Nhiều công trình lớn trên địa bàn tỉnh đang cần vật liệu cát để san lấp mặt bằng.
Thiếu cát san lấp
Trên địa bàn tỉnh hiện chỉ có 1 mỏ cát sông được cấp phép khai thác (mỏ cát trên sông Cổ Chiên, thuộc xã Cẩm Sơn, huyện Mỏ Cày Nam) với trữ lượng khai thác là 510.000m3, công suất khai thác 180.000m3/năm, thời gian khai thác 2 năm. Thời gian khai thác trong ngày từ 7 - 17 giờ, phương tiện khai thác là 1 cần xáng cạp, cách bờ tối thiểu 200m.
Mỏ cát Cẩm Sơn là 1 trong 5 mỏ cát được tỉnh tổ chức đấu giá quyền khai thác khoáng sản (QKTKS) theo kế hoạch đấu giá QKTKS năm 2019. Tuy nhiên, khi đơn vị trúng đấu giá quyền khai thác mỏ hoàn thành các thủ tục để cấp phép khai thác (tháng 10/2020) và triển khai hoạt động khai thác tại mỏ thì gặp sự ngăn cản của người dân, do đó đơn vị ngừng khai thác để thực hiện công tác đối thoại với người dân trong vùng dự án.
Theo Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT), trong năm 2019, nhằm đáp ứng một phần nguồn vật liệu san lấp phục vụ các công trình trong tỉnh, Tỉnh ủy, HĐND tỉnh đã thống nhất và chỉ đạo UBND tỉnh có kế hoạch và tổ chức đấu giá QKTKS đối với 5 khu vực mỏ cát trong năm 2019. Qua đó, tỉnh đã tổ chức đấu giá và UBND tỉnh công nhận 5 đơn vị trúng đấu giá QKTKS đối với 5 khu vực mỏ.
Tuy nhiên, chỉ có 1 đơn vị được cấp phép khai thác nhưng cũng gặp khó khăn khi đưa vào khai thác. 3/5 đơn vị trúng đấu giá còn lại đã không thực hiện đầy đủ nghĩa vụ tài chính (tiền trúng đấu giá) và cũng không thực hiện hồ sơ cấp phép khai thác theo quy định. Do đó, UBND tỉnh phải hủy quyết định công nhận trúng đấu giá đối với 3 đơn vị trúng đấu giá này. Còn lại 1 đơn vị trúng đấu giá chưa hoàn thiện đầy đủ hồ sơ cấp phép, nghĩa vụ tài chính theo quy định
Điều kiện mỏ cát hoạt động
Cũng theo Sở TN&MT, nguyên tắc hoạt động khoáng sản là phải phù hợp với chiến lược, quy hoạch khoáng sản (QHKS), gắn với bảo vệ môi trường, cảnh quan thiên nhiên, quốc phòng - an ninh.
Tuy nhiên, căn cứ Nghị quyết số 08/2014/NQ-HĐND được HĐND tỉnh thông qua ngày 10/7/2014 về việc điều chỉnh quy hoạch thăm dò, khai thác cát lòng sông đến năm 2020 trên địa bàn tỉnh thì phân kỳ quy hoạch chỉ đến năm 2020. Như vậy, theo Nghị quyết số 08/2014/NQ-HĐND, đến thời điểm hiện nay đã hết kỳ quy hoạch và phải lập lại quy hoạch. Tuy nhiên, theo quy định của Luật Quy hoạch năm 2017, QHKS được tích hợp vào quy hoạch chung của tỉnh và hiện nay quy hoạch của tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đang trong giai đoạn xây dựng.
Mặt khác, cát lòng sông thuộc nhóm khoáng sản làm vật liệu xây dựng (VLXD) thông thường và việc quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản làm VLXD là quy hoạch ngành quốc gia. Thêm nữa, QHKS làm VLXD thông thường được thực hiện theo Nghị định số 24a/NĐ-CP ngày 5/4/2016 của Chính phủ về quản lý VLXD. Do đó, nếu chưa có QHKS làm VLXD thông thường thì không có căn cứ để cấp phép thăm dò, khai thác khoáng sản (cát lòng sông). Như vậy, muốn đưa mỏ cát vào đấu giá mỏ phải chờ quy hoạch của tỉnh đã thông qua.
Đề xuất tháo gỡ khó khăn
UBND tỉnh gửi văn bản 2 lần đến Bộ TN&MT với yêu cầu hướng dẫn tháo gỡ các vướng mắc về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và thuê đất đối với trường hợp khai thác cát lòng sông trên địa bàn tỉnh vào tháng 5/2021 và tháng 8/2021. Tuy nhiên, văn bản hồi đáp của Tổng cục Đất đai tại Công văn số 2047/TCQLĐĐ-CQHĐĐ ngày 15/9/2021 hướng dẫn không nói rõ có hay không việc thuê diện tích mặt nước trong quá trình giao khai thác khoáng sản cát lòng sông.
Lãnh đạo tỉnh cũng đã chỉ đạo Sở Xây dựng nghiên cứu tìm vật liệu thay thế vật liệu cát. Đại diện Sở Xây dựng cho hay, vật liệu cát đen tại tỉnh có giá 200.000 đồng/m3, không tính phí vận chuyển, cộng thêm thuế (20.000 đồng/m3), mỗi m3 cát tại tỉnh có giá 220.000 đồng. So với giá vật liệu thay thế chuyển từ Đồng Nai về, là đất sỏi đỏ (giá 200.000 đồng/m3) cộng phí vận chuyển tới bãi tập kết tại tỉnh, thuế thì mỗi m3 đất sỏi đỏ là 335.000 đồng và đất san lấp (giá 120.000 đồng/m3) cộng phí vận chuyển tới bãi tập kết vật liệu tại tỉnh, thuế thì mỗi m3 đất san lấp có giá 247.000 đồng. Tại tỉnh có đá mi bụi, giá mỗi m3 là 435.000 đồng. 3 loại vật liệu có thể thay thế cát là: đất sỏi đỏ, đất san lấp, đá mi bụi đều cao hơn so với cát.
Bên cạnh đó, mỗi loại vật liệu thay thế cát đều có biện pháp thi công khác nhau. Như sỏi, đất không thể bơm để san lấp mà phải chở từng xe đến công trình, sau đó dùng xe cơ giới ủi ra, ban gạt, lu lèn... do đó, chi phí san lấp sẽ tăng thêm nữa, giải pháp vật liệu thay thế cát là không khả thi.
Hiện nay, tỉnh đang triển khai các công trình giao thông trọng điểm, trong khi nguồn cung cấp vật liệu san lấp còn hạn hẹp, chưa có vật liệu thay thế cho nhóm vật liệu san lấp cát lòng sông. Để các công trình hoàn thành đúng tiến độ, Sở TN&MT đã đề xuất tỉnh kiến nghị Chính phủ xem xét cho tỉnh được áp dụng các cơ chế theo như Nghị quyết số 60/NQ-CP ngày 16/6/2021 của Chính phủ về việc áp dụng cơ chế đặc thù trong cấp phép khai thác khoáng sản làm VLXD thông thường cung cấp cho các dự án đầu tư xây dựng một số đoạn đường cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông, giai đoạn 2017 - 2020.
VLXD.org (TH/ Báo Đồng Khởi)