Báo cáo đề dẫn tại Hội thảo nhấn mạnh, rác thải là hiểm họa đối với môi trường sống, đến biến đổi khí hậu toàn cầu, là thách thức trực tiếp đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước nói chung, Thanh Hóa nói riêng. Tuy nhiên, việc thu gom, phân loại, xử lý rác thải trên địa bàn, nhất là việc phân loại, xử lý vẫn là phương thức tạm thời, thiếu tính bền vững, cần thiết phải nhìn nhận, nghiên cứu để tìm phương pháp lâu dài, hiệu quả.
Theo số liệu thống kê năm 2019 của Văn phòng Tỉnh ủy Thanh Hóa, lượng rác thải thu gom trên địa bàn toàn tỉnh khoảng 80.300 tấn/năm. Dự báo đến năm 2025 lượng rác thải trên địa bàn toàn tỉnh Thanh Hóa thải ra môi trường là là 2,999 triệu tấn/năm, đến năm 2030 là 3,463 triệu tấn/năm, đến năm 2050 khoảng 3,587 tấn/năm.
Về tình hình xử lý rác thải sinh hoạt hiện nay, theo phương pháp chôn lấp chiếm đến 69,4%, đốt ở các lò nhỏ đạt 27,27%, tái chế được 3,33%...
Việc chôn lắp rác thải là chủ yếu dẫn đến tình trạng ô nhiễm nặng nề về không khí, nhất là sinh ra nhiều khí metan, khí độc phá hủy tầng ozon, tạo nên hệ sinh thái ruồi muỗi, côn trùng… Bên cạnh đó, diện tích chôn lấp ngày càng mở rộng gây tốn kém và lãng phí tài nguyên đất đai và là nguyên nhân gây bức xúc với cộng đông dân cư trong khu vực.
Sử dụng chất thải làm nhiên liệu thay thế trong các lĩnh vực sản xuất công nghiệp đang được xem là giải pháp mũi nhọn, bền vững. Trong đó, phương pháp đồng xử lý chất thải trong ngành công nghiệp xi măng là giải pháp có nhiều ưu thế do tận dụng được các lò đốt ở nhiệt độ cao trong dây chuyền sản xuất, cho phép đốt được hầu hết các loại chất thải khác nhau, tỷ lệ thu hồi nhiệt cao và không đòi hỏi cao về việc phân loại thành phần rác, không để lại tro xỉ, an toàn với môi trường…
Tại hội thảo, các chuyên gia, đại diện doanh nghiệp đã tập trung làm rõ các vấn đề về liên quan đến chương trình đồng xử lý chất thải làm nguyên, nhiên vật liệu thay thế trong sản xuất xi măng; thực trạng công tác xử lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn tỉnh; khung chính sách hỗ trợ chất thải rắn trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa; thực trạng và hiệu quả các mô hình xử lý chất thải rắn tại một số địa phương trong tỉnh; đánh giá hiệu quả các mô hình xử lý chất thải rắn tại vùng nông thôn...
Các ý kiến tham luận tại hội thảo, là cơ sở để Hội các ngành Sinh học - Hóa học làm căn cứ trình Tỉnh ủy, UBND tỉnh cho phép xây dựng Đề án tổng thể “Phân loại, đồng xử lý rác thải trong sản xuất xi măng trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa” và Dự án thử nghiệm “Phân loại, đồng xử lý rác thải trong sản xuất xi măng tại một huyện trong tỉnh”.
VLXD.org (TH/ Báo Thanh Hóa)