Cá cược game - Game Thể Thao 24H

Thông báo Việc làm Hỏi đáp chuyên ngành

Cát, Đá, Sỏi

Cát nhân tạo khó có chỗ đứng trong các công trình xây dựng

28/03/2018 - 05:11 CH

Cát nhân tạo được đánh giá là vật liệu thay thế tốt nhất cho cát tự nhiên đang ngày càng cạn kiệt. Tuy nhiên, vẫn còn rất nhiều vướng mắc để loại vật liệu mới này có chỗ đứng.
Nhiều đặc tính nổi trội

Hiện nay, nguồn cát tự nhiên ngày càng cạn kiệt và dự báo đến năm 2020, Việt Nam sẽ không còn cát phục vụ cho san lấp.

Theo số liệu thống kê của Viện Vật liệu xây dựng (Bộ Xây dựng), nhu cầu sử dụng cát xây dựng trên toàn quốc khoảng 130 triệu m3/năm, nhu cầu cát san lấp khoảng 2,1 - 2,3 tỷ m3 trong giai đoạn 2016 - 2022, trong khi trữ lượng cát phục vụ cho san lấp đến năm 2020 chỉ còn 2,1 tỷ m3. Do đó, việc thúc đẩy phát triển và sử dụng cát nhân tạo (hay còn gọi là cát nghiền) trong thời điểm này là cần thiết.
 

Cát tự nhiên ngày càng khan hiếm và dự báo đến năm 2020 sẽ không còn cát phục vụ cho hoạt động san lấp.

Trên thế giới, cát nhân tạo đang được dùng phổ biến do có nhiều tính chất đặc biệt như hạt cát đồng đều, có thể điều chỉnh modun và tỷ lệ thành phần hạt theo từng yêu cầu cấp phối cho các loại bê tông khác nhau. Bên cạnh đó, loại cát nhân tạo cũng cho phép tiết kiệm xi măng, nhựa đường, rút ngắn thời gian thi công và tăng tuổi thọ công trình.

Đơn cử, ở Trung Quốc, cát nhân tạo đã chiếm 70% lượng cát sử dụng trong xây dựng. Còn tại Nhật Bản, từ năm 1990, quốc gia này đã ban hành lệnh hạn chế khai thác cát tự nhiên, thay vào đó là dùng cát nhân tạo.

Tại Việt Nam, cụ thể là ở Quảng Ninh, nguồn nguyên liệu để sản xuất cát nhân tạo khá dồi dào, đó là các bãi đá thải của ngành than, nếu được chuyển hóa thành cát nhân tạo, vừa đem lại giá trị lớn về kinh tế, giải quyết vấn đề môi trường bãi thải, vừa đáp ứng được nhu cầu cấp bách về cát cho ngành xây dựng. Ngoài ra, xỉ thép từ các nhà máy luyện kim sau khi tái chế cũng là một nguồn vật liệu thay thế cát xây dựng về lâu dài. Bên cạnh đó, tro và thạch cao có thể thay thế cát làm nền.

Theo các chuyên gia trong ngành, do giá thành sản xuất cát nhân tạo chỉ bằng một nửa giá cát tự nhiên, nếu phối trộn giữa cát nghiền với cát sông theo tỷ lệ khác nhau, sẽ tạo ra được hỗn hợp phù hợp với quy chuẩn cho xây dựng.

Ông Lê Văn Cư, Viện trưởng Viện Kinh tế xây dựng (Bộ Xây dựng) cho biết, chi phí cho cát ảnh hưởng không nhỏ đối với tổng chi phí đầu tư xây dựng công trình. Với công trình giao thông xử lý nền đất yếu và đắp nền cao, nếu giá cát tăng từ 100 - 200%, chi phí của công trình tăng từ 17% trở lên. Với công trình dân dụng, khi giá cát tăng khoảng 100%, tổng chi phí tăng khoảng 2 - 4%. Đối với dạng công trình hạ tầng, san nền nhiều, khi giá cát tăng 100 - 200%, tổng chi phí của công trình tăng khoảng 80 - 160%.

Do đó, giải pháp tối ưu là trộn chung cát xay với cát sông với tỷ lệ cát xay chiếm khoảng 30 - 40%, vì cát xay không thể thay thế hoàn toàn cát tự nhiên.

Cần khuyến kích

Không thể phủ nhận tính ưu việt của cát nhân tạo, nhưng trên thực tế, việc tiêu thụ loại nguyên liệu này đang gặp rất nhiều khó khăn. Thống kê cho thấy, các doanh nghiệp dù đã rất cố gắng tiếp thị, giới thiệu sản phẩm, nhưng mức tiêu thụ vẫn không vượt quá 10% sản lượng sản xuất ra.

Thời gian qua, Chính phủ đã quyết tâm thực hiện và xử lý rốt ráo các bất cập liên quan đến cát tự nhiên, đồng thời có những chỉ đạo quyết liệt trong sử dụng cát nhân tạo và các loại vật liệu khác để thay thế cát tự nhiên. Cụ thể, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 24a/2016/NĐ-CP về quản lý vật liệu xây dựng, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 452/QĐ-TTg ngày 12/4/2017 phê duyệt Đề án đẩy mạnh xử lý, sử dụng tro, xỉ, thạch cao của các nhà máy nhiệt điện, nhà máy phân bón, hóa chất làm nguyên liệu sản xuất vật liệu xây dựng và trong các công trình xây dựng…

Triển khai chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Xây dựng đã ban hành một loạt văn bản cũng như tiêu chuẩn quốc gia hiện hành phục vụ cho việc quản lý, cũng như khuyến khích đưa các sản phẩm như cát nhân tạo và vật liệu khác thay thế cát tự nhiên, trong đó có TCVN 9250:2012 cát nghiền cho bê tông và vữa…

Dù đã có nhiều văn bản quy định và hướng dẫn, nhưng đại diện một số doanh nghiệp cho biết, để cát nhân tạo có chỗ đứng trên thị trường, Chính phủ, ban ngành và địa phương cần có những chính sách hỗ trợ, khuyến khích cho doanh nghiệp đầu tư, phát triển sản phẩm này. Đồng thời, truyền thông để người dân hiểu biết đầy đủ, từ đó từ bỏ thói quen dùng cát tự nhiên.
 
VLXD.org (TH/ Đầu tư BĐS)

Ý kiến của bạn

Thương hiệu vật liệu xây dựng