Nhà hàng Vedana, Việt Nam
“Nhà hàng Vedana” của Võ Trọng Nghĩa Architects là công trình duy nhất của Việt Nam giành giải thưởng danh giá nhất (Grand Prize) cùng với công ty nổi tiếng hàng đầu thế giới là OMA tại Yuanye Awards lần thứ 11.
Vedana là một phần trong phức hợp nghỉ dưỡng Vedana Resort. Công trình có diện tích bằng mái là 1051 m2, với bán kính mái lớn nhất là 18.3 m. Chiều cao tới đỉnh mái là 15.85 m, ghi mốc công trình cao nhất trong chuỗi thiết kế nhà tre của Võ Trọng Nghĩa Architects. Điều đặc biệt, Vedana được xây dựng tại bìa rừng Cúc Phương, nơi núi rừng và những thảm thực vật dày đặc bao bọc.
Nhà hàng được thiết kế để trở thành trung tâm phục vụ khoảng 1.350 khách của toàn bộ khu resort cũng như các sự kiện, tiệc cưới. Nguyên liệu chủ yếu được làm từ cây tre – loại cây quen thuộc và đặc trưng của làng quê Việt Nam. Cấu trúc tre gồm 36 khung tre tạo nên hình thức mái vòm 3 tầng mái được lấy cảm hứng từ kiến trúc truyền thống.
Nhà hàng Vedana được xây dựng trên một hồ nước nhân tạo lớn. Hồ nước này có vai trò quan trọng trong việc điều hòa nhiệt độ cho toàn dự án nói chung và nhà hàng nói riêng. Người dùng có thể cảm nhận không gian trong nhà và ngoài nhà cùng lúc, cảm nhận không gian bên trong của cấu trúc tre cũng như không gian núi rừng, hồ nước bên ngoài.
Bamboo Pavilion, Đài Loan, Trung Quốc
Tại Đài Trung, Đài Loan, một công trình bằng tre khác mang tên Bamboo Pavilion cũng đang gây tiếng vang lớn.
Công trình được làm bằng tre nứa bản địa, diện tích lên đến 1.570m2. Bamboo Pavilion được xây dựng tại trung tâm một hồ nước lớn với ý tưởng về hình ảnh hạt giống đang vươn mình, tượng trưng cho hy vọng vào tương lai của nhân loại.
Sự liên kết của hàng chục ngàn thanh tre tạo nên nhiều hiệu ứng thị giác khác nhau khi người xem quan sát công trình từ các hướng.
Arc in Green School, Indonesia
Arc in Green School là một trong những công trình nổi bật của Ibuku sử dụng vật liệu tre mang đến những góc nhìn ấn tượng và trở thành một tài liệu tham khảo cho cấu trúc nhẹ hoàn toàn trong kiến trúc và xây dựng.
Arc là tòa nhà mới nhất trong khuôn viên trường Green School, một ngôi trường nổi tiếng thế giới tại Bali, Indonesia. Ngôi trường này có lịch sử 12 năm với những ưu điểm đột phá, mở rộng tầm nhìn. Dự án Arc là điểm sáng mới nhất nhằm nâng cao tiêu chuẩn cho nền giáo dục bền vững trên toàn thế giới.
Arc at Green School được xây dựng từ một loạt các vòm tre cao 14m giao nhau, kéo dài tới 19m và được kết nối với nhau bằng các tấm lưới chống đàn hồi uốn cong theo hai hướng ngược nhau tạo ra sức mạnh của vật liệu.
Arc là cả một sự kỳ công của kỹ thuật, dự án đòi hỏi nhiều tháng để nghiên cứu, phát triển và tinh chỉnh các chi tiết được thiết kế riêng. Kết quả là một thiết kế vô cùng tinh tế với vẻ đẹp độc đáo từ vật liệu tre, là minh chứng cho cam kết của Ibuku trong việc mở rộng tầm nhìn trong kiến trúc và thiết kế.
Bamboo Sports Hall, Thái Lan
Khu thể thao đặc biệt này mang tên Bamboo Sports Hall được thiết kế bởi công ty kiến trúc Chiangmai Life Construction, Thái Lan.
Khu thể thao lạ mắt mang dáng vẻ của một kiến trúc hiện đại, lấy cảm hứng từ hoa sen, với khả năng có thể chống chịu được động đất mạnh. Công trình nhà tre rất thân thiện với môi trường, nói không với “dấu chân carbon”.
Hoàn thành trong năm 2017, Bamboo Sports Hall có hình dạng nhấp nhô, phản ánh địa hình đồi xung quanh. Rộng 782 m2, khu thể thao đa năng có các mái vòm hình tròn có thể giúp thông gió và đón ánh sáng tự nhiên.
Bamboo Sports Hall có sức chứa khoảng 300 học sinh. Đây là nơi tập luyện các môn thể thao như futsal, bóng rổ, bóng chuyền, cầu lông, và cũng là nơi tổ chức các hoạt động văn nghệ của học sinh.
Theo các kiến trúc sư, dấu chân carbon ở Sports Hall là không có, vì tre là vật liệu có khả năng hấp thụ lượng carbon cao hơn nhiều so với carbon thải ra trong quá trình xử lý, vận chuyển và xây dựng. Bên cạnh đó, tre còn là vật liệu giúp cách nhiệt, tạo ra môi trường trong nhà thoáng khí và mát mẻ quanh năm.
Nhà hát Hardelot, Pháp
Nhà hát Hardelot được thiết kế bởi studio Andrew Todd, là sự kết hợp hoàn hảo giữa yếu tố truyền thống và phong cách hiện đại.
Tổng thể công trình gợi nhớ đến những ngôi đền Nhật Bản và kiến trúc bằng gỗ châu Âu thời Trung cổ. Đây cũng là tòa nhà đầu tiên ở Pháp sử dụng tre làm vật liệu ốp tường.
Rising Canes, Trung Quốc
Có lẽ khó mà tưởng tượng được việc xây dựng một ngôi nhà có thể cung cấp nơi ở cho 20.000 người trong tương lai lại chỉ cần có duy nhất 2 thứ đó là tre và dây thừng.
Đó là ý tưởng của Penda - một công ty kiến trúc tại Trung Quốc. Ý tưởng độc đáo về một không gian sống thân thiện với môi trường này đã giành hạng 2 trong cuộc thi A’Design Awards 2016.
Để xây dựng căn nhà cây này, nhóm thiết kế Penda sẽ gắn các cây tre lại với nhau thành một khối bằng dây thừng. Cứ mỗi một nút thắt sẽ có 8 cây tre đan xen vao nhau, nhiều cây tre như vậy sẽ tạo thành những trụ vững chắc có chức năng đỡ toàn bộ ngôi nhà.
Tại mỗi tầng sàn nhà cũng được ghép lại bằng những thân tre tạo thành một mặt phẳng giúp con người có thể di chuyển dễ dàng như đang sống trong một chung cư. Cứ như thế các tầng được chồng lên nhau. Khi nó cao dần và có nhiều tầng, căn nhà cây này sẽ trông như một khu chung cư với nhiều căn hộ nhỏ cho các gia đình sinh sống.
Trước mắt sẽ có khoảng 20 hộ gia đình có thể sống trong tòa nhà đầu tiên dự tính sẽ được hoàn thành trong vài năm tới. Đến năm 2023, công ty mong muốn mở rộng diện tích của công trình này lên đến 1 km2 và có thể cung cấp nơi ở cho 20.000 người.
VLXD.org (TH/ Dân Việt)