Bãi thải Gyps của DAP Đình Vũ nằm sát QL5.
Gia tăng áp lực môi trườngTheo chiến lược phát triển ngành điện, chiến lược phát triển các ngành sản xuất công nghiệp sử dụng than, sản xuất hóa chất phân bón thì năm 2020 nước ta sử dụng khoảng 67,36 triệu tấn than cho nhiệt điện, hàng chục triệu tấn than cho ngành sản xuất thép và công nghiệp khác đồng thời thải gần 50 triệu tấn tro, xỉ, thạch cao ra môi trường.
Con số này ngày càng cao ở các năm tiếp theo, tạo ra các thách thức to lớn về sức ép môi trường, về nhu cầu diện tích đất là bãi chứa chất thải.
Ước tính từ năm 2020 trở đi, mỗi năm cả nước cần khoảng 3.000ha đất để làm VLXD và làm bãi chứa, tạo ra các thách thức đối với sự phát triển bền vững của các ngành công nghiệp phát thải ra tro, xỉ, thạch cao và toàn xã hội, nhất là các địa phương có các cơ sở sản xuất công nghiệp này.
Trong khi đó, các nhà máy sản xuất xi măng, VLXD, các công trình xây dựng đường giao thông, thủy lợi, nông thôn lại đang có nhu cầu rất lớn về sử dụng thạch cao, tro, xỉ và hoàn toàn có thể tiêu thụ hết số thạch cao, tro, xỉ, được xử lý từ sản xuất điện, phân bón hóa chất và các ngành khác trong nước thay cho lượng thạch cao hiện vẫn phải nhập khẩu và một phần lượng khoáng sản phải khai thác, khắc phục được vấn đề môi trường, diện tích đất làm bãi thải và giải quyết được nhu cầu nguyên liệu làm xi măng và VLXD. Đây là những vấn đề lớn của đất nước, của Đảng và Chính phủ.
Để giải quyết các vấn đề này, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định 1696/QĐ-TTg ngày 23/9/2014 về một số giải pháp xử lý tro, xỉ, thạch cao của các nhà máy nhiệt điện, nhà máy phân bón hóa chất để sản xuất VLXD. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng cho các giải pháp, tổ chức thực hiện xử lý để sử dụng nguồn phế thải này làm nguyên liệu sản xuất VLXD.
Nước ta sẽ không phải sử dụng hàng ngàn héc ta đất làm diện tích chứa thải, giảm khai thác hàng chục triệu tấn khoáng sản để làm nguyên liệu cho các ngành sản xuất VLXD mỗi năm và tiết kiệm được nguồn kinh phí lớn do không phải xử lý các tác động của khối chất thải này đối với môi trường và cộng đồng, tạo điều kiện để các ngành sản xuất điện, phân bón, thép và sản xuất VLXD phát triển bền vững, thân thiện với môi trường.
Các nước phát triển trên thế giới và khu vực đã rất thành công trong việc xử lý, sử dụng thạch cao, tro, xỉ từ sản xuất điện, sản xuất hóa chất làm nguyên liệu sản xuất VLXD, đạt được mục tiêu nâng cao hiệu quả sản xuất điện, sản xuất hóa chất và tiết kiệm tài nguyên, bảo vệ môi trường.
Nhân rộng mô hình xử lý bã thạch caoChủ động, quyết liệt thực hiện nhiệm vụ Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Xây dựng tại Quyết định 1696/QĐ-TTg, Bộ Xây dựng đã chỉ đạo các đơn vị chuyên môn rà soát, bổ sung đầy đủ các tiêu chuẩn kỹ thuật, quy chuẩn kỹ thuật đối với tro, xỉ, thạch cao để làm nguyên liệu sản xuất VLXD; nghiên cứu ban hành các văn bản hướng dẫn xử lý, sử dụng, khuyến khích các DN, nhà đầu tư tập trung nghiên cứu, đầu tư công nghệ xử lý, sử dụng tro, xỉ, thạch cao, góp phần phát triển ngành điện, hóa chất phân bón, ngành sản xuất VLXD bền vững, bảo vệ môi trường.
Theo ông Lê Thế Ngọc, Phó vụ trưởng Vụ Vật liệu xây dựng (Bộ Xây dựng), ngày 23/4 vừa qua, Bộ Xây dựng đã thành lập đoàn công tác cùng đại diện các Bộ, ngành liên quan và UBND TP Hải Phòng tiến hành kiểm tra việc xử lý bã thạch cao từ nhà máy phân bón hóa chất Đình Vũ của Cty CP Thạch cao Đình Vũ, đưa ra các giải pháp hữu hiệu xử lý giải quyết triệt để gần 4 triệu tấn đang tồn và hơn 600.000 tấn bã thạch cao thải ra hàng năm từ sản xuất phân bón DAP của nhà máy để làm thạch cao thương phẩm dùng làm nguyên liệu sản xuất xi măng và VLXD. Kết quả làm việc đã được báo cáo Thủ tướng Chính phủ tại Công văn số 973/BXD-VLXD.
Hy vọng trong thời gian tới, mô hình xử lý bã thải thạch cao của nhà máy DAP Đình Vũ sẽ là điển hình để nhân rộng ra các nhà máy sản xuất điện, phân bón hóa chất, thép và các ngành công nghiệp khác trên cả nước.
Ở Việt Nam, nhiều tổ chức, cá nhân sản xuất điện, sản xuất hóa chất, VLXD, các cơ sở nghiên cứu đã có nhiều nghiên cứu xử lý, sử dụng thạch cao, tro, xỉ để làm nguyên liệu sản xuất xi măng, làm các loại bê tông, làm nền móng, kè, đập rất hiệu quả, thay thế một phần tài nguyên đất, giảm áp lực diện tích đất làm bãi chứa và bảo vệ môi trường. Tuy nhiên những nghiên cứu này mới chỉ mang tính tự phát.
Bên cạnh đó lại có những tổ chức, cá nhân còn xin nhập tro, xỉ để sản xuất VLXD. Các tổ chức, cá nhân đầu tư, sản xuất điện, sản xuất thép, sản xuất hóa chất, các cơ sở sản xuất công nghiệp có thải ra tro, xỉ, thạch cao và các cơ sở sản xuất VLXD đang rất cần cơ sở pháp lý để việc xử lý, sử dụng thạch cao, tro, xỉ làm vật liệu xây dựng là hợp pháp và có định hướng phát triển bền vững.
Theo Báo Xây Dựng