Theo Quyền Giám đốc Sở Xây dựng Long An - Nguyễn Minh Hùng, trên địa bàn tỉnh, việc triển khai sử dụng vật liệu xây không nung (VLXKN) theo Thông tư số 13/2017/TT-BXD, ngày 08/12/2017 của Bộ Xây dựng đã đạt những kết quả đáng ghi nhận.
Hiện, có 10 địa phương và nhiều cơ quan Nhà nước sử dụng loại vật liệu này. Tuy nhiên, một số huyện còn thận trọng, chưa sử dụng hoặc sử dụng VLXKN với số lượng công trình ít. Trong quá trình sử dụng VLXKN còn tồn tại những khó khăn, vướng mắc, ảnh hưởng đến chất lượng công trình và dư luận của người dân địa phương.
Hội thảo này nhằm báo cáo kết quả thực hiện khảo sát điều tra, thống kê, thí nghiệm chất lượng gạch không nung, khảo sát bên trong khối xây tại công trình để xác định các tồn tại và đề xuất giải pháp khắc phục.
Đại biểu xem sản phẩm vật liệu xây không nung tại hội thảo.
Việc sản xuất VLXKN trên địa bàn tỉnh Long An hiện chỉ có gạch bê tông chưng áp AAC, panel AAC, panel Acotec và số lượng rất ít gạch bê tông. Gạch panel AAC sản xuất tại Long An chủ yếu dành cho xuất khẩu. Gạch panel Acotec chỉ sản xuất phục vụ cho xây nhà cao tầng tại TP.HCM.
Như vậy, lượng gạch ACC còn lại rất ít được sử dụng tại Long An. Nhìn chung, các loại VLXKN nhập về tỉnh chưa được kiểm định, đánh giá chất lượng thường xuyên cho mỗi công trình. Các loại vật liệu phụ không đủ chủng loại và số lượng, không đáp ứng đầy đủ tại các công trình ở các huyện, thị, nhất là các địa bàn xa TP.Tân An.
Chính những lý do trên, người dân chưa mạnh dạn sử dụng VLXKN cho công trình xây dựng của gia đình. Theo lãnh đạo một số địa phương, người dân lo lắng về quy trình, cách áp dụng đúng kỹ thuật mà nhà phân phối hướng dẫn. Việc vận chuyển loại VLXKN này đến các huyện vùng Đồng Tháp Mười của tỉnh khá xa nên chi phí, giá thành cao. Bên cạnh đó, một vài công trình xuất hiện vết rạn, nứt,... gây tâm lý lo lắng cho người sử dụng.
Để tăng cường mức độ sử dụng VLXKN trên toàn tỉnh, cần phải có sự đánh giá toàn diện về hiện trạng sản xuất và sử dụng VLXKN thời gian qua. Từ đó, xây dựng các định hướng phát triển cho thời gian tới sao cho phù hợp với hoàn cảnh kinh tế - xã hội cụ thể của Long An.
Ngày 04/9/2018, UBND tỉnh Long An ban hành Quyết định số 3061/QĐ-UBND về việc phê duyệt đề cương, dự toán “Khảo sát, đánh giá và đề xuất giải pháp phù hợp sử dụng vật liệu xây dựng bằng công nghệ không nung trên địa bàn tỉnh Long An”. Trong đó, giao Sở Xây dựng làm chủ đầu tư, đơn vị chủ trì thực hiện tư vấn là Hội Bê tông Việt Nam, đơn vị phối hợp thực hiện tư vấn là Trung tâm Giám định Chất lượng Xây dựng.
Hội Bê tông Việt Nam đã thực hiện 2 đợt khảo sát, kiểm tra thực tế khối xây tại công trình và tổng hợp, phân tích, đánh giá kết quả điều tra thống kê. Qua đánh giá chung, có nhiều nguyên nhân dẫn đến xảy ra tình trạng rạn nứt tại các công trình có sử dụng VLXKN, trong đó, có nguyên nhân các thiết kế, thiết kế thi công chưa xác định loại, chủng loại gạch không nung, mác vữa một cách thuyết phục, chưa thiết kế cấu tạo tường xây, chưa có chỉ dẫn kỹ thuật cho mỗi loại VLXKN.
Tại hội thảo, Hội Bê tông Việt Nam nhận xét, Long An cần khuyến khích sử dụng VLXKN theo hướng công nghiệp hóa trong xây dựng, trong đó, cần tập trung vào khối doanh nghiệp khi xây dựng nhà ở tại các khu đô thị, nhà công nghiệp tại các khu công nghiệp theo hướng tự nguyện áp dụng. Trong quá trình xây dựng cần chọn lựa và sử dụng VLXKN vào các bộ phận công trình, nắm rõ chỉ dẫn thiết kế, thi công nghiệm thu, định mức, đơn giá cho mỗi loại tường xây bằng cách VLXKN khác nhau. Đồng thời, quá trình xây dựng cần nắm rõ trình tự thi công nghiệm thu, hiểu biết các nguyên nhân gây nứt rạn, thấm khối và biết giải pháp khắc phục, phòng ngừa.
Hội thảo còn có sự tham gia trưng bày và giới thiệu sản phẩm của các cơ sở sản xuất VLXKN.
VLXD.org (TH/ Báo Long An)