* Vậy còn với các doanh nghiệp (DN) thì sao, thưa ông?
- Đối với DN thì căn cứ vào các danh mục Bộ Xây dựng đã công bố, các NH đang tích cực xem xét, thẩm định để đăng ký với Ngân hàng Nhà nước (NHNN). Hiện nay đã có 2 DN được NHNN xác nhận và 1 DN đã được giải ngân. NHNN hiện đã xác nhận đăng ký của BIDV được ký hợp đồng tín dụng với 2 khách hàng trong khuôn khổ gói tín dụng này và BIDV đã giải ngân cho 1 khách hàng với số tiền là 34,3 tỉ đồng. Như vậy, đến 29.7.2013, tổng số tiền các NH đã giải ngân cho khách hàng cả cá nhân và DN là 56,6 tỉ đồng và càng về sau thì sẽ cho vay càng nhiều hơn.
* Tốc độ triển khai như vậy là chưa đáp ứng được nhu cầu, nguyện vọng của người dân, cũng như chỉ đạo của Chính phủ. Nguyên nhân do thiếu tiền hay vướng thủ tục, thưa ông?
- Nguyên nhân thì có nhiều, trước hết là sự mất cân đối cung - cầu về nhà ở xã hội, nhà ở thương mại đáp ứng được các điều kiện của Nghị quyết 02. Cụ thể, do hàng tồn kho lớn ở các phân khúc nhà ở cao cấp, nhà ở diện tích lớn trong khi nhà ở xã hội thì còn ít, không đáp ứng được nhu cầu rất lớn của người dân và phần lớn giờ mới khởi công. Còn về thủ tục, theo phản ánh của các NH thì vướng nhất bây giờ là việc xác nhận việc cư trú và thực trạng về nhà ở theo quy định của Bộ Xây dựng tại Thông tư 07, có nơi UBND xã, phường xác nhận, có nơi thì không xác nhận. NHNN khẳng định không có chuyện thiếu tiền để giải ngân cho người dân vay theo chương trình.
* Tại sao ngay khi chuẩn bị các bộ, ngành không dự tính trước khó khăn này. Người dân đến gõ cửa NH, điều kiện đầu tiên là phải có hợp đồng mua nhà trong khi ký hợp đồng rồi nhưng lại không vay được... quy định như vậy có gây khó khăn cho khách hàng không?
- Đây là một chương trình cho vay hỗ trợ, người vay phải hoàn trả vốn (gốc và lãi) cho NH. Vì vậy, trước khi quyết định việc mua nhà để được hưởng chính sách này thì người dân phải tính toán phương án tài chính của mình. Bảo đảm ít nhất là có thu nhập để trả nợ từng kỳ hạn. Những người có thu nhập quá thấp, không thể trả nợ thì có thể tham gia vào các chương trình khác (ví dụ như chương trình hỗ trợ nhà ở cho người nghèo ở nông thôn), không nên cố tham gia vay vì khi không trả được nợ sẽ khó khăn cho bản thân người mua nhà và cho cả NH (nợ xấu).
Khách hàng phải ký hợp đồng mua nhà thì mới được NH ký hợp đồng cho vay. Tuy nhiên, NHNN yêu cầu các NH có thể có những nghiệp vụ linh hoạt để tạo điều kiện cho người vay mua nhà. Ví dụ nếu thẩm định thấy khách hàng đủ điều kiện vay nhưng chưa ký được hợp đồng với chủ đầu tư thì NH có thể phát hành thư công tác gửi cho chủ đầu tư để tạo điều kiện cho người mua và lòng tin cho chủ đầu tư để ký hợp đồng mua nhà.
* Dư luận lo ngại, NH chỉ thích cho DN vay vì ít rủi ro, trong khi cho vay cá nhân nhiều thủ tục, sai đối tượng phải chịu trách nhiệm lớn. NHNN có giải pháp gì để đảm bảo các NH cho vay đúng quy định 70% tổng dư nợ cho khách hàng cá nhân?
Thông tư 11 của NHNN quy định các biện pháp quản lý hữu hiệu tỷ lệ tối đa 30% cho DN trong toàn bộ chương trình. Tuy nhiên, trong giai đoạn đầu vì cần bổ sung “hàng hóa” cho phân khúc nhà ở xã hội, nhà ở thương mại có diện tích nhỏ, giá thấp thì có thể dư nợ cho vay DN tăng nhanh hơn nhưng sau đó sẽ bị kiểm soát theo đúng tỷ lệ: 70% cho cá nhân và 30% cho DN.
"2 tháng giải ngân 11 tỉ là nhanh" Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam đánh giá, sau gần 2 tháng triển khai gói 30.000 tỉ đồng đã giải ngân 11 tỉ đồng cho 56 khách hàng cá nhân là nhanh. Một số ý kiến phản ánh mức giải ngân như vậy là chậm nhưng phải ký hợp đồng mua nhà mới được vay. Mà muốn có hợp đồng thì phải có dự án mở bán, nên việc giải ngân được là nỗ lực lớn của các NH và DN cung ứng nhà. Thứ trưởng Nam thông tin thêm, chiều 31.7, Bộ Xây dựng đã xem xét đề xuất thêm 28 dự án chuyển sang các NH chờ thẩm định cho vay. Trong đó, chủ yếu là các dự án của công ty tư nhân ở các tỉnh: Hà Nội, TP.HCM, Bạc Liêu, Hậu Giang, Cần Thơ, Khánh Hòa, Vĩnh Phúc... |
Theo: cafeland