Hiện nay các khu đất trong thành phố quy hoạch xây dựng trường học như ở Hà Nội trở nên đông đúc, mật độ và hệ số sử dụng đất, tầng cao còn hạn chế. Nhiều trường hợp hình thế đất méo mó, gặp nhiều bất lợi. Vì vậy, việc tổ chức không gian hoạt động đồng bộ tối ưu hóa vẫn đảm bảo các khu chức năng học tập và hoạt động thể chất cho các em luôn là thách thức.
Trường hợp trường mầm non được xây trên khu đất méo – địa hình hình thang, diện tích rất hẹp với 3 mặt đều bị che chắn bởi các tòa nhà cao tầng.
Để có đủ diện tích cho không gian học tập và vui chơi thể chất của học sinh, kiến trúc sư đã bố trí khối công trình trung tâm với chức năng phòng học và hành chính phụ trợ quay về hướng Nam đảm bảo tối ưu hóa ánh sáng tự nhiên, tổ chức vi khí hậu cũng như an toàn dạy và học.
Tất cả các phòng học chính được tổ chức trong một không gian vuông vắn, giúp giảm thiểu khoảng cách từ không gian phòng học chính đến các không gian phụ như nhà vệ sinh, không gian lưu trữ, hiên… khép kín, đồng thời giúp giáo viên dễ dàng, bao quát và hỗ trợ xử lý tốt hơn khi các tình huống rắc rối xảy ra.
Giải pháp này còn tối đa hóa việc dễ dàng thay đổi nội thất, bất cứ lúc nào tùy theo mục đích sử dụng khác nhau, đặc biệt là việc sắp xếp đồ đạc linh hoạt và phù họp với các loại hình học và sinh hoạt bên trong.
Giải pháp này cũng giúp dễ dàng sắp xếp lại đồ đạc vào bốn góc tường một cách nhanh chóng và tiện lợi, tiết kiệm không gian trung tâm lớp học cho những giờ nghỉ trưa hay các hoạt động xã hội vào các thời điểm khác nhau trong ngày.
Thiết ké không gian lớp học đặt ban công 2 mặt thoáng giữa 2 phòng học. Cửa sổ kính rộng hướng ra ban công giúp đón ánh sáng tự nhiên – thông gió tốt nhất và đảm bảo thị lực tốt cho trẻ. Không gian ban công mở cũng hỗ trợ điều phối và tăng cường khả năng giao tiếp giữa các lớp cho trẻ.
Trước yêu cầu đặt ra về gia tăng và tổ chức đồng bộ không gian hoạt động vui chơi – vận động thể chất cho học sinh, ý tưởng kiến trúc đã tổ chức kết cấu “tháp vận động” có cấu trúc xoắn ốc, thu hẹp dần ở phía trên với mái che trên cùng và cây xanh thiên nhiên ở lõi giữa được kết nối hành lang cầu liên thông với khối lớp học.
Về mặt thẩm mỹ kiến trúc, khối “tháp vận động” giúp tổng thể kiến trúc toàn có tính năng động và hấp dẫn.
Mặt khác, các hành lang dài lên đến 50cm với độ dốc phù hợp có lan can an toàn, với nhiều màu sắc bắt mắt được nhận diện theo từng tầng, là không gian giao lưu, hoạt động thể chất có mái che cho học sinh. Giải pháp trên đã giúp gia tăng khoảng 3 lần diện tích không gian hoạt động thể chất rất hấp dẫn bởi tính liên hoàn và biến đổi không gian liên tục theo chiều đứng đầy ngẫu hứng và thú vị.
Cùng với các giải pháp hoàn thiện bằng vật liệu chất lượng như thảm cao su cho các đường gờ và sàn để đảm bảo an toàn cho trẻ, đồ trang trí nhiều màu sắc tươi sáng, cây xanh và thiết bị chiếu sáng – thông gió, “tháp vận động” là một giải pháp thiết kế hữu hiệu giúp gia tăng thời gian và hình thức vận động đa dạng của các bé.
VLXD.org (TH/ CafeLand)