>> Những ngôi nhà tre Việt Nam khiến thế giới phải trầm trồ
>> Công trình Nhà trẻ xanh của Võ Trọng Nghĩa đạt giải Zumtobel Group Award 2017
Hơn 10 năm về trước, bãi đá lộ đầu của xã vùng cao Cúc Phương đến cây cỏ cũng không mọc được, người dân bỏ hoang bao đời nay. Xác định đây là diện tích lớn không thể sử dụng canh tác nông nghiệp nhưng lại có lợi thế về du lịch được thụ hưởng từ nguồn tài nguyên, văn hóa như Vườn Quốc gia Cúc Phương, nguồn nước khoáng ngầm cộng với văn hóa bản địa của người Mường cổ, huyện Nho Quan đã quy hoạch khu vực này để thu hút đầu tư phát triển du lịch.
Là người con quê hương Ninh Bình có kinh nghiệm kinh doanh trong lĩnh vực du lịch, ông Lê Quốc Thịnh, Giám đốc Công ty cổ phần dịch vụ du lịch Cúc Phương đã trăn trở rồi quyết tâm chọn bãi đá lộ đầu - nơi có phong cảnh gần gũi với thiên nhiên hoang sơ, nơi cội nguồn văn hóa để xây dựng khu du lịch nghỉ dưỡng.
Khu du lịch nghỉ dưỡng Venada Resort Cúc Phương.
Ý định ban đầu của ông Thịnh là xây tổ hợp khách sạn với thiết kế hiện đại nhưng khi tìm về với Cúc Phương, ông lại bỏ ý tưởng đó vì sợ sẽ phá vỡ không gian nơi đây.
Nung nấu 5 năm, ông quyết định tìm đến kiến trúc sư Võ Trọng Nghĩa vốn nổi tiếng với những công trình kiến trúc mang hơi thở từ thiên nhiên để được thỏa mãn mong muốn của mình là tạo nên khu nghỉ dưỡng với kiến trúc xanh gần gũi thiên nhiên.
Đây cũng là lý do ra đời dự án Khu du lịch nghỉ dưỡng Vedana Resort. Khu nghỉ dưỡng như một điểm nhấn giữa mênh mông đại ngàn của rừng nguyên sinh Cúc Phương.
Ông Thịnh đã chọn vật liệu bằng tre để xây dựng phần lớn khu du lịch nghỉ dưỡng Venada Resort Cúc Phương. Bởi cây tre đối với người miền Bắc Việt Nam có ý nghĩa rất lớn, được sử dụng làm nhà ở, nhà hàng, khách sạn tạo ra một thẩm mỹ khác biệt.
Công trình hoàn toàn bằng tre- điểm nhấn củaKhu du lịch nghỉ dưỡng Venada Resort Cúc Phương.
Khu nghỉ dưỡng được ví như tác phẩm nhân tạo lấy cảm hứng từ cảnh quan đặc trưng của Ninh Bình và rừng Cúc Phương. Chia sẻ với phóng viên Tạp chí Điện tử Doanh nghiệp Việt Nam, Giám đốc Công ty cổ phần dịch vụ du lịch Cúc Phương cho biết, để làm nên công trình này, ông đã phải tìm vào Tây Ninh đặt mua tre và thuê chính những người thợ có kinh nghiệm ở Tây Ninh làm trong 2 năm, sau đó đưa ra Cúc Phương để thi công xây dựng.
Theo thiết kế, Khu du lịch nghỉ dưỡng Vedana có không gian vui chơi giải trí với diện tích hơn 15ha, lớn nhất tỉnh Ninh Bình với 225 căn condotel, 135 căn biệt thự, 8 căn Bungalow. Đây là công trình kiến trúc bằng tre có quy mô lớn nhất tại miền Bắc hiện nay.
Điểm nhấn của khu nghỉ dưỡng là 3 công trình hoàn toàn bằng tre. Đó là nhà hàng tre rộng 1.000m2 để phục vụ các hoạt động hội nghị, team building. Công trình có tổng chiều cao lên đến hơn 15m tương đương một ngôi nhà cao 5 tầng, 1 không gian khổng lồ đã được tạo nên bởi hơn 70 nghìn cây tre.
Khu nghỉ dưỡng cũng có một nhà đón tiếp được xây dựng với 23 nghìn cây tre và Trung tâm hội nghị với 113 nghìn cây tre. Đây là các công trình bằng tre lớn bậc nhất khu vực Đông Nam Á.
Giám đốc Công ty cổ phần dịch vụ du lịch Cúc Phương chia sẻ về dự án tâm huyết của mình.
Ấp ủ những khát vọng về một mô hình sống mới, Vedana Resort đang trở thành điểm hẹn không chỉ dành riêng cho du khách, mà còn là mái nhà nơi lưu trữ bảo tồn những giá trị văn hoá phi vật thể của mảnh đất mang tên Cúc Phương.
Doanh nhân Lê Quốc Thịnh mong muốn lưu giữ các giá trị văn hóa truyền thống của người Mường Cúc Phương trong nội khu của Vedana Resort, trong đó, ông đặc biệt trú trọng xây dựng nhà Bảo tàng văn hoá Mường.
“Tôi kỳ vọng mỗi công trình được xây dựng tại khu nghỉ dưỡng sẽ là một sản phẩm du lịch mang đậm nét văn hóa bản địa. Để Vedana trở thành mái nhà xanh giữa bãi đá lộ đầu, du khách đến đây có cảm giác được về nhà, vừa lạ vừa thân thương, quên đi mệt mỏi, ưu phiền, được sống chan hoà giữa con người và đất mẹ quê hương”, ông Thịnh nói.
VLXD.org (TH/ Doanhnghiepvn)