Vừa qua, tại Ninh Bình, đã diễn ra Hội thảo về “Xu hướng vật liệu nhẹ trong xây dựng 2022” do nhãn hàng ngói thép và kèo nhẹ Eratek tổ chức. Hội thảo là sự kiện mang tính tiên phong trong việc khắc họa rõ nét về xu hướng vật liệu nhẹ trong nước tính đến thời điểm hiện nay.
Hội thảo có sự tham gia của hơn 100 khách mời là các chuyên gia trong lĩnh vực xây dựng, các kiến trúc sư, kỹ sư, nhà thầu cũng như các đơn vị kinh doanh trong lĩnh vực xây dựng tại Ninh Bình và khu vực lân cận. Tại Hội thảo, các chuyên gia đã có những chia sẻ cũng như thảo luận về xu hướng thị trường vật liệu nhẹ trong nước so với thế giới, từ đó đánh giá những cơ hội cũng như thách thức dành cho thị trường vật liệu nhẹ trong nước trong thời gian tới.
Trong bối cảnh các vật liệu tự nhiên ngày càng cạn kiệt do nhu cầu khai thác tối đa của con người, ngành xây dựng tại Việt Nam đã bắt đầu xuất hiện xu hướng sử dụng các vật liệu xây dựng siêu nhẹ nhằm giảm thiểu những tác động tiêu cực đối với môi trường, phù hợp với xu hướng sống “Xanh” của người tiêu dùng. Điều này tạo cơ hội cho các loại vật liệu thân thiện môi trường, tiết kiệm năng lượng. Nổi bật trong đó là các vật liệu siêu nhẹ như: bê tông nhẹ, khung giàn (kèo) nhẹ, vách thạch cao nhẹ, gạch nhẹ, ngói nhẹ, tấm lợp nhẹ… Ưu điểm của vật liệu nhẹ là sử dụng năng lượng ít hơn, độ bền tốt hơn trong khi khả năng chịu lực tương đương hoặc tốt hơn vật liệu truyền thống. Vật liệu siêu nhẹ còn có thể phản ứng nhanh hơn với những thay đổi về nhiệt độ, có khả năng làm mát nhanh ở những vùng khí hậu nóng. Vật liệu nhẹ cũng giúp giải bài toán kinh tế vì tốn ít chi phí hơn.
Khách mời trải nghiệm thực tế về hệ giàn mái nhà làm từ thép nhẹ Eratruss.
Về phía chính sách, hiện đã có nhiều Nghị định nhằm khuyến khích phát triển các loại vật liệu thân thiện môi trường. Theo đó, Nhà nước khuyến khích và tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân nghiên cứu phát triển, ứng dụng khoa học và công nghệ, đầu tư sản xuất vật liệu xây dựng tiết kiệm tài nguyên khoáng sản, tiết kiệm năng lượng, thân thiện với môi trường; đồng thời có chính sách ưu đãi và hỗ trợ đầu tư. Như Thông tư 13, Quy định về sử dụng vật liệu không nung trong xây dựng, và Quyết định số 2171 về phê duyệt chương trình phát triển vật liệu không nung tại Việt Nam đến năm 2030.
Các chuyên gia và khách mời của “Hội thảo Xu hướng vật liệu nhẹ trong xây dựng 2022” đều thống nhất với nhận định: Bối cảnh thị trường Việt Nam còn rất nhiều dư địa cho vật liệu nhẹ, lợi ích kinh tế và môi trường mà dòng sản phẩm này mang lại kết hợp với những chính sách khuyến khích phát triển của nhà nước đang tạo ra rất nhiều cơ hội để phát triển. Tuy nhiên bên cạnh đó cũng tồn tại những thách thức như việc áp dụng công nghệ - kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất vật liệu xây dựng nhẹ, thói quen người tiêu dùng hay trình độ thi công của thầu thợ. Hội thảo do Eratek tổ chức tại Ninh Bình ngày 8/4 đã khắc họa được toàn cảnh thị trường, các cơ hội và thách thức với vật liệu nhẹ trong xây dựng, đồng thời gợi mở được hướng đầu tư phát triển kinh doanh thành công vật liệu nhẹ dành cho các đại lý cung cấp vật liệu xây dựng.
Chia sẻ tại Hội thảo, ông Đinh Công Tuấn, Giám đốc Kinh doanh toàn quốc nhãn hàng Eratek cho biết: “Với kinh nghiệm là đơn vị tiên phong phát triển thị trường Việt Nam về ngói thép và kèo nhẹ, Eratek dự đoán trong 5 năm tới tỷ trọng vật liệu nhẹ trong xây dựng sẽ tăng đáng kể. Bên cạnh những lợi ích mà vật liệu nhẹ mang đến cho người sử dụng như thi công nhanh hơn, bền hơn, kinh tế hơn, phản ứng với khí hậu tốt hơn… vật liệu nhẹ còn là sản phẩm thân thiện môi trường, được khách hàng rất ưa chuộng. Là một đơn vị tiên phong phát triển vật liệu nhẹ trong nước, Eratek luôn linh hoạt trong việc nắm bắt xu thế phát triển của thị trường, và đang chuẩn bị tiếp tục ra mắt thị trường thêm các dòng vật liệu nhẹ mới”.
VLXD.org (TH/ Xây dựng)
Ý kiến của bạn