Ngạch là chi tiết không thể thiếu trong kết cấu nhà gỗ truyền thống và các cửa - cổng. Trong khi sự vững chắc của mái nhà phụ thuộc vào hệ thống kèo, xà và ruổn (giằng hàng hiên), thì khả năng chịu lực (gánh đỡ), chống gió xô hoặc động đất của hàng cột chủ yếu ở các con ngạch.
Theo tính toán, liên kết ngạch giúp mỗi cây cột tăng gấp 5 - 10 lần khả năng gánh đỡ trọng lực vốn có của nó, qua đó chịu lực tổng thể của ngôi nhà tăng lên hàng trăm lần. Liên kết ngạch vững chắc đến mức đảm bảo cho những ngôi nhà làm bằng tre luồng vẫn có thể lợp ngói an toàn.
Trong kiến trúc hiện đại, chúng ta có thể không quan tâm nhiều đến vai trò của con ngạch trong kết cấu tổng thể công trình. Nhưng giá trị phong thủy của chi tiết này thì không thể xem nhẹ, nhất là vai trò hóa giải sát khí, trấn trạch an gia trạch.
Phong thủy lợi dụng hàng ngạch liên kết các chân cột quanh nhà (bám sát mặt nền) để chặn âm khí và các loại côn trùng, bò sát… xâm nhập. Các con ngạch nhà gỗ vì thế thường được làm khá to lớn, có thể nói là “một chín một mười” so với độ lớn của cột.
Để đảm bảo ngăn chặn hiệu quả sự xâm nhập của âm tà (khí), ngạch phải đạt độ cao trên 25cm tính từ mặt nền. Ở vùng núi, những nơi trống trải hoặc những nơi phía bắc và đông bắc không có núi non che chắn, người ta làm “ngạch kép” (thông thường giữa hai con ngạch ghép thêm một tấm ván) để độ cao của nó đạt trên 40cm.
"Con ngạch" còn có vai trò hết sức quan trọng trong phương diện phong thủy.
Ngạch thường được chia làm hai loại cơ bản: Ngạch giằng chân cột và ngạch cửa (cổng). Ngạch cửa bao giờ cũng cao hơn so với ngạch giằng chân cột. Công dụng chính của ngạch cửa là ngăn chặn, làm giảm tốc độ của các luồng khí xung vào nhà qua cửa chính.
Với độ cao tương đương ống chân (dưới gối) người bình thường, ngạch cửa khiến mọi người phải dừng chân trước khi bước vào nhà, ngoại khí vì thế không thể cuốn theo, khí trường trong nhà không bị xung động tản mát.
Ngạch cửa như một bức bình phong của công trình kiến trúc, giữ cho nội khí luôn ổn định, trong lành, thậm chí khi những cơn gió mạnh có làm bật tung cửa thì sinh khí trong nhà vẫn được giữ vững.
Ngạch cửa thường không cao quá 40cm, do đó vùng khí “chân âm” của ngôi nhà được giữ ổn định. Theo đông y thì dương khí gắn với hỏa, âm khí gắn với thủy. Khuyết thủy thì hỏa vượng, gây bệnh về thử, táo; khuyết hỏa thì thủy bành trướng, gây bệnh về hàn, tả. Âm dương - thủy hỏa quân bình là gốc của sức khỏe, của sinh khí.
Để hóa giải sát khí cho những ngôi nhà bị đường, ngõ hoặc hành lang xung thẳng cửa chính, người ta có thể thiết kế ngạch cửa thay cho việc trấn yểm bằng bùa, gương bát quái hoặc đá “thái sơn”, vừa mỹ quan vừa hiệu quả.
Trong kiến trúc phủ đệ, biệt thự hoặc đền đài, con ngạch đóng vai trò phong thủy hết sức quan trọng ở cổng chính. Đối với các công trình “kín cổng cao tường”, nếu "huyền môn vô ngạch" - cổng chính không có ngạch thì sẽ suy bại, thoái tài. Ngạch cổng như tấm chắn miệng cống ở đập nước, không thể giữ nước nếu tấm chắn hư hỏng.
Trong nhiều công trình kiến trúc cổ, nhất là kiến trúc văn hóa như đình, đền, miếu mạo... (như Văn Miếu ở Hà Nội chẳng hạn), ngạch cửa còn giúp chấn chỉnh hành vi, phong thái của mọi người, không thể "phi xe" hay "chạy ào" qua cổng. Mỗi bước chân con người ở nơi này dường như ung dung tự tại hơn nhờ những tầng cửa cao ngạch.
Ngày nay, do tác động của nhiều yếu tố, các gia đình hầu như không còn quan tâm đến chi tiết “cái ngạch cửa”. Ở nhiều công trình kiến trúc (nhất là biệt thự), tâm lý “ô tô đỗ cửa” thường dẫn đến phạm kỵ "Huyền môn vô ngạch". Muốn hóa giải, có thể làm ngạch cửa dưới hình thức một con dốc nhỏ ở cổng chính, vừa đảm bảo giao thông thuận tiện, vừa hợp nguyên lý phong thủy.
Đối với các căn hộ chung cư hoặc nhà riêng, ngạch cửa ít nhất phải cao 5cm, tạo thành cái “hèm” giữa mặt sàn với cánh cửa. Cửa các phòng trong căn hộ cũng nên thiết kế ngạch để giữ sinh khí. Phòng ngủ của phụ nữ nên thiết kế ngạch cửa cao hơn ngạch cửa phòng ngủ nam giới.
Ngạch cửa có thể thiết kế bằng gỗ, gạch đá hoặc các loại vật liệu khác; có thể chạm trổ, trang trí bằng họa tiết, hoa văn để tăng tính thẩm mỹ nhưng không được sứt mẻ hoặc gãy vỡ.
Ngạch cửa bị vỡ hoặc gãy cũng giống như thượng lương bị gãy, tổn hại trực tiếp đến chủ nhà. Ngạch cửa bền đẹp, vững chắc thì vận khí thuận; cong vai, nham nhở thì vận khí trệ.
Màu sắc ngạch cửa phải “tĩnh, ấm” như màu nâu đỏ, màu cánh dán - huyết dụ, màu cà phê, màu lục… kỵ màu sắc có tính “động” cao, lòe loẹt hoặc màu trắng lạnh.
Theo Lao động