ thống quan trắc môi trường tự động, kết nối trực tuyến với cơ quan quản lý nhà nước về môi trường đối với cơ sở sản xuất vật liệu xây dựng có nguồn phát thải khí lớn (gạch đất sét nung, gạch gốm ốp lát) và đảm bảo đáp ứng yêu cầu về môi trường theo quy định...

VLXD.org (TH/ Báo Vĩnh Phúc)
 

Ý kiến của bạn

Thương hiệu vật liệu xây dựng