Tái cấu trúc, xi măng Cẩm Phả sẽ có lãi trong 2014?
Ngày 24/10/2013, Tổng công ty XNK và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex) đã ký hợp đồng bán 70% vốn cổ phần của Xi măng Cẩm Phả cho Tập đoàn Viễn thông quân đội (Viettel). Theo đó, với thương vụ này, Vinaconex sẽ giải phóng được áp lực tài chính, đồng thời mở ra hướng đi mới cho Xi măng Cẩm Phả.
Trung tướng Hoàng Anh Xuân TGĐ Tập đoàn Viettel và Ông Vũ Quý Hà - TGĐ Tổng CTy CP XNK & Xây dựng Việt Nam (Vinaconex) trong lễ ký kết hợp đồng chuyển nhượng cổ phần Công ty CP Xi măng Cẩm Phả giữa Tập đoàn Viettel và Tổng Cty CP XNK & Xây Dựng Việt Nam (Vinaconex)
Việc tái cấu trúc công ty CP Xi măng Cẩm phả được đánh giá là một hướng đi mới hiệu quả, giúp giảm mạnh sức ép lãi vay ngân hàng của công ty dẫn đến việc giảm chi phí tài chính, qua đó giúp giảm lỗ đáng kể, kinh doanh sẽ có lãi trong năm 2014 và các năm tiếp theo.
Mặt khác, việc Tập đoàn Viettel quyết định mua lại cổ phần của Xi măng Cẩm Phả cũng có những nguyên nhân liên quan đến vị trí Nhà máy nằm phía Đông Bắc của Tổ Quốc ảnh hưởng đến chiến lược an ninh Quốc gia. Đặc biệt là việc lãnh đạo Viettel không muốn để các tập đoàn nước ngoài thâu tóm doanh nghiệp Việt Nam và khai thác trực tiếp tài nguyên, thiên nhiên của đất nước.
Theo nhận định của chủ đầu tư mới (Tập đoàn Viettel), Xi măng Cẩm Phả có khó khăn nhưng cũng có những lợi thế nhất định. Là một nhà máy với hệ thống cảng biển quốc tế đồng bộ, khép kín thuận tiện trong việc xuất, nhập hàng hóa bằng đường thủy không phải mất chi phí chuyển tải trong xuất khẩu, gần nguồn cung cấp than và đá vôi - lợi thế mà không phải nhà máy xi măng nào tại Việt Nam cũng có được.
Cùng với những ưu thế đó, Xi măng Cẩm Phả cũng tồn tại những hạn chế nhất định. Nhà máy chỉ có 2 silô chứa xi măng nên mới chỉ dừng lại ở việc đưa ra 2 dòng sản phẩm PCB 40, PCB 50 cung cấp cho thị trường. Việc Nhà máy chưa có cửa xuất xi măng rời (xi măng xá) đường thủy trực tiếp ra các tàu xuất khẩu chuyên dụng từ 15 - 20.000 tấn, nên chưa phát huy được hết công suất.
Mở rộng sản xuất bằng nguồn vốn mới
Với nguồn vốn đầu tư từ Viettel và việc kinh doanh có lãi (dự kiến từ năm 2014) sẽ giúp công ty CP Xi măng Cẩm Phả có điều kiện để mở rộng SXKD. Đây được coi là bước đột phá mới của Xi măng Cẩm Phả trong hoạt động sản xuất kinh doanh.
Viettel sẽ đầu tư nâng cấp Nhà máy, khắc phục những tồn tại vừa nêu, đặc biệt là nâng cấp cầu cảng tại Nhà máy để có thể tiếp nhận tàu lớn hơn, bổ sung máy đóng bao cho Nhà máy chính, xây mới thêm silô chứa xi măng nhằm đa dạng hóa sản phẩm, để đáp ứng nhu cầu của thị trường như: Xi măng OPC, PC, PCB30, PCB40, Xi măng sỉ, Xi măng bền sunfat.....
Đại tá Đỗ Ngọc Cường Giám đốc Cty TNHH Một Cá cược game
Thương mại và XNK Viettel và ông Hoàng Xuân Vịnh - TGĐ Công ty CP Xi măng Cẩm Phả trong lễ ký kết hợp đồng chuyển nhượng cổ phần Công ty CP Xi măng Cẩm Phả giữa Tập đoàn Viettel và Tổng Cty CP XNK & Xây Dựng Việt Nam (Vinaconex)
Với thế mạnh của việc đầu tư mở rộng sản xuất, công suất sẽ được phát huy tối đa. Năm 2014 kế hoạch sản lượng tiêu thụ 1,8 - 1,9 triệu tấn xi măng/ 2,3 triệu tấn/ công suất, tăng trưởng 30% so với năm 2013, mặc dù năm 2013 tăng 15% so với năm 2012.
Trong khi nhiều nhà máy xi măng đang phải đau đầu với bài toán đẩy mạnh tiêu thụ do nhu cầu xi măng trong nước giảm mạnh, lượng cung vượt quá cầu, nhưng sản phẩm của xi măng Cẩm Phả sản xuất đến đâu tiêu thụ hết đến đó, không để tồn kho.
Theo nhận định của nhiều chuyên gia, trong bối cảnh thị trường xi măng cung vượt cầu như hiện nay, việc xuất khẩu xi măng và clinker là rất cần thiết để các nhà máy duy trì sản xuất, giảm áp lực cung trong thị trường nội địa thu hàng chục triệu USD về cho đất nước.
Vì vậy, cùng với thế mạnh về chất lượng sản phẩm, dây chuyền thiết bị công nghệ hiện đại…việc một “mạnh thường quân” như Viettel đầu tư vốn mở rộng SXKD sẽ là tiền đề vững chắc để Xi măng Cẩm Phả có bước phát triển mạnh hơn nữa, không chỉ tại thị trường trong nước mà còn giúp doanh nghiệp vững vàng vươn ra biển lớn.
Theo Vietnamnet