Hội thảo “Xu hướng Sản xuất, sử dụng nội thất gỗ công nghiệp và những tác động đến chất lượng không khí trong nhà (IAQ)” đã diễn ra sáng 4.5, do Compact Sài Gòn (HPL Group) cùng AICA Kogyo, Homag và Jowat đồng tổ chức tại TP.HCM. Những tham luận của các diễn giả tại hội thảo đã hướng mạnh đến xu hướng và lợi ích của “vật liệu xanh” trong cuộc sống hiện nay.
Khái niệm “vật liệu xanh” đã được nhắc đến nhiều tại Việt Nam và được ứng dụng bước đầu. Tuy nhiên, để các sản phẩm này có thể được triển khai rộng rãi và đi vào cuộc sống thì cần phải nắm vững công nghệ sản xuất và xây dựng hệ thống tiêu chuẩn dành cho loại vật liệu này.
Vật liệu xanh với nhiều ưu điểm thiết thực cho môi trường: tiết kiệm năng lượng, có khả năng tái chế, tái sử dụng và giảm thải tác động xấu đến môi trường. Vật liệu bề mặt gỗ công nghiệp ngày càng được sử dụng rộng rãi trong các thiết kế của các Kiến trúc sư, đáp ứng nhu cầu sử dụng ngày càng cao của các cư dân đô thị.
Nồng độ formaldehyde, VOCs trong nội thất ảnh hưởng đến phổi và các cơ quan hô hấp, hệ thần kinh, làm yếu cơ, tác động trực tiếp đến phổi và gan. Với xu hướng sử dụng gỗ công nghiệp trên thế giới ngày càng tăng, con người càng phải chú ý hơn đến tác động của hóa chất trong sản phẩm nội thất đến cơ thể người, thông qua áp dụng các tiêu chuẩn kiểm soát.
Ông Yoshihisa Kato – Tổng giám đốc Công ty TNHH AICA Laminate Việt Nam, trình bày: "Trên thế giới có nhiều bộ tiêu chuẩn khác nhau. Với Việt Nam, tiêu chuẩn cốt gỗ nên đạt tối thiểu là E2 và vật liệu bề mặt phải đạt trên E0. Cho dù có nhiều DN Việt Nam có đủ năng lực sản xuất ván đạt chuẩn E0, nhưng thực tế thị trường nội địa vẫn chưa có nhu cầu sử dụng loại ván này, giá thành lại cao. Thực sự rất cần có vai trò lớn của Nhà nước, hiệp hội, truyền thông để tạo ra các chính sách bảo vệ người tiêu dùng thông qua các bộ tiêu chuẩn cho gỗ công nghiệp”.
Ông Phạm Văn Lương- Chủ tịch HPL Group cũng cho rằng: “Với các cơ sở sản xuất nhỏ chủ yếu phục vụ thị trường nội địa, chất lượng cốt gỗ của ván công nghiệp rất khó kiểm soát. Lâu nay vẫn có sự nhầm lẫn rằng cốt gỗ tốt là được. Thực ra, bề mặt vật liệu (laminates, malamine, veneer hoặc bề mặt sơn) khi dán cạnh 360 độ, lại trực tiếp tác động và quyết định đến hóa lý, độ sạch không khí trong nhà và sức khỏe của người dùng”.
Cùng với tiêu chuẩn về tác động khí thải trong sử dụng vật liệu nội thất, tiêu chuẩn về chống cháy và khí thải độc hại phát ra khi xảy ra cháy cũng được thảo luận nhiều tại hội thảo này. Trong các vụ hỏa hoạn, lý do gây tử vong nhiều nhất là hít phải khí độc. Vì vậy, xu hướng mà ngành nội thất cần hướng đến là cung cấp vật liệu, sản xuất và khuyến khích tiêu dùng các sản phẩm thân thiện với môi trường, sức khỏe con người.
VLXD.org (TH)
Ý kiến của bạn